Truyện ngắn

Như mưa tháng Sáu

NGUYỄN THỊ NHƯ HIỀN 26/06/2024 17:00

(Đặc san 21/6) - Trời nắng lọt qua tán cây ken dày rồi thả những trưa hầm hập, chùm bóng nắng rớt xuống lề đường. Người đàn bà trung niên ngả lưng vào ghế bố, duỗi thẳng chân, tay cầm tờ báo thong thả đọc.

NHU MAU THANG 6 3 MAU UP
Minh họa: HIỂN TRÍ

Bà đọc say sưa đến nỗi Khang phải hỏi mấy lần bà mới bỏ tờ báo xuống, chỉnh lại cái kính trên mũi rồi nheo nheo mắt nhìn Khang. Khang đưa điện thoại chìa cho bà tấm hình bìa báo hỏi có tờ này không, Khang chạy qua mấy sạp báo rồi mà không tìm được.

Người đàn bà lật lật mấy chồng báo để trên cái sạp gỗ rồi đưa cho Khang hỏi có phải tờ này không? Khang cười tươi nhận lấy tờ báo, lật nhanh coi vài trang rồi móc tiền ra trả. Bà già dòm bộ mặt hớn hở của Khang nói chắc là Khang có bài đăng báo. Khang ngạc nhiên hỏi sao bà biết. Bà cười nói mình đã bán báo hơn chục năm trời, dòm điệu bộ Khang là bà biết liền.

Bà khoe với Khang hồi mười lăm tuổi mình cũng có bài đăng báo. Nắng chang chang ngoài trời mà dưới gốc xà cừ này mát rượi, đột nhiên Khang muốn ngồi với bà quá. Khang lật tờ báo nói với bà mười lăm tuổi mà đã có bài lên báo là “dữ dằn” lắm. Người đàn bà cất giọng buồn buồn cả cuộc đời có một lần đó thôi mà bà nhớ mãi.

Hồi nhỏ người ta gọi bà là bé Thắm. Chiều đó Thắm đang giữ bò thì chú Hai báo tin Thắm có bài đăng báo. Nghe tin, Thắm cột bò lại rồi co giò đạp xe hơn mười cây số ra thị trấn để mua báo. Thắm ôm tờ báo mới tinh vào lòng, đưa lên mũi hít hà mùi giấy mới. Thắm đạp xe về, một tay cầm lái, tay còn lại giữ chặt tờ báo vì sợ gió thổi bay mất. Về nhà chỉ mới kịp khoe “con có bài đăng báo” đã bị ba Thắm giật lấy, xé làm đôi.

Thắm chưa hết bàng hoàng, ba đã móc hột quẹt trong túi ra bật một cái. Lửa liếm nhanh vào tờ báo rồi bùng lên. Ba giận dữ nhìn gió cuốn tàn tro bay lên rồi quát vào mặt Thắm: “Hồi chiều vì tờ báo này mà mày cột bò để đói đó hả? Tao cấm mày từ nay không được viết lách vớ vẩn nữa nghe không”.

Lòng Thắm y chang mớ tàn tro còn sót lại của tờ báo. Thắm ngồi ngó ra chuồng bò mà nước mắt chảy ròng ròng. Năm ngoái ba đã bắt Thắm nghỉ học dù cho Thắm học rất giỏi, nhất là môn văn. Ba ngoắt cô ve chai vào sân, vừa để lên cân mớ sách vở của Thắm vừa nói: “Con gái học chi cho nhiều rồi cũng đi lấy chồng, hầu hạ cho người dưng”.

Rồi ba quay qua nói với cô mua ve chai rằng nhà còn ruộng, còn bò, còn gà còn vịt, phải để Thắm ở nhà phụ chứ đi học có ích gì. Cổ họng Thắm như có tảng đá đè lên nghẹt thở. Càng buồn hơn khi má nhìn ba rồi nói với Thắm: “Thôi ở nhà phụ má, học chừng đó cũng đủ rồi!”. Nhưng rồi Thắm hiểu ở nhà này không nghe lời ba là cơm bay bát vỡ. Ba không biết chữ, suốt ngày ngồi uống rượu khề khà.

Lòng ba ghim chặt cái định kiến con gái là con nhà người chẳng làm nên trò trống gì nên không muốn Thắm đi học, càng không muốn Thắm tốn thời gian vô bổ vào những chuyện như đọc sách, viết lách hão huyền. Ba nói thời gian ấy đi cắt cỏ cho bò còn có ích hơn.

