Bước chân lên ngõ với những bậc cấp được lát bằng đá núi, ta bắt gặp ngôi nhà nhỏ ba gian nằm ở lưng chừng đồi. Quanh mảnh sân gạch hình chữ nhật là hàng chè tàu với những sợi tơ hồng. Góc sân có một cây sứ sum sê nằm kề bên giếng nước có giàn mướp đang trổ hoa. Con chó vàng nằm lim dim trên thềm. Chủ nhân ngôi nhà nhỏ xinh này là đôi vợ chồng trẻ. Thảo là bộ đội xuất ngũ sau chiến tranh. Còn Ly là cô giáo dạy ở trường làng.
Mỗi khi cuốc đất hay chặt tỉa cành đồi keo sau nhà, mồ hôi ướt áo, ngồi tựa gốc cây nghe tiếng Ly giảng bài, tiếng bọn trẻ ê a vọng trong gió chiều, Thảo như vơi đi những nhọc nhằn. Nhìn những hàng cây lao xao trong gió, anh tin vào một kết quả đẹp của những tháng ngày đẫm mồ hôi khai phá đồi hoang này. Đêm ngồi soạn bài, nghe tiếng sáo vi vu từ suối Son vọng về, Ly cảm nhận những âm thanh đằm thắm kia như của Thảo dành riêng cho mình. Hai đứa trẻ nhờ đi hái rau dưới bờ suối mà sống sót bởi hai gia đình chín người đã bị vùi nát cùng trong một căn hầm vì một quả bom. Hai đứa trẻ bơ vơ giữa đồi hoang bời bời lửa đạn. Cả hai lớn lên nhờ rau bên bờ và ốc dưới suối Son. Ông trời thương nên gắn kết hai trái tim mồ côi, hai mảnh đời sớm chịu những đau thương thành đôi vợ chồng. Hạnh phúc đơn sơ và bình dị đang hiện hữu rất thật ở ngôi nhà này như dàn mướp đang hoa, như đồi cây đang xanh tốt.
Nhưng rồi... Một buổi chiều như mọi khi đi dạy về, Ly cặm cụi nấu ăn, dọn mâm cơm lên chiếc bàn tre dưới gốc cây sứ, ngồi chờ. Vào giờ này, thường là Thảo tắm xong ở suối Son hoặc ở giếng, vừa đi về nhà vừa huýt gió... Cô ngồi đợi, đợi cho đến khi mọi nhà đã lên đèn, nhưng Thảo chẳng thấy về. Chạy qua những nhà hàng xóm cũng không có Thảo. Ly trở về nhà thắp đèn và phát hiện dưới chân đèn là một tờ giấy trắng với những dòng chữ ngoằn ngoèo: “Anh không thể đem lại hạnh phúc cho em. Anh phải đi. Hãy cố quên anh và can đảm lên để xây dựng cuộc sống của mình. Đừng tìm anh!”. Ly chẳng hiểu điều gì đang xảy ra. Cô đến từng nhà trong xóm tìm gặp từng người bạn của Thảo, ai cũng sững sờ ngơ ngác. Ngay cả Quang, người đồng đội thân nhất của anh, cũng chẳng thể nào tin đó là sự thật. Ngày lại ngày, Ly cố đi tìm nhưng vô vọng. Chiều lại chiều, cô ngồi rũ rượi trước thềm nhà, ánh mắt đăm đăm, chờ đợi. Rồi cô khóc. Khóc đến không còn nước mắt.
Từng đêm, Ly cứ tìm trong ký ức một lý do dù nhỏ nhất, rằng mình đã làm phật lòng để Thảo giận, nhưng chẳng có. Mơ hồ Ly nhớ lại gần đây, sau khi Ly sẩy thai, tiếng sáo đêm đêm của Thảo không đằm thắm, ấm áp mà đượm một nỗi buồn u uẩn. Hay là tại mình không giữ được giọt máu của Thảo?
Nhưng Thảo từng an ủi Ly: “Đừng buồn, chúng mình còn trẻ. Rồi chúng ta sẽ có một đàn con thật dễ thương”. Nhiều đêm, Ly cùng con vàng ra ngồi bên bờ suối đến khi sương ướt đẫm mái tóc mới thẫn thờ về nhà. Một đêm trăng, Ly như người mộng du, vừa đi vừa lẩm bẩm: “Thảo ơi, hãy cho em biết anh đang ở đâu? Vì sao anh lại bỏ em một mình? Hãy nói với em dù chỉ một lời thôi. Vì sao, vì sao hả anh?”. Đi lên, đi xuống dọc đường làng rồi Ly ra bờ suối, ngồi trên tảng đá Thảo hay ngồi thổi sáo. Cô nghe như có tiếng sáo của Thảo vọng về. Nhìn vầng trăng giữa trời, rồi nhìn vầng trăng dưới nước. Vầng trăng tựa gương mặt Thảo đang cười. Ngỡ Thảo đang tắm giữa dòng suối Son, ngỡ Thảo đang bơi giữa dòng suối trăng loang loáng, Ly lội xuống bờ suối, bụm đôi bàn tay vớt lên những ngụm nước vàng. Cô lội dần ra xa bờ, cho đến khi mái tóc nổi lềnh bềnh trên mặt nước.
Đúng lúc đó, Quang và những người hàng xóm vừa đi họp bàn chuyện xây trường mẫu giáo ở nhà văn hóa thôn về. Con vàng ướt đẫm vừa kêu inh ẳng, vừa nhảy lên người anh cào cấu. Linh cảm có điều chẳng lành, Quang chạy theo, rồi bơi theo con vàng ra giữa dòng suối. Anh bế Ly lên bờ, người cô lạnh ngắt. Anh xốc nước, bà con đốt rơm sưởi ấm cho Ly. Mọi người ngồi quanh thinh lặng chờ. Bỗng Ly cựa quậy và yếu ớt gọi: “Thảo ơi!”.
