Những bài học quý trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19

KHÔI QUÂN (thực hiện) 27/02/2021 06:00

Là “lực lượng tuyến đầu” trong cuộc chiến phòng chống Covid-19, thời gian qua đội ngũ y bác sĩ đã có những cống hiến lẫn hy sinh lặng thầm. Tại Quảng Nam, công tác phòng chống dịch Covid-19 đã cho ngành y tế địa phương nhiều bài học quý giá…

Trong năm 2020, ngành y tế Quảng Nam đã có những nỗ lực vượt trội để khống chế và dập dịch Covid-19. Ảnh: K.Q
Trong năm 2020, ngành y tế Quảng Nam đã có những nỗ lực vượt trội để khống chế và dập dịch Covid-19. Ảnh: K.Q

Nhân kỷ niệm Ngày thầy thuốc Việt Nam (27.2), phóng viên Báo Quảng Nam đã có cuộc trao đổi với ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế về những kinh nghiệm khi ứng phó với dịch bệnh nhằm bảo vệ tốt nhất sức khỏe cho cộng đồng.

Sự đồng lòng của đội ngũ y tế

Ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế.
Ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế.

* Năm 2020 là một năm đặc biệt của ngành y tế nói chung. Với Quảng Nam, sự nỗ lực trong công tác phòng chống dịch Covid-19 đã được ghi nhận. Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm từ cuộc chiến đặc biệt này?

- Ông Mai Văn Mười: Năm 2020, tình hình khí hậu, môi trường, dịch bệnh diễn biến rất phức tạp; đặc biệt là đại dịch Covid-19 hoành hành trên toàn thế giới tác động tất cả lĩnh vực đời sống và phát triển kinh tế - xã hội, làm quá tải hệ thống y tế và gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong công tác phòng chống dịch Covid-19, Quảng Nam cũng đã đạt được nhiều thành tựu, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát và đã có nhiều bài học quý giá, kinh nghiệm được rút ra. 

Quảng Nam có được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các địa phương, sở, ban, ngành, đoàn thể, người dân đóng góp tích cực, nhanh chóng, kịp thời và đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm trong hoạt động phòng chống dịch bệnh. Mọi người dân đều có ý thức chấp hành rất nghiêm túc, góp phần khống chế dịch ngay tại cộng đồng. Đã có hơn 5 ngàn tổ giám sát Covid cộng đồng được thành lập, đây chính là biểu hiện mạnh nhất của sự đồng lòng. 

* Cụ thể, ngành y tế tỉnh đã triển khai những phương án gì để nhanh chóng dập dịch, thưa ông?

- Ông Mai Văn Mười: Ngành y tế đã triển khai các phương án phòng chống dịch theo từng cấp độ, thực hiện 5 chiến lược lớn xuyên suốt, nhất quán để phòng chống dịch Covid-19 và đã được chứng minh qua thực tiễn là phù hợp, hiệu quả, cụ thể là: “ngăn chặn; phát hiện; cách ly; khoanh vùng dập dịch và điều trị hiệu quả”. Tổ chức ngăn chặn nguồn lây bằng cách giám sát chặt chẽ người đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ và các tỉnh, thành phố có dịch; phát hiện, lấy mẫu xét nghiệm tầm soát nhóm người có nguy cơ và tổ chức cách ly hiệu quả tất cả trường hợp nghi ngờ mắc bệnh trong cộng đồng với tinh thần theo chỉ đạo là “thần tốc và triệt để”.

Chúng tôi thực hiện phối hợp với sở, ngành liên quan tổ chức hiệu quả công tác cách ly tập trung, cách ly tại cơ sở y tế và cách ly tại nhà theo đúng quy định của Bộ Y tế. Chủ động tổ chức công tác giám sát và phòng chống dịch bệnh ở cộng đồng, quy trình phản ứng nhanh được tiếp tục vận hành, ngày càng được bổ sung, hoàn thiện theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế. Bên cạnh đó cũng đảm bảo năng lực thu dung và điều trị hiệu quả cho người mắc bệnh. Ngành y tế luôn chủ động sẵn sàng các phương án, nguồn lực để mở rộng khả năng thu dung người bệnh, kịp thời ứng phó khi dịch bệnh lan rộng và bùng phát. Các bệnh viện tổ chức tốt công tác phân luồng, thu dung cấp cứu điều trị những trường hợp có dấu hiệu ho, sốt, khó thở và đặc biệt là có yếu tố dịch tễ liên quan đến dịch bệnh Covid-19… Thực hiện nghiêm quy trình cách ly, điều trị bệnh nhân, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn tránh lây nhiễm giữa bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, người phục vụ trong bệnh viện và cán bộ y tế theo Quyết định 3088 BYT.

