Trước Cách mạng Tháng 8.1945, nhà thơ Tố Hữu đã vượt ngục Đắk Glei về ẩn náu ở Đại Lộc để sau đó móc nối với cơ sở tiếp tục hoạt động cách mạng, góp phần làm nên mùa thu lịch sử 1945. Nhân 70 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2.9, lại gợi nhắc câu chuyện về nơi đã nuôi giấu nhà thơ Tố Hữu trong “bước đường gian nguy”…
Về thăm ngôi làng Thừa Bình và Hòa Tây - nơi nhà thơ Tố Hữu từng sống trong những ngày vượt khỏi ngục Đắk Glei, tôi được bà con nơi đây kể cho nghe bao chuyện về những năm tháng ấy. Đấy là những năm đầu thập kỷ 40 của thế kỷ XX. Lúc bấy giờ, thực dân Pháp và chính quyền tay sai ráo riết, lùng sục truy tìm “hội kín” và những người cộng sản vượt ngục về ẩn náu, nhưng người dân ở hai làng Thừa Bình và Hòa Tây vẫn không sợ “gươm kề cổ, súng kề tai”, chở che nuôi giấu cán bộ cách mạng. Những đau thương, mất mát của ngày hôm qua lùi xa và thay vào đó là cảnh xóm làng, đường làng được bê tông thẳng tắp, nhà cửa mọc lên khang trang. Tâm tưởng tôi vang vọng câu hỏi đâu miếu Thừa Bình, Cổ Noa, nơi nương náu của nhà thơ Tố Hữu trong chuyến vượt ngục Đắk Glei (Kon Tum) về tới Đại Lộc; đâu những gia đình, người con yêu nước đã không quản nguy nan che chở cho ông? Người xưa đã khuất bóng, nhưng người còn sống hôm nay, dẫu tuổi tác đã cao, vẫn nhớ như in những câu chuyện về “đêm trường nô lệ”, về quãng thời gian nhà thơ Tố Hữu đã từng được dân làng nuôi giấu chở che…
Mẹ VNAH Trần Thị Hiến (giữa) cùng nhà thơ Tố Hữu (ngoài cùng, bên trái sang). Ảnh: do người nhà mẹ Hiến cung cấp. |
Ngược dòng thời gian, chuyến vượt ngục từ Đắk Glei năm ấy, cùng với Huỳnh Ngọc Huệ, Tố Hữu đã được nhiều đồng bào bảo vệ khỏi sa vào tay quân thù. Đó là A Nhic, một người con của làng Lua, xã Đăk Choong đã không quản nguy nan, giúp đỡ nhà thơ bỏ trốn khỏi ngục Đắk Glei; hay dân làng Rô đã dang tay chở che người thanh niên yêu nước, mà sau này trong sự biết ơn dâng trào, Tố Hữu đã viết: “Ơi làng Rô nhỏ của tôi/ Cao cao ngọn núi chiếc nôi đại bàng/ Trăm năm ta nhớ ơn làng/ Cánh tay che chở bước đường gian nguy”. Đặc biệt, lưu dấu kỷ niệm đẹp với nhà thơ còn có những người con yêu nước của Đại Lộc. Đó là người chị nuôi, người em, người cháu ở vùng đất nghèo hứng chịu mưa bom bão đạn…
Chuyến vượt ngục từ Đắk Glei về tới Đại Lộc của Tố Hữu năm 1942 cũng được đề cập trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ huyện Đại Lộc giai đoạn 1930 - 1975”. Lúc bấy giờ, các cơ sở quần chúng đã tìm cách bảo vệ các đồng chí đảng viên thoát khỏi sự truy lùng, bao vây ráo riết của địch để tiếp tục hoạt động. Trang 59, Lịch sử Đảng bộ huyện Đại Lộc 1930-1975 ghi rõ: Trước khi xảy ra cuộc khủng bố ở Quảng Nam, đồng chí Tố Hữu và đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ vượt ngục Đắk Glei rồi theo đường 14 xuống huyện Đại Lộc. Đến Đại Lộc, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ về nhà người dì ruột ở tổng Mỹ Hòa tạm trú một thời gian rồi ra Đà Nẵng bắt nối lại cơ sở. Còn đồng chí Tố Hữu ban đầu về nhà đồng chí Hồ Phước Hậu nhưng không thể ở lại được, phải lên ở nhà thân sinh đồng chí Trần Tống, làng Thừa Bình, tổng Đại An (nay thuộc thôn Song Bình, xã Đại Quang). Tố Hữu ốm phải nằm lại, được sự che chở của gia đình cụ Trần Cảnh, có lúc bố trí ở miếu Thừa Bình, có lúc ở miếu Cổ Noa và sau đó được bố trí ở nhà bà Trần Thị Hiến (con gái cụ Trần Cảnh) ở làng Hòa Duân, tổng Đức Hạ (nay thuộc thôn Hòa Tây, xã Đại Nghĩa), nhờ đó thoát khỏi vòng vây của địch.
Mẹ VNAH Trần Thị Hiến là con gái cụ Trần Cảnh, tức Phó Phan, một nhà nho yêu nước ở làng Thừa Bình, là chị ruột Trần Tống - bạn thân Tố Hữu từ những ngày ở Huế. Mẹ Trần Thị Hiến là người mà nhà thơ Tố Hữu lúc sinh thời gọi thân thương: chị nuôi. Năm 18 tuổi, mẹ kết duyên cùng ông Trần Dư, người làng Hòa Tây, Đại Nghĩa. Gia đình chồng mẹ cũng có cảm tình với cách mạng nên ngôi nhà của hai vợ chồng mẹ và hai vợ chồng người anh chồng cũng là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng và nhà thơ Tố Hữu trong lúc nguy nan. Sinh thời, mẹ Trần Thị Hiến thường kể về những kỷ niệm với nhà thơ Tố Hữu: “Một ngày cuối tháng 3.1942, từ làng Rô xuống Đại Lộc, Tố Hữu về nhà ba tôi (cụ Phó Phan) để tránh sự truy lùng của địch. Ba tôi đã bố trí cho Tố Hữu ở miếu Thừa Bình một tuần, rồi Cổ Noa (ở núi Sơn Gà), cách làng 1,5km. Tôi và Trần Lộc được giao nhiệm vụ hàng ngày mang cơm nước cho Tố Hữu và theo dõi tình hình địch. Sau thấy nguy, ba tôi đưa Tố Hữu về nhà chồng tôi, ở đây hàng ngày tôi cơm nước, thuốc men, giặt giũ, coi Tố Hữu như một người em ruột trong nhà”. Còn Tố Hữu, trong hồi ký “Nhớ lại những ngày vượt ngục về huyện Đại Lộc” (Tập “Đại Lộc sáng đèn”), và trong tập sách “Trần Tống - người cộng sản mẫu mực” (Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức biên soạn, NXB Đà Nẵng - 2009), Tố Hữu đã nhắc tới Đại Lộc bằng tấm lòng của người con lâu ngày trở về quê hương đã từng nuôi dưỡng, chở che mình.
Ông kể về chặng vượt rừng từ làng Rô về tới Đại Lộc bằng những dòng hồi ký: “Tôi tìm gặp chị Tống (vợ Trần Tống), chị ngơ ngác không biết tôi là ai, tôi dỡ khăn trùm đầu và nói: Tôi - Thành đây”. Sợ phát hiện, chị liền giấu tôi vào buồng, đem bánh tét cho tôi ăn. Cụ Trần Cảnh, thân sinh Trần Tống vào buồng thăm tôi, tỏ vẻ vui mừng: “Anh trốn được về là tốt rồi”. Cụ bảo, anh có biết chữ Hán thì viết một chữ vào lòng bàn tay, để tôi xem vận hạn cho. Tôi dốt chữ Hán, nhưng viết được chữ Xuân, cụ cười khà khà, bảo toàn. Cụ là một nhà nho, có con ở tù, lại có người hoạt động cách mạng nên địch không để yên. Lát sau, cụ Trần Cảnh gọi chị Tống vào, bảo dẫn tôi lên một ngôi miếu ở một rừng rậm, tiếp tế chu đáo”… Những tháng ngày ở ngôi miếu cổ, Tố Hữu được tiếp tế lương thực, thuốc men đầy đủ. Và trước sự lùng sục ráo riết, điên cuồng của địch, thấy tình thế không thể để Tố Hữu ở đây lâu được, gia đình cụ Trần Cảnh đã đưa nhà thơ về Bàu Ông (Đại Nghĩa) để nương náu, đợi thời cơ móc nối với cơ sở. Chia sẻ về chặng đường gian nan trên đất Đại Lộc, Tố Hữu viết: “Cháu Trần Lộc (13 tuổi) được vợ chồng anh Hiến sai dẫn tôi đi. Lúc ra đi, chị Hiến cho tôi một bộ quần đen còn lành, một lọn tóc giả và khăn trùm đen che kín cả hai tai. Cháu Lộc gánh 2 sọt cỏ tung tẩy đi trước, tôi đi sau cầm nải chuối và một thẻ hương như người đi thăm mộ. Suốt dọc đường qua nhiều điếm canh, thấy không ai xét hỏi gì… Suốt cả tháng trời trên đất Đại Lộc, tôi được an toàn vượt qua các đợt truy lùng của giặc, về tới Đà Nẵng để bắt đầu chặng đường hoạt động bí mật mới cho tới khi Cách mạng tháng Tám thành công”.
Sau ngày nước nhà thống nhất, năm 1983, trong một chuyến công tác, nhà thơ Tố Hữu đã lặn lội về thăm mẹ Trần Thị Hiến. Tố Hữu nắm lấy tay mẹ, trò chuyện hàn huyên như một người thân lâu ngày gặp lại. Sau lần đó, ông lại về thăm người chị nuôi mấy lần và lần nào cũng ra đi trong bịn rịn. Một lần khác ghé thăm mẹ trong chuyến công tác, theo sau ông có đoàn hộ tống. Mẹ Hiến cười bảo: “Ngày cậu còn ở với tôi, có người hộ tống chi mô, giờ về đây lại có người theo thế này”. Nhà thơ cũng cười nói: “Đó là người Nhà nước chị ạ. Tôi về đây ghé thăm chị, uống với chị miếng nước cho vui lòng chị rồi tôi đi, có dịp tôi sẽ lại về”. Với mẹ Hiến, những cuộc hội ngộ ngắn ngủi xúc động này mãi là những giây phút thiêng liêng. Bà Nguyễn Thị Thanh, một người con dâu của Mẹ VNAH Trần Thị Hiến chia sẻ: “Có biết được sự khốc liệt của chiến tranh, có đi qua gian khó, mới thấm thía hai chữ nghĩa tình. Điều đó giúp tôi hiểu vì sao cuối đời mẹ dù đã bớt nỗi cơ cực, song bà vẫn cứ một mực giữ lại bên mình những kỷ vật nhỏ. Có lúc tôi cứ thắc mắc tại sao mẹ tôi lại quý cái nồi đồng cũ nát đến vậy. Mẹ cười bảo: “Sắp nhỏ không được bán nó đi, cái nồi nhỏ này là nồi tao nuôi cách mạng đấy”.
Có lẽ, dấu ấn của nhà thơ Tố Hữu sẽ không phai mờ trong lòng người dân Đại Lộc. Ông đã đi xa, cũng như bao người con yêu nước thuở ấy đã đi xa, song kỷ niệm vẫn còn mãi với người dân Đại Lộc…
TRẦN BÍCH LIÊN