Thời gian là liều thuốc nhiệm màu giúp Ly dần vơi đi nỗi đau. Được sự chăm sóc của Quang và bà con hàng xóm, Ly lại đến trường với lũ trẻ. Những đêm trăng, cô vẫn hay ra ngồi bên tảng đá ở bờ suối, cạnh cô là con vàng và xa hơn trên bờ là Quang ngồi đốt thuốc. Năm tháng trôi qua, được bà con và bạn bè vun đắp, Ly và Quang cưới nhau. Họ sinh được một thằng cu bụ bẫm. Tiếng trẻ con bi bô làm ấm cả căn nhà. Hàng ngày, Ly đi dạy, Quang chăm sóc rừng cây. Qua bao khổ đau, Ly lại tìm thấy tương lai đời mình qua những bước đi chập chững của con.
Thấm thoắt, đã đến ngày đưa con đến trường. Nắm lấy tay con đi trên đường làng, Ly thấy lòng nao nao như buổi học đầu tiên của mình ngày xưa. Bỗng Quang từ xa hớt hải chạy đến gọi Ly về. Chẳng nói chẳng rằng, Quang chở Ly phóng xe ra thị trấn, ở đó có rất nhiều bạn bè của Quang. Đoàn người lên xe ra Huế, tới bệnh viện, Ly bàng hoàng nhận ra Thảo đang hấp hối. Không nói được, đôi mắt Thảo nhìn mọi người, rồi nhìn Ly và Quang với ánh nhìn trìu mến và từ từ khép lại. Gương mặt Thảo tràn đầy mãn nguyện.
Đưa Thảo về làng có rất nhiều đồng đội cũ và bà con người Ca Dong ở Nam Trà My - vùng rừng núi mà Thảo từng gắn bó trong những năm chiến tranh. Và đó cũng là nơi Thảo sống gần mười năm qua. Con vàng nằm ủ rủ dưới quan tài, mắt ngân ngấn nước. Tại lễ truy điệu, trước khi đọc điếu văn đồng đội đọc lá thư anh để lại có đoạn: “… Ly và bà con, bạn bè hãy tha thứ cho tôi. Sau khi Ly sẩy thai, tôi đi khám và biết mình bị nhiễm chất độc đioxin. Đó là lý do đứa con đã chết khi chưa ra đời, mà nếu có ra đời cũng không nguyên vẹn hình hài. Bác sĩ khuyên tôi đừng nghĩ đến chuyện sinh con. Trời ơi! Cả hai gia đình chín người chỉ còn lại có tôi và Ly. Lẽ nào vì tôi mà Ly không thể có được những đứa con? Bởi vậy, sau nhiều ngày đêm suy nghĩ, tôi quyết định lặng lẽ ra đi… Bao năm qua tôi sống dựa vào bà con và núi rừng Nam Trà My. Ba héc ta keo và một ngàn cây dó bầu đã có trầm tôi trồng ở đó, một doanh nhân chịu mua với giá ba tỷ đồng. Xin mọi người hãy bán đi. Một nửa dành cho bà con Ca Dong làm con đường bê tông vào làng, một nửa góp vào xây cho trẻ con làng mình một ngôi trường mẫu giáo…”.
Già làng Hồ Văn Công cùng bà con Ca Dong đưa tiễn Thảo về quê làm thủ tục cuối cùng. Bằng cái giọng khàn đục, thâm u của núi rừng, già làng Hồ Văn Công nói: “Thằng Thảo là con của làng mình, là con của mình. Hồi đánh thằng Mỹ, nó cùng bộ đội ở làng mình, hòa bình, bộ đội về hết chỉ có nó trở lại. Nó ở nhà mình, nhiều khi nó không ngủ ngồi thổi sáo suốt đêm, tiếng sáo nó buồn lắm. Nhiều đêm nằm bên cạnh, mình nghe nó khóc. Nó kể hết chuyện cha mẹ, vợ con cho mình nghe và chỉ một mình mình biết. Thương lắm. Nó chỉ cho bà con mình làm lúa nước, nó chỉ cho làng mình ngăn con suối để làm cái điện. Làng mình quý nó lắm. Nó đau ít thì mình hái lá thuốc cho nó uống, đến khi đau nhiều lá mình hái không chữa được. Mình cũng đã dán cái lá đa lên tóc nhưng nó cũng không hết bệnh, phải báo với xã đem nó đi bệnh viện thôi. Chừ nó chết, mình muốn đem nó về với dân làng chứ ở dưới Kinh xa quá, người Ca Dong không muốn. Nhưng cái bụng nó muốn nằm gần mẹ, gần cha, mình phải chịu thôi! Rồi già làng nói một tràng tiếng Ca Dong và cùng ba mươi người của làng đi vòng quanh rải đầy hoa sứ lên quan tài.
Dòng người tiễn Thảo dài như con đường làng. Dẫu trong lòng mỗi người đều trĩu nặng nỗi buồn đau thương tiếc nhưng không hề có tiếng khóc than ai oán. Bởi như lời Thảo đã viết trong lá thư gửi lại, niềm tin yêu vào con người, vào cuộc sống quanh ta để soi rọi lại mình và sống tốt hơn, thánh thiện hơn, mới là điều thiết thực. Mộ anh ở giữa rừng cây nhìn ra dòng suối Son quanh năm nở đầy bông súng tím. Con vàng cứ nằm bên mộ anh và chết tại đó. Vợ chồng Ly đắp cho nó một nấm mộ để nó mãi bên anh sau gần mười năm mỏi mòn ngóng đợi.
DƯƠNG ĐỘNG VĂN HÀ