Tôi vừa kết thúc chuyến đi dài ngày ở nơi biên giới. Món quà mang về, là biết bao câu chuyện thú vị về tinh thần tận hiến của những “đảng viên gốc Lào” cho cộng đồng. Họ là đồng bào Cơ Tu, Ve, Tà Riềng sinh sống dọc biên giới Việt Nam - Lào. Trong câu chuyện về mình, họ nói, hơn nửa thế kỷ trước, vì chiến tranh và lịch sử sinh tồn, từ các cụm bản bên kia Trường Sơn Đông, họ xuôi theo miền rừng, rồi định cư tại vùng đất giáp biên, trở thành công dân Việt Nam, như bây giờ.Sau Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt Nam - Lào năm 1977, một phần diện tích đôi bên đã được phân chia, xác lập theo luật pháp quốc tế với những thỏa thuận phù hợp thực tiễn. Không nằm ngoài cuộc “sắp xếp” chung này, vùng đất ngụ cư lâu đời của đồng bào Cơ Tu, Ve, Tà Riềng lần lượt được đưa vào hoạch định biên giới, tạo cơ sở cho quá trình cắm mốc thực địa, phân định đường biên giới quốc gia giữa Việt Nam - Lào và được xác lập theo Nghị định thư giữa chính phủ hai nước ngày 16/3/2006. Các yếu tố lịch sử này cũng là cơ sở giải thích về sự phân bố các tộc người dọc biên giới của hai nước sau này.
BÀI 1: TRÊN “CỔNG TRỜI” ĐẮC NGOL
Thật không ngờ, trận mưa dông nặng hạt sau chuyến ngược núi đến cột mốc biên giới lại trở thành lý do duy nhất để chúng tôi có mặt tại khu dân cư Đắc Ngol (xã La Êê, Nam Giang). Trú mưa ngay đúng ngôi nhà của già làng Zơrâm Vênh nên chỉ vừa kịp giới thiệu, ông già người Tà Riềng 73 tuổi này đã lập tức “khai mở” nét văn hóa truyền thống với khách. Cuộc vui kéo dài tận khuya…
Chuyện những người “gác đền”
Thực hiện Thỏa thuận về giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới của Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào, ngày 3.7.2019, Chủ tịch nước ký Quyết định số 1148/QĐ-CTN cho phép nhập quốc tịch Việt Nam đối với 20 trường hợp người Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới của tỉnh Quảng Nam. Tất cả trường hợp này đều đã được công bố và trao quyết định chính thức công nhận quốc tịch Việt Nam.
Đồng hồ báo đúng 18 giờ. Mưa vẫn rả rích càng khiến màn đêm xuống nhanh. Già Zơrâm Vênh lấy từ trong tủ loại rượu truyền thống có tên “tà vạc cất”. Rượu này chỉ dành cho khách quý. Ông già nói, ngày mai có chương trình họp thôn chuẩn bị cho ngày hội đại đoàn kết sắp tới nên dành ít để góp vui với dân làng.
Cuộc sống cộng cư lâu đời càng giúp tinh thần đoàn kết giữa đồng bào Cơ Tu, Tà Riềng ở vùng đất Đắc Ngol thêm thắt chặt. Tinh thần đó được ví như dòng suối nguồn mát trong và thuần khiết, lắng đọng phù sa cho hạt lúa nảy mầm.
Già Zơrâm Vênh nói với tôi, phần lớn cư dân ở làng trước đây di cư từ bên kia biên giới, thuộc huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông (Lào). Chuyện cũ đã lâu nên không còn nhớ rõ thời gian.
Chỉ biết rằng, ở trong lòng Trường Sơn này, đường biên giới trước kia chỉ là một khái niệm mơ hồ và di cư tự do như chuyến đi dài sau tháng ngày đói khát để tìm miền đất hứa. Ròng rã suốt nhiều tháng xuôi theo con nước, dọc miền rừng Trường Sơn, điểm dừng chân cuối cùng được chọn là khu vực chân núi Grong Chăng Tâl, thuộc Đắc Ngol bây giờ.
