“Những bình thường lấp lánh” là cuốn sách mới nhất và cũng là cuốn văn xuôi thứ 4 của tác giả Phạm Thông vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. “Những bình thường lấp lánh” gồm 23 câu chuyện gói gọn trong tập sách trên 260 trang. Như lời giới thiệu, tác giả là người từng trải qua những năm tháng của cuộc chiến tranh đầy khốc liệt trên vùng đất lửa Quảng Nam nên những sáng tác của tác giả là những sản phẩm của người trong cuộc, những nỗi niềm trải nghiệm đầy đau đớn.
Đọc “Những bình thường lấp lánh” người đọc trăn trở về những số phận cay nghiệt, những người dân bám trụ che chở cách mạng một thời bị lãng quên, bị đối xử thiếu công bằng. Đó là những bình thường lấp lánh cần ghi nhớ, vinh danh.
“Tiếng cú gọi hồn” là truyện ký viết về một cơ sở cách mạng 4 thế hệ bám trụ nuôi giấu cán bộ cách mạng nhưng đến nay chẳng có ai trở về thăm lại chiến trường xưa, thăm lại những gia đình bám trụ đã cưu mang đùm bọc họ trong những tháng ngày cam go nhất. Tác giả bật thốt lên: “Những người còn sống sót sau chiến tranh, những đồng chí của tôi ơi! Hãy bỏ chút thời gian, rời nơi thị thành trở lại thăm Hóc Hiếu… Hãy trở lại đây mà nghe chim cú kêu. Đấy là một lời chim thiêng. Đêm đêm cú về đậu trên cành cây gọi hồn những số phận bị lãng quên nơi hốc đá, bờ lau của xứ Vườn Cau, Dương Cháy heo hút này. Hãy trở lại đây mà thắp nén nhang tạ lỗi và cầu mong cho linh hồn 4 thế hệ trụ bám, che giấu cho chúng ta trên chính mảnh đất này giữa thời lửa đạn….”. Có thể nói, mỗi truyện ký trong tập sách là một câu chuyện xúc động được kể lại với nhiều chi tiết khá bất ngờ, đầy tính nhân văn; một số đoạn tác giả kể chuyện bằng giọng văn có duyên, có sức hấp dẫn, lôi cuốn người đọc. Điều đáng tiếc từ nhân vật đến không gian các câu chuyện kể của tập sách chỉ phản ánh trong phạm vi hẹp, chủ yếu là đất và người ở huyện Quế Sơn. Bởi trước đó, tác giả đã có những cuốn truyện ký viết về những vùng đất khác trên địa bàn Quảng Nam.
VÕ VĂN TRƯỜNG