Chiều hôm sau, chú Hai đạp xe đi ngang chỗ Thắm giữ bò rồi vòng lại khen bài Thắm viết hay quá. Thắm buồn thiu nói mình chưa kịp đọc thì ba đốt mất, ba còn cấm từ nay không được viết nữa. Chú Hai nhăn trán rồi lôi trong cái túi xách cũ một tờ báo giơ lên: “Hồi sáng chú mua thêm một tờ để con gái chú đọc nè. Con đọc đi, xíu chú quay lại lấy, con đừng đem về nhà kẻo ba thấy”.

Thắm ôm tờ báo vào lòng, nhìn theo bóng lưng chú Hai đang gồng mình đạp xe lên con dốc. Chú Hai là người giao thư kiêm việc giao báo trong xã. Mà hồi đó ở cái xứ của Thắm mấy người đọc báo. Chú nhận báo từ bưu điện đi giao cho mấy cơ quan trong xã.

Công chuyện chủ yếu của chú là giao những lá thư mà người gửi đề địa chỉ từ Sài Gòn, Sông Bé xa lắc. Họ rời quê đi làm ăn, thỉnh thoảng biên mấy chữ hỏi thăm sức khỏe hay gửi vài đồng về cho mấy đứa con ở nhà. Hồi đó đâu có di động để nhớ cái là gọi liền như bây chừ.

Chú Hai ở cùng xóm với Thắm. Mỗi bận giữ bò, Thắm hay thấy chú đạp xe lọc cọc giao thư giao báo trên đường làng. Thắm ngồi trên bờ ruộng tựa cằm lên gối nhìn theo chú buồn thiu. Một lần chú phanh kít xe lại hỏi Thắm: “Ngồi một mình buồn không, có đọc báo đọc sách chú cho mượn”. Vừa nói chú vừa lục giỏ lôi ra mấy tờ báo cũ.

Chú cười: “Báo giao người ta không đọc, giao tờ mới thấy báo vứt chỏng chơ chú xin về. Mấy tờ cuối tuần có trang văn nghệ hay lắm, con đọc đi”. Đưa báo cho Thắm xong chú lại phóng xe lọc cọc đạp đi. Đường quê quanh co, có chỗ dốc dựng đứng đầy đá chứ đâu được đổ bê tông như bây giờ nên lúc nào cũng thấy lưng chú đầm đìa mồ hôi.

Bữa đó Thắm mang báo về nhà, ba nhìn thấy suýt giật lấy xé vụn may mà Thắm kịp nói báo mượn của chú Hai. Ba bắt Thắm mang qua nhà chú trả. Thắm ôm tờ báo, tần ngần đứng trong sân gọi một hồi mới thấy chú Hai ra. Chú ngoắt Thắm vào nhà. Thắm ngẩn người khi nhìn thấy trong nhà chú có một cái kệ gỗ đầy sách, một cái kệ khác đầy báo và tạp chí.

Thắm nhặt một tờ lên xem, tờ báo ngả màu vàng chắc là đã cất từ lâu lắm. Chú Hai nhìn ánh mắt sáng rực của Thắm trước chồng sách báo rồi bảo Thắm thích đọc gì cứ mang về mà đọc. Thắm lắc đầu. Chú Hai biết ba cấm Thắm đọc vì cho rằng vô bổ, chú nói: “Nào đi ngang nhà chú thì xẹt vào lấy, giữ bò thì mang theo đọc”.

Những buổi chiều êm ru, khi mấy con bò thong thả gặm cỏ thì Thắm ngồi dưới bóng cây đọc say sưa hết tờ báo này đến tờ tạp chí khác. Mặc kệ ba cấm cản, Thắm hễ cứ thấy ba ngồi khề khà uống rượu lại lẻn qua nhà chú Hai kiếm báo mà đọc.

Rồi Thắm giấu tờ tạp chí trong chiếc áo khoác rộng thùng thình, lén lút đọc như người ta ăn trộm. Nghe tiếng ba lè nhè sau cuộc say sưa lại vội vã giấu đi.

Mùa hè Thắm ngồi trên những bờ ruộng nứt toác mà đọc. Mùa mưa, Thắm cuộn trong cái chái để rơm ngay trên chuồng bò, lật hết tờ này đến tờ khác. Những trang báo khiến Thắm cười, Thắm khóc, Thắm mơ mộng, Thắm nghĩ về những vùng đất thật xa nơi mình ở…

Chú Hai có nhiều bạn ở nơi này nơi kia, thỉnh thoảng họ gói ghém những tờ báo cũ gửi về quê cho chú. Mỗi lần nhận báo chú cười hớn hở. Chú nói quý lắm, kiến thức trong sách báo không bao giờ là cũ cả. Rồi nhà chú thêm một cái kệ gỗ to đùng nữa, những chồng sách báo cứ dày thêm.

