Dịch Covid-19 nhiều lần tràn nên khá mỏi với cái tâm lý qua đận này là thôi không còn nữa, nhất là với những lao động được chuyển dịch từ nghề nông sang thương mại dịch vụ. Ở xứ được mệnh danh là vùng dự án như các xã vùng đông Duy Xuyên, Thăng Bình, hàng nghìn lao động đã “thấm đòn” qua bao lần giãn cách, nhưng dù hoàn cảnh nào, cuộc mưu sinh cũng phải bắt đầu trở lại…
Cuộc mưu sinh lận đận
Chợ Nồi Rang (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) một chiều cuối tháng 4 âm lịch. Nếu là những năm trước, thời điểm này chợ nhộn nhịp bán mua vì sắp đến Tết Đoan ngọ, thì bây giờ hiu hắt. Thường thì đến với mỗi vùng đất, muốn nhìn dân chỗ ấy sinh sống ra sao, chỉ cần tới chợ.
Chợ là chốn trực quan nhất để biết khả năng kinh tế của người dân trong vùng. Biết bao điều phải nghĩ khi nhìn cảnh một buổi chợ quê đã từng bao thuở xôn xao, người ra người vào, hàng hóa ắp đầy, giờ chỉ vài ba sạp mở. Hai đợt dịch, rồi mấy lần giãn cách, nghe chừng đã cực lòng lắm rồi, lại thêm giá vùn vụt lên. Lẹ như trở bàn tay, món tiền hôm nay chỉ mua được nửa nắm rau hôm trước. Con cá trong giỏ cứ nhỏ dần đi...
Bà Đỗ Thị Thúy Cường (thôn Thuận An, xã Duy Nghĩa) - từng làm buồng phòng cho một khách sạn tại Hội An, nói từ năm ngoái đến chừ, cái cảm giác đi chợ mỗi buổi đầy bối rối và lo nghĩ. Vì đồng bạc bây giờ đã khác. Bà Cường không còn việc làm như trước. Cô con gái của bà đang ở cữ nhà mẹ, cũng là nhân viên spa tại một cơ sở ở Hội An.
Dịch giã, mẹ nghỉ việc trước, con nghỉ sau. Rồi đến con rể bà Cường, chung vốn mở một tiệm cà phê với bạn ở dọc biển, giờ để bảng sang quán, gần năm rồi chưa có ai gọi hỏi để san sẻ làm ăn, mà cái số điện thoại in trên tấm bảng cũng phai đi từng ngày…
“Thời thế này, chúng ta chợt nhận ra giấc mơ về sự an toàn tuyệt đối là… giả, đi tìm một sự chắc chắn là… không chắc chắn. Rốt cuộc, chỉ có sự không chắc chắn là… chắc chắn mà thôi” - lời tâm tình này cuối cùng rất giống với những cảnh huống chúng tôi gặp trong những lần tác nghiệp từ đầu năm 2020 cho đến bây giờ.
Vợ chồng Phú - Thảo (quê Duy Vinh, Duy Xuyên) từng là hướng dẫn viên “đắt sô” của các tour khách Hàn đến Hội An. Lock down lần 1, Phú vẫn gượng bằng cách trụ lại Hội An chạy tour khách nội địa. Lần 2, Hội An có ca nhiễm Covid, Phú nói mình buông tay. Giờ anh về chạy ship hàng cho vợ. Hai vợ chồng có một xe đẩy cà phê, vợ tranh thủ bán thêm đồ phụ kiện thời trang cho nữ. “Một ly cà phê bây giờ vẫn ship đó hỉ” - Phú nhoẻn cười. Có vẻ như, thích nghi là điều bắt buộc để con người vượt qua đận khốn khó.
Khu tái định cư thôn Hội Sơn (xã Duy Nghĩa) vẫn còn dang dở hạ tầng, những đụn cát xen vào các con đường trải cấp phối trong khu dân cư. Tại đây có hơn mươi nhà tái định cư, là dân ở các địa phương lân cận tụ về, do bị ảnh hưởng bởi các dự án ở vùng này. Ông Lê Hậu (một người dân tái định cư từ năm 2012) trước đây có nhà ở thôn Sơn Viên, xã Duy Nghĩa, bị giải tỏa từ dự án đường dẫn cầu Cửa Đại, với hơn 1ha đất sản xuất nông nghiệp cùng nhà cửa.
Ông nói, tiền bồi thường khoảng 1 tỷ đồng, dành xây dựng lại nhà cửa trong khu tái định cư, bỏ nghề nông chuyển qua làm thợ hồ. Đời sống ở khu tái định cư có vẻ thong thả hơn, nhưng áp lực trang trải chi phí hằng ngày cũng lớn dần, vẫn cố gắng đắp đổi.
“Nhưng qua mấy lần bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, đến nay thì bức xô, không chịu nổi. Cả tháng ni làm chưa được 10 ngày công, thu nhập chưa đến 3 triệu đồng, hỏi sao mà lo cho đủ. Tiền công mấy tháng trước làm cho các chủ thầu, họ cũng chưa trả, đòi miết không được!” - ông Hậu nói.
Vợ chồng ông Hậu quay lại với mảnh vườn cũ đã giải tỏa, làm một ít đậu mè trên thửa đất chưa san ủi, nhưng điều kiện sản xuất không thể thuận lợi như trước.
Đắp đổi sinh kế
Quay lại với nghề cũ, chủ yếu là nông nghiệp khi guồng lao động dịch vụ - thương mại đứt gãy vì dịch bệnh, là cách được nhiều người lựa chọn. Nhưng với hàng nghìn hộ ở các địa phương phía nam Hội An như Duy Hải, Duy Nghĩa (Duy Xuyên), Bình Dương, Bình Minh (Thăng Bình)... là không dễ, bởi đất đai đã bị giải tỏa, sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là rau củ làm ra cũng không dễ tiêu thụ. Nghề biển với dân chuyên làm dịch vụ, thì như con sóng đã xa bờ, chông chênh, bất định.
Chúng tôi đứng ở cửa sông Thu Bồn đoạn giáp ranh biển Cửa Đại (cảng cá An Lương, Duy Hải). Tiếng nổ phành phạch của động cơ ghe thuyền ra vào cửa sông, tiếng ngư dân gọi vọng từ tàu cá lên bờ để chuẩn bị cho chuyến ra khơi..., nhưng không cảm nhận được không khí nhộn nhịp.
Một người dân buôn bán ở đây cho biết, chỗ này bây giờ trở thành nơi sầm uất, bởi có thêm những người dân phố Hội. Vì từ Hội An sang đây, mất khoảng 5 phút qua cầu Cửa Đại. Chẳng giống với những chuyến biển bình thường, bởi ra khơi với nhiều bạn biển không phải là dân sóng nước chuyên nghiệp, họ chỉ mới nhận việc trở lại cách đây vài tháng, hoặc là “lính mới” của cuộc mưu sinh trên sóng!
Ông Nguyễn Trường Năm - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa nói, chưa thể thống kê số lao động phi nông nghiệp ở địa phương quay trở lại nghề nông khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Nhưng số lao động thất nghiệp thì ước tính được, năm 2020, Duy Nghĩa có 885 lao động được nhận hỗ trợ thất nghiệp do Covid-19 với số tiền hơn 3 tỷ đồng. Họ là những người bán vé số, làm dịch vụ tại nhà hàng khách sạn ở Hội An. Ông Năm nhận định, từng đó vẫn chưa phải là con số người thất nghiệp hiện nay ở Duy Nghĩa.
Năm 2015, khi cầu Cửa Đại khánh thành, người dân Duy Nghĩa từ nông dân, chuyển đổi thành lao động làm du lịch, dịch vụ. “Cơ cấu lao động khi ấy là 70% nông nghiệp, 30% làm thương mại dịch vụ. Cầu Cửa Đại là mắt xích để gỡ bao nhiêu nút thắt về sinh kế, đời sống cho dân vùng mình. Rồi thêm mấy đợt bồi thường, sốt đất. Chưa kể mấy dự án resort khởi động vùng này.
Năm 2016, chúng tôi chính thức có thống kê về cơ cấu lao động, lúc này là sự chuyển dịch ngược lại, chiếm đến 70% lao động phi nông nghiệp. Hầu như nhà nào cũng có người qua Hội An làm dịch vụ, số còn lại già cả hết tuổi mới ở nhà làm nông” - ông Năm nói.
Trong cơn hồi tưởng này, ông Năm nói, khi ấy đàn bà đàn ông từ tầm 45 tuổi đổ lại, ùn ùn qua phố làm ăn… Ở Hội An, thống kê từ Phòng LĐ-TB&XH cho biết, từ giữa tháng 2.2020 đến nay đã có hơn 14 nghìn lao động trên địa bàn thành phố bị mất việc làm. Hội An ở trong tâm chấn của những tác động từ dịch bệnh Covid-19, thì cũng đồng thời, những khu vực ngoại vi cũng “thấm đòn”. Bây giờ là lúc để tính đến sinh kế trước mắt, trên những thửa đất vẫn còn để trống do chủ đầu tư chưa thi công dự án, người dân Duy Nghĩa quay về trồng trọt. Đám khoai lang, đậu mè đang tốt dần lên. Đám đậu phụng đã đến ngày thu hoạch.
Ông Năm nói thêm: “Chúng tôi hướng người dân quay về lại sản xuất nông nghiệp để kiếm cái ăn đã, rồi tính gì tính. Địa phương từng bước củng cố hệ thống thủy lợi hóa đất màu để hỗ trợ người dân. Hơn 10km đường dây điện phục vụ thủy lợi hóa được địa phương đầu tư và vận động kinh phí xây dựng. Chúng tôi có xin ý kiến của nhà đầu tư chưa sử dụng đất thương thảo cho dân chúng tôi sản xuất, trồng trọt”.
Bây giờ, như những thân xương rồng trên nổng cát nắng rát, người dân “xứ dự án” buộc phải tồn tại trong cảnh huống đầy khó khăn. Nhưng vẫn luôn có cách để sống, chỉ cần có... đất, như xương rồng trên cát!