Một bữa ghé nhà bà Alăng Thị Joi ở thôn A Ró (xã Lăng, Tây Giang) thấy một tấm chiếu lạ, bèn hỏi, thì bà bảo rằng đó là chiếu dứa.
Lạ, thiệt lạ. “Ừ, lạ, vì đây là chiếu truyền thống người Cơ Tu, mấy chục năm qua mất dần, giờ mấy ai làm đâu” - bà A Lăng Thị Joi nói. Chạm vào chiếu, nghe mịn mát len vào kẽ tay. Thiết diện sợi dứa to hơn lát, cói, màu hơi ngà. Trên đó, những tấm tút, dồ, áo quần trai gái Cơ Tu với những hoa văn quen thuộc như in hình. “Dứa rừng” - chồng bà A Lăng Thị Joi nói - “ngày trước dễ tìm, nhưng bây giờ khó lắm vì rẫy còn ít, phải đi vào rừng xa”. “Sao lâu nay không thấy bà con dệt?”. “Dệt làm chi, chiếu nhựa, chiếu lát bán đầy ra đó, cái ni là do mấy người ở Hà Nội vào nghiên cứu, tìm hiểu nghề truyền thống, mình kể cho họ, thế là họ nói mình dệt một chiếc, xem xong họ mang về, vừa rồi họ vào nói thích quá, đặt luôn 10 chiếc”.
Bà Alăng Thị Joi nói, chẻ lá dứa cực lắm. Tìm về, phơi khô, lấy sợi dây cước nhỏ quấn vào hai đầu ngón tay làm thành lưỡi cưa, đưa lá vào đó tước, đường đi sẽ sắc và đều hơn dùng hai tay xé. Không phải cắm đầu dệt cho xong, mà phải sắp xếp hoa văn, bố trí màu sắc. Màu đỏ thì lấy từ cây a păng, màu đen thì dễ hơn, nhưng tất cả cũng từ cây rừng, không có hóa chất, đập ra, cho nước vào hòa màu rồi nhuộm. Chiều ngang mét hai, còn chiều dài là mét tám. “Không có khung dệt à?”. Bà Joi cười xòa: “Dệt tay thôi”. “Mấy ngày mới xong?”. “7 ngày”. “Bao nhiêu một chiếc?”. “Thì ngày công là 200 ngàn đó”. “Bền không anh?”. “Mấy chục năm chưa hư, nó lại có tác dụng chữa đau lưng”. Được lời như cởi tấm lòng, ông chồng mang ra cái gối cũng bằng dứa. “Họ đặt làm gối luôn, hai ngày là xong một cái”. Nhấc lên thử, nhẹ tênh nhưng đàn hồi như cao su. “Bên trong là chi?”. “Lá chuối khô, nó rút mồ hôi và không bay mùi”. Quá lạ!
Tôi ngồi thừ ra nhìn vợ chồng ông lúc hấp háy lúc rạng rỡ cười nhìn theo bàn tay trải rồi gấp chiếu lại. “Bao năm rồi chị không dệt?”. “Ôi không nhớ được, lâu lắm rồi”. “Ở đây nhiều người biết dệt không?”. “Không, dệt chiếu dứa ở Lăng chừ còn chưa tới 10 người biết…”. “Không giả được hè…”. Ông chồng cười: “Đồ này không biết làm là chịu thôi, giả chi được”. Bà Joi đã gần chạm tuổi 70 rồi. Có tiếng thở dài trong tôi. Rồi sẽ mất đi những sắc màu chỉ có trong cổ tích của một thời mà mọi thứ, từ cái ăn đến giấc ngủ đều chân thật, thô mộc như nguyên ủy của rừng. Bản thể lúc khởi thủy là chính thế, ca điệu rừng như tiếng trả lời sắc ngọt rìu chém vào cây, mỗi câu chỉ một từ vốn dĩ được dễ dàng định danh rằng họ là người miền núi. Nhưng bây giờ, nhiều tộc người đã “tự diễn biến” bản sắc của mình, hoặc cơn xâm lấn của văn minh chà qua xát lại không chút đắn đo, thương xót.
“Có cán bộ nào nói sẽ làm nhiều hơn để giới thiệu, học tập, phát triển nghề truyền thống không?”. Ông chồng nhìn tôi như người trên trời rớt xuống: “Không, ai hỏi làm chi, mà họ cần chi”.
Những im lặng như thể chờ chực sẵn.