Mấy đứa trong xóm hay ghé chú mượn sách báo đọc, rồi mấy người lớn cũng ghé qua tìm sách về trồng cây, nuôi cá. Cũng chính chú cho Thắm địa chỉ để thử viết bài gửi báo. Thắm lén lút viết trên giấy học trò khi ba không có nhà rồi đưa chú gửi bưu điện giùm. Rồi cái bài đầu tiên đăng báo đã bị ba đốt tơi bời như thế!

Chú Hai từng hỏi ước mơ của Thắm là gì? Thắm nhìn mấy bà cô đang tất bật cắm cúi bên thửa ruộng rồi suy nghĩ hồi lâu. Ba bắt Thắm nghỉ học, bảo phụ gia đình ít năm rồi đi lấy chồng.

Còn Thắm muốn cuộc đời mình phải khác đi chứ không phải như một vòng lặp bất tận của những người đàn bà xứ này: Lấy chồng, đẻ con, đẻ hết đứa này đến đứa khác rồi rộc người cắm cúi trên ruộng đồng mới có tiền nuôi mấy đứa con nheo nhóc… Thắm nói với chú Hai: “Con muốn mở một quầy báo để được đọc đã đời”.

Người đàn bà kể xong đưa mắt nhìn xa xăm nói chú Hai nay tóc đã bạc trắng cả rồi. Ngoảnh đi ngoảnh lại mọi thứ đổi dời duy chỉ có mấy cái kệ sách báo cũ nơi quê nghèo vẫn y nguyên như thế. Bé Thắm giờ đã ở tuổi trung niên và đã có một sạp báo cho riêng mình để được đọc đã đời.

Thỉnh thoảng gom được mớ sách hay và những tờ tạp chí cũ bà lại đóng thùng gửi xe đò về cho chú. Những lúc thong dong cầm tờ báo mới phát hành nóng hổi lên hít hà bà lại nghĩ về cái dáng đạp xe lọc cọc giao báo ngày xưa của chú Hai.

Những người làm nghề giao báo ở thành phố này cũng giống chú Hai quá chừng. Họ cẫn mẫn với nắng với mưa. Có người đàn ông giao báo đến sạp nói với bà chắc sau chuyến này nghỉ chứ cực mà không đủ sống. Vắng mấy hôm lại thấy ông quay lại giao, bà hỏi thì cười bảo nhớ mùi báo không bỏ được.

Khang nhìn cái sạp báo khiêm tốn của bà nép dưới tán cây. Nếu ai chạy xe vù qua chắc chẳng thấy. Khách ghé mua một tờ báo cũng toàn khách quen. Khang nhẩm đếm, thành phố này giờ chỉ còn sót lại vài ba sạp báo.

Sạp nào cũng nhỏ xíu, cũng mang một vẻ nhẫn nại với mưu sinh. Khang kể với bà mình là sinh viên trường báo chí, năm cuối, chuẩn bị đi thực tập rồi mai mốt ra làm báo. Bây giờ cũng có viết lách gửi nơi này nơi kia kiếm nhuận bút để trang trải học hành.

Bà Thắm cười tươi, nhìn chàng trai trước mặt khoe rằng mai mốt sẽ hăm hở đi khắp nơi để viết. Thuở xa xăm nào đó bà cũng từng có khao khát được trở thành một nhà báo nhưng tiếc là chưa học xong cấp hai đã nghỉ.

Khang im lặng một lát rồi kể có một giảng viên nói rằng mai mốt báo giấy sẽ biến mất, con người hiện đại sẽ chỉ thích lướt lướt, vuốt vuốt điện thoại để đọc, xu thế của thời đại không thể khác được. Nghe xong câu đó mấy đứa sinh viên khoa báo nhìn nhau ngơ ngác buồn.

Bà Thắm nghe xong nhìn từng chùm bóng nắng lao xao nói chừng nào còn những người giao báo như chú Hai, còn có người lái xe tìm khắp mấy ngả đường tìm một tờ báo như Khang thì chừng đó còn báo giấy!

Chắc chắn rằng ở những nơi xa xôi tận cùng đang có những người khao khát được cầm một tờ báo mà đọc giống y như bé Thắm ngày xưa ngồi bên chuồng bò mà đọc. Khang nghe rưng rưng, cầm tờ báo có bài mình vừa đăng lên mũi hít hà, lòng mát rượi như có cơn mưa tháng Sáu vừa ghé ngang nơi này…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Như mưa tháng Sáu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO