Nhiều “thủ lĩnh” chi bộ ở cơ sở đã có những đóng góp tích cực vào các nhiệm vụ phát triển chung của địa phương. Mỗi người một phương thức, cách làm, nhưng tựu trung luôn nêu cao tinh thần tận tụy, trách nhiệm với công việc, vì lợi ích của nhân dân. Họ là những người “nói được, làm được”.
Ông Đặng Ngọc Giáo (đội mũ tai bèo) cùng tham gia chuyến về nguồn với Chi đoàn Thanh niên thôn. |
BÀI 1: ĐẢNG VIÊN ĐI TRƯỚC...
Một người đã bước sang tuổi 64, một người vừa mới hơn 35 tuổi, ở hai địa phương khác nhau nhưng có cùng điểm nhìn về công tác đảng ở cơ sở: bám dân, hướng về cộng đồng.
Bám dân
“Ở xã thì nói cái chung nhưng về cơ sở thì phải nói cái cụ thể. Tùy vào từng trường hợp mà có cách tiếp cận, thuyết phục khéo léo. Có sâu sát như vậy mới giải quyết được vấn đề phát sinh trong nhân dân” - ông Đặng Ngọc Giáo, Bí thư Chi bộ thôn Châu Sơn 2 (xã Quế An, Quế Sơn) nói với chúng tôi. Ông Giáo còn cho biết, đó chính là kinh nghiệm ông rút ra khi đã 64 năm tuổi đời, 42 năm tuổi Đảng, và cũng là bí quyết để ông trụ vững trong lòng nhân dân 10 năm qua với vai trò bí thư chi bộ thôn.
Ông Giáo dẫn chứng, đầu năm 2013, thôn Châu Sơn 2 được ngành nông nghiệp hỗ trợ xây dựng cánh đồng mẫu lớn có diện tích 5ha. Khi họp triển khai người dân đã có nhiều ý kiến, chính một vài đảng viên cũng hoài nghi, cho rằng, lâu nay gieo sạ 8 - 12kg lúa giống/sào còn chưa “ăn chi”, nay gieo sạ chỉ có 4kg/sào thì nhằm nhò gì. Có người còn “hăm” trả ruộng. Để nhân dân thấy, tin tưởng và làm theo, ông cùng các đồng chí trong chi ủy bắt tay làm trước, rồi đến các đảng viên, thành viên hội, đoàn thể, vừa làm vừa tuyên truyền vận động. Cuối cùng lòng dân cũng đồng thuận. Rồi một vụ lúa trúng lớn với năng suất 60 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay, nông dân phấn khởi, giờ bỏ hẳn phương thức canh tác cũ. Hay như tết vừa rồi, chi bộ có chủ trương phát dọn cây cối ảnh hưởng hành lang tuyến đường liên xã Quế An - Quế Phong để đảm bảo an toàn giao thông. Ông nghĩ, cây cối người dân trồng bao năm nay đã lớn, nếu làm không khéo nhân dân sẽ phản ứng, không ủng hộ. Vì vậy, ông đề nghị anh em dân quân phát hạ cây từ phía nhà ông (ở cuối đường - PV) đến nhà các đảng viên khác rồi mới phát hạ của người dân. Nhờ đó, các hộ dân bị ảnh hưởng đều đồng thuận phát dọn, hình thành ý thức bảo vệ hành lang an toàn của tuyến đường. “Khi đề ra chủ trương, “thủ lĩnh” của tổ chức đảng cơ sở phải năng nổ, nhiệt tình, xắn tay áo vào cùng làm với anh em chi hội, đoàn thể, không nên đứng chỉ tay điều hành công việc. Đảng viên làm tốt, làm tích cực, nhân dân mới tin tưởng, hưởng ứng làm theo” - ông Giáo chia sẻ.
Về công tác phát triển đảng viên, dưới sự dẫn dắt của ông Giáo nói riêng và Chi ủy nói chung, Chi bộ Châu Sơn 2 luôn hoàn thành tốt chỉ tiêu phát triển đảng viên, được Huyện ủy Quế Sơn đánh giá cao. Ông Giáo cho hay, Châu Sơn 2 là vùng quê thuần nông, lực lượng thanh niên có xu hướng đi làm ăn xa; do đó, nếu không có một “tư duy mở”, một sự chuẩn bị tạo nguồn tích cực thì công tác phát triển đảng viên sẽ gặp rất nhiều khó khăn. “Hơn 10 năm đảm nhiệm vai trò Bí thư Chi bộ thôn, tôi luôn vận động các đồng chí đảng viên đã có tuổi rằng, không phải cứ cầm súng chiến đấu, được tôi luyện qua lửa đỏ chiến tranh thì con người mới trưởng thành, mới xứng đáng đứng vào hàng ngũ của đảng. Tuổi trẻ có trình độ học vấn, có phẩm chất chính trị tốt thì mình phải tạo điều kiện để được tham gia các công việc chung, gắng công bồi dưỡng để các cháu được đứng vào hàng ngũ của đảng, cống hiến sức trẻ cho sự nghiệp xây dựng quê hương” - ông Giáo nói. Ông cho biết, hiện nay, Chi bộ thôn Châu Sơn 2 có 13 đảng viên, cao tuổi nhất là 70, nhỏ nhất 19 tuổi. Đảng viên chi bộ đều được phân công đảm nhiệm vị trí chủ chốt tại các hội, đoàn thể của thôn nên phát huy được năng lực lãnh đạo, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng. Hằng năm, chi bộ phát triển từ 1 đến 2 đảng viên, nhờ vậy, luôn duy trì ổn định sĩ số đảng viên, không bị động nhân sự khi có đảng viên xin chuyển sinh hoạt đảng.