“Trong cả 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, người dân Đắc Ngol và đồng bào lân cận cùng nhau hợp sức đánh giặc. Nhiều cuộc di tản của người dân và cán bộ, cũng nhận được sự cưu mang, giúp đỡ của dân làng Đắc Ngol, phục vụ kháng chiến” - già Vênh tâm sự.
Già Vênh từng là bộ đội chủ lực của tỉnh, tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Năm 1974, ông trực tiếp tham gia đánh trận Thượng Đức, trước khi được cấp trên phân công trở về địa phương vận động người dân tiếp tục đánh giặc, bám đất giữ làng. Sau giải phóng, ông lập gia đình.
Vợ ông là Pơloong Von, một phụ nữ Tà Riềng ở cụm bản Đắc Điêng (Đắc Chưng, Sê Kông). Cả hai quen nhau trong một dịp thăm thân vào năm 1982. Bà Pơloong Von trước đây cũng từng tham gia lực lượng dân công hỏa tuyến, sau khi theo chồng về Việt Nam, bà được công nhận quốc tịch, trở thành công dân Việt Nam thực thụ.
“Ché cổ” của già Niêm
Lúc ở nhà già Niêm, khi tôi chuẩn bị ra về, ông kéo tay tôi vào một góc nhà, nói cho xem... ché cổ rất quý giá. Tưởng thật, hóa ra đó là cách ông ví von Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng vừa được trao tặng. “Giá trị hơn cả ché cổ đấy! Cho bao nhiêu tiền, già không bán đâu!” - già Niêm cười hiền.
Rồi ông Zơrâm Vênh vào Đảng, chính thức trở thành đảng viên vào năm 1997. Hàng chục năm qua, gần như công việc chung của làng đều có công sức của ông, từ vận động cháu con học tập, phát triển kinh tế, cho đến tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc.
Nhắc chuyện bảo vệ đường biên, làm tôi nhớ đến hôm ngồi dưới căn nhà xây của Zơrâm Hụm, một chàng trai Tà Riềng vừa được kết nạp vào Đảng. Zơrâm Hụm là gương điển hình của địa phương.
Nhiều năm trước, sau thời gian đi lao động theo hợp đồng ở nước ngoài, số tiền tích lũy được, Hụm dành hết cho chuyện đi học đại học. Trở về, được bố trí làm công tác xây dựng Đảng, góp sức cho phát triển đảng viên đồng bào dân tộc thiểu số.
Phó Bí thư Đảng ủy xã La Êê - Đặng Đình Xuân nói, Zơrâm Hụm như một thế hệ “chuyển giao” trong việc tham gia tổ bảo vệ biên giới. Ông Xuân là cán bộ biên phòng, được tăng cường về xã giúp địa phương trong công tác xây dựng Đảng. Thâm niên công tác hơn chục năm nên ông biết rất rõ những đóng góp của cộng đồng cho nhiệm vụ bảo vệ biên giới.
“Họ như những người gác đền. Hàng chục năm qua, luôn có mặt cùng bộ đội biên phòng tham gia công tác quản lý, tuần tra bảo vệ đường biên cột mốc an toàn, góp phần giữ gìn biên giới bình yên” - ông Xuân chia sẻ.
Vun đắp cho quê hương
Cuộc vui không hẹn mà gặp. Từ dưới chân núi, già Zơrâm Niêm tìm đến bàn một số công việc quan trọng. Có khách nên nhập cuộc, trên tay của già lúc này là một bọc cá suối vừa được bắt về. Tôi không xa lạ gì già Niêm.
Vài năm trước, khi ông còn đương chức Bí thư Chi bộ Đắc Ngol, đã từng có cuộc gặp, và mới sáng nay tôi còn ở nhà ông. Chuyện về già Niêm, về những đóng góp cho cộng đồng Tà Riềng dưới chân núi Grong Chăng Tâl này dài như mạch nguồn Trường Sơn.
Thời kỳ chống Pháp, già Niêm theo cha rời núi Đăk Crơ’na (Đắc Chưng) về Đắc Ngol định cư. Lớn lên đi dân công hỏa tuyến, rồi tham gia phong trào thanh niên tại địa phương.
