“Tối nay, nhà ông Ating H. ở thôn Pho sẽ đón khách đến hỏi cưới. Con bé đang tuổi ăn tuổi học, cán bộ thôn đã vận động nhiều lần nhưng không thành. Chị đến ngay nhé!”. Nhận tin trong ngày nghỉ cuối tuần, bà Đinh Thị Ngơi - Chủ tịch UBND xã Sông Kôn (Đông Giang) đành bỏ dở công việc gia đình để đi ngăn một cuộc tảo hôn…
Chuyện đã qua nhiều năm, và cũng không cá biệt nhưng bà Đinh Thị Ngơi (SN1982) nói, đợt “đấu tranh” này giúp bà cùng nhiều cán bộ địa phương có thêm cơ sở đẩy lùi dần hủ tục; khuyến khích đồng bào Cơ Tu quyết tâm thoát đói nghèo, vươn lên trong cuộc sống.
“Việc gì có ích, thì làm”
Như đã hẹn, tối hôm đó, gia đình nhà trai từ xã A Ting dẫn theo vài người đến nhà của Ating H. Nhưng, điều họ không ngờ, là nữ Chủ tịch UBND xã đã có mặt từ rất sớm để khuyên ngăn. Đồng thời điện báo cho chính quyền địa phương nơi nhà trai cư trú đề nghị phối hợp can thiệp.
Lúc đầu, hai bên gia đình phản ứng dữ dội, vì cho rằng hôn sự là việc riêng của họ. Nhưng sau một hồi được cán bộ thuyết phục, giải thích cặn kẽ, các gia đình đã đồng ý ký cam kết không tái phạm. "Nếu mình du di, thiếu quyết liệt thì không thể xử lý triệt để những việc tương tự sau này” - bà Ngơi chia sẻ.
Khi bóng tối về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống dần được đẩy lùi, ở vùng cao dấy lên một lo ngại khác, không kém phức tạp. Đó là những cuộc tranh chấp đất đai để canh tác, phát triển sản xuất trong cộng đồng kéo dài âm ỉ. Vậy là phải xử lý.
Năm ngoái, sau gần 2 năm miệt mài tuyên truyền, rồi vận động, cuối cùng các nhóm hộ Cơ Tu ở tổ Bút Tưa (thôn Bhlô Bền) và Bút Nhót (thôn Pho) đã thống nhất phân chia ranh giới đất canh tác theo gợi ý của nữ Chủ tịch xã Đinh Thị Ngơi. Với sự tham gia của các già làng, người uy tín, một lễ tục truyền thống được tổ chức nhằm tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn trong cộng đồng Cơ Tu.
“Tôi cũng là người Cơ Tu nên hiểu tâm lý của bà con. Tôi quan niệm, việc gì tốt, có lợi có ích cho dân thì nỗ lực làm và làm cho bằng được!” - bà Ngơi tâm sự.
Phục hồi nghề dệt truyền thống Cơ Tu
Vài tháng trước, sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, Chủ tịch UBND xã Sông Kôn - Đinh Thị Ngơi cho ra mắt Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm Cơ Tu tại thôn Bhờ Hôồng.
Sự kiện này thu hút sự quan tâm của các nghệ nhân Cơ Tu, khuyến khích họ cùng góp sức bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống. Sau lần ra mắt này, hàng trăm bộ thổ cẩm Cơ Tu được trình làng từ nghệ thuật dệt thủ công, mở hướng giúp địa phương phát triển thành sản phẩm du lịch trong thời gian đến.
Nêu gương trước dân
Ở núi, hầu như không có khoảng cách giữa cán bộ xã với người dân. Ngoài giờ làm ở cơ quan, các “công bộc” thường đến tận điểm thôn để xử lý công việc.
Thậm chí, nhiều người dân còn tìm đến nhà, đến zơng (chòi rẫy) của lãnh đạo xã để trao đổi, phản ánh tâm tư, nguyện vọng. Từ những cuộc vận động người dân di dời nhà cửa ra khỏi khu vực nguy hiểm, giải quyết các mâu thuẫn tranh chấp đất đai, cho đến ngăn chặn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống,… bà Ngơi hiểu được lòng dân nên sẵn sàng tìm đến tận nơi, cả trong ngày nghỉ cuối tuần.
Bà Ngơi kể, nhiều năm trước, sau cuộc tìm chọn vị trí tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ của xã bất thành, bà về hội ý với chồng, tình nguyện giao mảnh vườn rộng hơn 2ha của gia đình để làm nơi diễn tập.
Thời điểm đó, khu vườn được trồng cây keo, cùng một số loại cây ăn quả khác. Sau lần diễn tập đó, đến nay, đã 3 năm liên tiếp bà Ngơi giao đất, tạo điều kiện để tổ chức thành công hoạt động quân sự đặc biệt quan trọng này.
Mới đây, cuộc diễn tập chiến đấu trong khu vực phòng thủ cấp xã cũng diễn ra tại khu vườn của gia đình. Lúc đầu, chồng bà có chút nghi ngại vì khu vườn đang trồng chuối với quy mô lớn. Nhưng bà Ngơi đã động viên, thuyết phục chồng gật đầu để địa phương tổ chức diễn tập, bởi “không còn vị trí nào phù hợp hơn; trách nhiệm người đứng đầu, mình phải nêu gương trước dân”.
“Ở miền núi, đừng phân biệt lãnh đạo xã hay người dân, hễ chính quyền địa phương cần, trong khả năng cho phép, mình phải hiến góp để làm gương. Có thế, người dân mới tin, mình nói người dân mới nghe theo” - bà Ngơi bộc bạch.