Hướng về cộng đồng
Được sự giới thiệu của cán bộ Huyện ủy Tây Giang chúng tôi tìm gặp Zơ Râm Chôi - Bí thư Chi bộ thôn Tà Vàng (xã A Tiêng), một người “dám nghĩ, dám làm” và luôn mang tinh thần hướng về cộng đồng. Con đường bê tông dẫn vào thôn Tà Vàng sạch sẽ, rộng rãi; nhà đồng bào quần cư và cùng hướng về mái gươl làng tạo cảm giác yên bình, ấm áp. Căn nhà gỗ của vợ chồng Zơ Râm Chôi khang trang; trên vách treo nhiều giấy khen của xã, huyện, các ngành. Zơ Râm Chôi cho biết, anh được kết nạp Đảng năm 2006, chỉ 2 năm sau được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Tà Vàng. Khi ấy anh mới 32 tuổi, được xem là bí thư chi bộ cơ sở trẻ tuổi nhất ở Tây Giang. Nói về các đảng viên của thôn, già làng Alăng Nghênh tự hào: “Những năm qua, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Chi bộ thôn Tà Vàng, nhất là Bí thư Zơ Râm Chôi luôn nêu cao tinh thần đi trước, làm trước trong các phong trào, cuộc vận động tại địa phương.
Bí thư Chi bộ thôn Tà Vàng (xã A Tiêng, Tây Giang) Zơ Râm Chôi kéo đất gia cố móng nhà cho người dân.Ảnh: HÀN GIANG |
Zơ Râm Chôi kể, thôn Tà Vàng hiện có 58 hộ, với 224 nhân khẩu, đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Xuất phát từ thực tế đó, bên cạnh chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, cuộc vận động tại địa phương, 10 đảng viên Chi bộ thôn Tà Vàng phải năng động trong lao động sản xuất, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, phương pháp canh tác mới để phát triển kinh tế; lấy hiệu quả làm thước đo nêu gương cho người dân học tập làm theo. Như đảng viên trẻ Pơ Loong Hòa đi đầu trong hưởng ứng chủ trương phát triển cây cao su với 6ha, nay cây đã hơn 3 năm tuổi. Nêu gương Hòa, bà con có đất sản xuất vùng đồi hưởng ứng tích cực việc trồng cao su. Cây đang phát triển tốt, mở ra triển vọng thoát nghèo cho nhân dân địa phương. Còn Zơ Râm Chôi cho bà con mượn 6 sào ruộng để sản xuất lúa SRI, phần anh mạnh dạn chuyển sang đầu tư máy xay xát để phục vụ nhu cầu của người dân, kết hợp nuôi heo thương phẩm. Hiện nay, Chôi đang thí điểm mô hình nuôi cá trê lai trong bể xi măng, nếu đạt hiệu quả sẽ nhân rộng trong nhân dân.
Với tinh thần hướng về cộng đồng, từ nhiều năm qua, Zơ Râm Chôi luôn duy trì hoạt động của tổ thợ lành nghề gồm 6 người (do anh làm tổ trưởng) chuyên nhận xây cất nhà cho bà con địa phương. Nhờ có tổ thợ của Chôi nhiệt tình tư vấn xây dựng, sẵn lòng cho nợ tiền công nên nhiều hộ khó khăn đã mạnh dạn cất nhà vững chãi, ổn định cuộc sống. “Trước đây, nếu người dân có nhu cầu xây cất nhà thường về dưới xuôi tìm thuê thợ nên rất nhọc công, giá cả lại cao. Do đó, tôi bàn anh em hành nghề xây dựng trong thôn thành lập tổ thợ, ra giá thi công phù hợp, làm nhiệt tình nên tạo được uy tín đối với người dân trong vùng và khu vực lân cận. Nhiều hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi cho nợ tiền công đến 2 - 3 năm mới thanh toán, như trường hợp Alăng Nhị (cùng thôn), Rơđêl Sơn (thôn Arớt, xã A Nông)...” - Zơ Râm Chôi chia sẻ.
Khi câu chuyện với chúng tôi kết thúc, phía gươl làng phát ra tiếng gọi của thanh niên đang đẩy xe rùa kéo đất gia cố móng nhà cho một gia đình trong thôn. Zơ Râm Chôi liền thay bộ đồ lao động, chào khách, xáp vào phụ làm với đám thanh niên. Già Nghênh móm mém: “Đảng viên Zơ Râm Chôi bao giờ cũng đi trước như vậy đấy!”.
HÀN GIANG