Hoàn thiện năng lực y tế dự phòng

Năm 2021, ngành y tế Quảng Nam đã đề ra những mục tiêu tăng cường và đổi mới mạnh mẽ y tế cơ sở trong tình hình mới hướng tới thực hiện bao phủ hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân. Bao gồm: tăng cường năng lực cho y tế cơ sở; triển khai đề án đào tạo nhân lực y tế vùng khó khăn; triển khai quản lý sức khỏe toàn dân; các chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng. Nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Đẩy mạnh triển khai Đề án Khám chữa bệnh từ xa, Đề án Bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Đẩy nhanh việc thực hiện chăm sóc toàn diện đối với người bệnh. Phát huy lợi thế và kết hợp chặt chẽ y học cổ truyền với y học hiện đại. Triển khai quyết liệt chuyển đổi số ngành y tế với các chương trình như hồ sơ sức khỏe điện tử; theo dõi, cảnh báo dịch bệnh; hệ thống khám bệnh, chữa bệnh thông minh; hệ thống quản trị y tế thông minh. Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về công tác dân số trong tình hình mới. Nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em có chất lượng, sàng lọc trước sinh, sơ sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

* Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, một lần nữa cho thấy vai trò của y tế dự phòng. Là người đứng đầu ngành y tế Quảng Nam, ông nhìn nhận như thế nào về năng lực của đội ngũ này?

- Ông Mai Văn Mười: Đầu tiên, phải thấy rằng y tế dự phòng đã đạt những thành tựu xuất sắc trong những năm qua như thanh toán bại liệt; giảm mắc nhiều lần các bệnh truyền nhiễm có vắc xin; loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh, duy trì tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt trên 92%; nâng tỷ lệ người dân tiếp cận nước sạch, lối sống vệ sinh; phòng chống, ngăn chặn những dịch bệnh mới nổi nguy hiểm xâm nhập và lây lan tại Quảng Nam, đặc biệt là dịch Covid-19.

Tuy nhiên lĩnh vực y tế dự phòng, tỉnh cũng phải đối mặt những khó khăn, thách thức nhất định. Chúng ta chỉ mới tập trung cao vào các hoạt động kiểm soát bệnh truyền nhiễm, các nhiệm vụ khác chưa thực hiện được đầy đủ. Đó là việc phòng chống bệnh không lây nhiễm chưa bền vững, đặc biệt là bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Tỷ lệ phát hiện bệnh lao trong cộng đồng còn thấp. Nhân lực bác sĩ chuyên ngành tâm thần thiếu nên quản lý sức khỏe tâm thần chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Các chỉ số chăm sóc sức khỏe sinh sản - dân số còn khác biệt khá lớn giữa các vùng miền; hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em chưa đáp ứng được nhu cầu triển khai các hoạt động can thiệp dinh dưỡng hàng năm; năng lực kiểm nghiệm an toàn thực phẩm còn hạn chế. Triển khai điều trị ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS tại tuyến huyện còn gặp nhiều khó khăn; hoạt động xét nghiệm chưa được quan tâm đúng mức, còn thiếu thốn các nguồn lực triển khai.

*  Y tế dự phòng đóng vai trò “gác cổng” trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân. Làm sao để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế dự phòng, đặc biệt là tuyến cơ sở nhằm thu hút người dân tin tưởng đến khám, chữa bệnh ban đầu, thưa ông?

- Ông Mai Văn Mười: Những năm gần đây, số lượng cán bộ y tế đã tăng lên đáng kể. Mức độ tăng ở nhóm nhân lực y tế có trình độ đại học như bác sĩ, điều dưỡng lớn hơn so với nhóm có trình độ thấp hơn như y sĩ, điều dưỡng trung học, dược tá… Việc phân bố nguồn nhân lực y tế đã được cải thiện, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế, các dịch bệnh tại các địa phương được khống chế kịp thời. Chúng tôi cũng xác định đội ngũ nhân lực làm y tế dự phòng đóng vai trò quan trọng, có ý nghĩa là “cái gốc” của y tế địa phương. Do vậy, sở sẽ tiếp tục mở rộng các mô hình đào tạo, tập huấn, đào tạo liên tục, cập nhật kiến thức và các biện pháp phòng chống bệnh… cho các cán bộ y tế nhằm tạo cơ hội cho các thầy thuốc, cán bộ trong ngành tiếp cận và cập nhật các kiến thức chuyên khoa. 

Trong các nhóm nhiệm vụ của năm 2021, Sở Y tế xác định nâng cao năng lực của hệ thống y tế dự phòng để ứng phó với các tình huống khẩn cấp và sự cố y tế công cộng, bảo đảm an ninh y tế, an toàn thực phẩm. Phòng chống dịch bệnh chủ động, phát hiện sớm, khống chế kịp thời dịch bệnh, đặc biệt là kiểm soát tốt dịch Covid-19.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những bài học quý trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO