Huy là mẫu người năng động. Gia đình không mấy khá giả, nhưng vì đam mê, từ năm lớp 9, Huy xin cha mẹ cho theo học nhạc viện (hệ 7 năm) và sống một mình tại TP.Hồ Chí Minh.
Sau khi ra trường, Huy cố bám trụ tại thành phố này và kiếm sống bằng nghề dạy nhạc ở một trung tâm văn hóa.
Lúc dịch Covid-19 cao điểm tại TP.Hồ Chí Minh, Huy đăng ký được một suất về quê với chi phí tự chi trả, sau thời gian cách ly, hơn hai tháng nay, Huy đang “mắc kẹt” tại Quảng Nam, tiêm vắc xin mũi 1 cách đây đã 3 tháng, vẫn chưa được gọi tiêm mũi 2. Huy nói, bây giờ em muốn vô lại lắm rồi, ở đây ăn không ngồi rồi chán quá!
Nhu cầu vào lại phía Nam để làm việc, sinh sống đang tăng trở lại. Mỗi ngày đang có hàng nghìn người quay lại các tỉnh thành phía Nam, vẫn là những đợt di cư bằng xe máy. Huy cũng rậm rực vào lại, nhưng điều kiện hiện tại chưa thể.
Em nói, mình sống được ở TP.Hồ Chí Minh, chứ không phải tồn tại. Sống được ở một thành phố lớn là ước mơ của em, dù thu nhập vừa phải, ở nhà trọ..., nhưng em đã tìm thấy niềm vui ở đây.
Ly hương như Huy thật không mấy xót xa. Nhưng không phải ai cũng vậy. Khi dịch Covid-19 càn quét ở TP.Hồ Chí Minh, đã lộ ra diện mạo bi đát của nhiều người đang “tồn tại”. Nhưng sau hành trình thiên lý về quê, cũng giống như Huy, họ đang có nhu cầu trở lại các thành phố lớn.
Đến thành phố lớn để tìm kế sinh nhai là nhu cầu chính đáng của người dân lâu nay. Nhưng không ít người lại có nhu cầu khác, là đi để cho biết, đi để tìm một cơ hội đổi đời, đi để trốn chạy cuộc sống hiện tại... , nhất là thanh niên.
Áp lực trang trải cuộc sống ở các làng quê đè nặng, công việc thiếu ổn định, thu nhập thấp..., nhiều người đã nghĩ đến một nơi có thể thay đổi cuộc sống, và họ thường chọn các thành phố lớn, nơi đó sẽ dễ kiếm việc làm.
Đi vài năm, nếu không trụ nổi thì về quê, không mất gì nhiều, thậm chí có thể được thêm bài học đường xa. Còn nếu may mắn, sẽ có một công việc thu nhập khá, có thể được một cơ hội “lột xác”, bao người đã từng như thế.
Quảng Nam là một trong số ít tỉnh thành khảo sát nhu cầu của những người trở về quê và xây dựng chính sách hỗ trợ họ.
Theo tổng hợp của Sở LĐ-TB&XH, đến ngày 15.10, toàn tỉnh có hơn 10 nghìn người trở về từ các tỉnh, thành phố có dịch bệnh. Có 17/18 địa phương báo cáo về Sở LĐTB&XH nhu cầu của người lao động.
Theo đó, nhu cầu có việc làm so với nhu cầu tuyển dụng quá thấp. Cụ thể, nhu cầu việc làm chỉ có 775 người, học nghề chỉ có 300 người, vay vốn là 245 người.
Trong khi đó, 100 doanh nghiệp đã được Sở LĐ-TB&XH khảo sát, đang cần 16.828 vị trí việc làm. Nhu cầu có việc làm tại địa phương quá ít cũng có thể xem là ảnh chiếu ngược về nhu cầu ly hương của những người trở về.
Xây dựng chính sách hỗ trợ người lao động, nhất thiết phải khảo sát nhu cầu. Đối tượng thụ hưởng chính sách lần này cụ thể hơn, có thể xem là một “phân khúc” trong bài toán an sinh xã hội nên kỳ vọng sẽ đạt hiệu quả rõ rệt.
Tuy nhiên, các địa phương thực hiện khảo sát quá chậm, không đầy đủ, trong khi nhu cầu đời sống lại bức thiết. Nhiều người đang trở lại các thành phố lớn để tìm việc, nên công tác khảo sát càng thêm khó khăn...
Để hỗ trợ người lao động trên địa bàn tỉnh, lâu nay không ít chính sách về đào tạo, vay vốn, tạo việc làm... đã được triển khai, theo báo cáo đã đạt được kết quả đáng kể. Nhưng có thể rất cần một cách nhìn mới - từ “sự kiện Covid” - để xây dựng một chính sách hiệu quả. Trước hết, cần trả lời câu hỏi, vì sao có nhiều việc làm như vậy mà nhiều người vẫn muốn ly hương, nhất là những người đang muốn “tồn tại” ở các thành phố lớn?