Ông nói, hồi chiến tranh chống Mỹ, bao nhiêu sức trẻ đều đóng góp cho cách mạng, phục vụ kháng chiến. Hết giúp dân di tản, đến vượt rừng cõng lương thực, đạn dược… nên có câu chuyện “vào Đảng hụt” làm ông nhớ mãi đến bây giờ.
Đó là năm 1972, sau những nỗ lực cho cộng đồng, tổ chức đảng ở địa phương đồng ý kết nạp ông vào Đảng. Nhưng, khi lễ kết nạp chưa diễn ra thì địch mở cuộc càn quét, tấn công. Vậy là phải di tản vào rừng sâu. Chiến tranh loạn lạc, tất cả đều lo cho chiến sự. Những cán bộ thôn, xã có khi cả năm trời không gặp mặt nhau, nên chuyện kết nạp Đảng cũng dần trôi đi.
“Rồi đến khi nào ông mới được kết nạp trở lại?”. “Phải đến năm 1982, tức là đã qua 10 năm gián đoạn, già mới được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Cảm xúc thì vẫn vẹn nguyên như cũ, vì thời điểm đó, ở vùng cao này rất ít người vào Đảng nên rất vinh dự và tự hào” - già Niêm bộc bạch.
Như một động lực mới, sau này, ngôi nhà của già Niêm trở thành điểm dừng chân trên đường tuần tra biên giới của chiến sĩ biên phòng. Rồi chính ông cũng tình nguyện đăng ký vào tổ tuần tra, trở thành thành viên lớn tuổi nhất cùng chiến sĩ biên phòng tham gia bảo vệ đường biên giới Việt Nam - Lào.
Tôi nghe già Niêm kể, thời điểm bộ đội phục kích tiêu diệt tập đoàn phản động Hoàng Cơ Minh từ Lào về Việt Nam vào những năm 1986, vì am hiểu địa hình nên ông được giao nhiệm vụ dẫn đường.
Sau khi toán quân của Hoàng Cơ Minh bị chặn đánh, già Niêm được tỉnh tặng bằng khen. Nhưng đó không là cá biệt. Từ trong tủ, cả xấp huân chương, huy chương, bằng khen các loại được lấy ra, gần như nguyên vẹn.
Sau này, khi đội cắm mốc biên giới chính thức làm nhiệm vụ, già Niêm cũng là thành viên tích cực vừa tham gia cõng gùi vật liệu, vừa vận động thanh niên địa phương hỗ trợ chiến sĩ phát dọn đường biên để triển khai hoạt động cắm mốc chủ quyền. Nhiều chuyến đi xuyên núi gian khổ, bởi mưa lạnh và đường sá hiểm trở, nhưng gần như lần đi nào ông cũng góp mặt, làm gương cho cộng đồng.
Phó Bí thư Đảng ủy xã - Đặng Đình Xuân cho hay, năm 2018, khi địa phương triển khai dự án làm đường dân sinh từ trung tâm xã về Đắc Ngol, già Niêm vừa hiến đất, vừa vận động người dân hỗ trợ chính quyền. Nhiều năm trước, già cũng góp đất cho các hộ dân làm tái định cư, khi thôn Cha Đứa với Đắc Ngol sáp nhập.
Năm 2020, ông hiến hơn 1.500m2 đất vườn giúp triển khai công trình chốt bảo vệ biên giới, cùng gần 3ha đất xây dựng mô hình chốt đơn vị dân quân thường trực biên giới đất liền… “Con cháu già Niêm nhiều người là đảng viên, cán bộ nhà nước nên ra sức ủng hộ” - ông Xuân nói.
Lắng nghe đủ đầy câu chuyện, già Niêm ngồi bên, nói vọng qua: “Nhờ có Đảng, có cách mạng và nhân dân đấu tranh giành độc lập, nên người Tà Riềng mới có đất như ngày hôm nay. Vì thế, già không tiếc mà còn cảm thấy rất tự hào khi hiến đất cho Nhà nước triển khai các dự án dân sinh ý nghĩa. Đó là trách nhiệm của người đảng viên với cộng đồng”.
-----------------------
Bài 2: Sáng niềm tin với Đảng