Những bóng hồng nổi danh xứ Quảng

LÊ QUÂN 07/03/2015 17:25

(QNO) - Họ là những người phụ nữ nổi danh trong lĩnh vực chính trị, văn chương, học thuật Việt Nam thế kỷ XIX, XX. 

Người mở đầu nền thơ ca đất Quảng

Sinh ra ở nhiều giai đoạn khác nhau, nhưng họ đều là những tài hoa trong văn chương học thuật. Nền thơ ca đất Quảng bắt đầu giữa thế kỷ XVIII với tên tuổi Phạm Lam Anh nữ sĩ. Bà sinh khoảng nửa đầu thế kỷ XVIII tại huyện Diên Phước, dinh Quảng Nam nay thuộc huyện Điện Bàn, nổi tiếng văn chương từ thuở nhỏ, được giới văn lâm thời bấy giờ xưng tụng.

Điều kỳ lạ ở người nữ sĩ tài hoa khai sinh cho thơ ca đất Quảng là thơ bà chỉ mới tìm lại được có ba bài thơ chữ Hán, nhưng cả ba bài đều viết về ba danh thần, hào kiệt mà cuộc đời đầy bi kịch: Khuất Nguyên, Kinh Kha, Hàn Tín và một bài thơ chữ Nôm: Vịnh cảnh gần sáng. Bà từng tự hiệu Ngâm Si cùng chồng viết một tập thơ lấy tên Chiến cổ đường thi (ngôi nhà thơ chống lại cái xưa).

GS. Nguyễn Văn Hạnh nhận định về Phạm Lam Anh nữ sĩ trong “Suy nghĩ về thơ Đất Quảng”: “Trong cuộc đời riêng, trong tình yêu và hôn nhân bà đã sống chân thật, tự do và khí phách thế nào thì trong thơ bà ta bắt gặp nhân cách bản lĩnh ấy sự cảm nhận, suy nghĩ, không theo thói thường, có tính chất phá cách ấy. Phải chăng đó cũng là một cái gì tiêu biểu cho tâm hồn và tính cách con người Quảng?”.

Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa

Năm 2001, cái tên Huỳnh Thị Bảo Hòa mới bắt đầu được biết đến từ công trình sưu tầm, nghiên cứu của Lại Nguyên Ân. Theo giới nghiên cứu văn học, Huỳnh Thị Bảo Hòa chính là người viết tiểu thuyết Việt Nam đầu tiên bằng chữ quốc ngữ. Năm 1927, tiểu thuyết Tây phương mỹ nhơn của bà ra đời (76 trang, Nhà in Bảo Tồn, Sài Gòn), kể lại câu chuyện có thật xảy ra tại Tam Kỳ (Quảng Nam) nói về mối tình chung thủy của cô gái Pháp lấy chồng Việt. Năm 2001, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, sau khi bất ngờ phát hiện bộ tiểu thuyết này ở Thư viện Quốc gia Hà Nội, đã viết bài trên Tạp chí Văn học khẳng định nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên viết tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ.

Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa.
Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa.

Từ điển Văn học (NXB Thế giới, 2004) viết về Huỳnh Thị Bảo Hòa cùng bộ tiểu thuyết của bà: “Tiểu thuyết được xuất bản vào năm 1927 (Nhà in Bảo Tồn, Sài Gòn) vài năm sau Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách ở miền Bắc, tác phẩm của Huỳnh Thị Bảo Hòa theo mạch khai thác cốt truyện từ thực tế đời sống Việt Nam chứ không theo trào lưu mô phỏng tiểu thuyết phương Tây. Tuy nhiên, bà đã chọn cho câu chuyện một kết cấu theo kiểu tiểu thuyết chương hồi của Trung Quốc…

Đánh giá vị trí nhà văn và cuốn tiểu thuyết của bà, Huỳnh Thúc Kháng, Tản Đà, Bùi Thế Mỹ đều cho rằng bà đã có công “vỡ núi mở đường”, “là ngọn cờ tiên phong cho đạo quân nương tử”, “là cuốn tiểu thuyết thứ nhất” của nữ giới Việt Nam viết bằng tiếng Việt. Tác phẩm là sự thể nghiệm đầu tiên và dường như cũng là cuối cùng đối với hình thức nghệ thuật chương hồi của tiểu thuyết quốc ngữ”.

Cũng năm 1927, bà viết kịch bản Huyền Trân công chúa, tác phẩm được hình thành sau thời gian bà làm bầu gánh hát bội tại nhà hát Hòa Bình, TP.Đà Nẵng. Theo Thy Hảo Trương Duy Hy trong cuốn “Nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa - Người phụ nữ viết tiểu thuyết đầu tiên” (NXB Văn Học, 2003) và Nguyễn Sinh Duy trong “Quảng Nam và những vấn đề sử học” (NXB Văn hóa-Thông tin, 2006), bà còn là người phụ nữ đầu tiên viết nghiên cứu, khảo luận. Đó là cuốn Chiêm Thành lược khảo xuất bản năm 1936 với lời đề Tựa của chủ bút Tạp chí Nam Phong Phạm Quỳnh. Đây cũng là cuốn sách đầu tiên bằng quốc ngữ viết về dân tộc và đất nước Chăm-pa.

Nữđại biểu Quốc hội đầu tiên

Là vợ của nhà yêu nước Phan Thanh, bà Lê Thị Xuyến (1909 - 1996), quê Đại Hòa, Đại Lộc, là một nhà cách mạng, nhà hoạt động xã hội Việt Nam. Năm 1928, vừa tốt nghiệp bậc Thành Chung vừa đỗ bằng sư phạm. Bà Lê Thị Xuyến là phụ nữ đầu tiên ở Quảng Nam có được tấm bằng ấy và được giữ lại làm giáo viên của Trường Đồng Khánh. Cùng với chồng, bà tham gia nhiều hoạt động cách mạng, yêu nước. Gia đình bà tại Hà Nội là đầu mối liên lạc của Đảng Cộng Sản Đông Dương, cũng là nơi lui tới bà chuyện của các đồng chí lãnh đạo Đảng thời bấy giờ, như Trường Chinh, Phan Đăng Lưu, Võ Nguyên Giáp…

Chủ tịch đầu tiên của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Lê Thị Xuyến.
Chủ tịch đầu tiên của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Lê Thị Xuyến.

Sau khi chồng mất, bà đưa con về Quảng Nam, tiếp tục hoạt động cách mạng. Những ngày Cách mạng Tháng Tám, Lê Thị Xuyến hăng hái tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở làng Bảo An, phủ Điện Bàn. Lê Thị Xuyến là một trong những tri thức được Ủy ban Nhân dân cách mạng Trung Bộ mời ra tham gia bộ máy chính quyền Trung Bộ và được cử giữ chức Ủy viên Ủy ban Nhân dân cách mạng Trung Bộ, phụ trách Nha cứu tế xã hội.

Năm 1946, Lê Thị Xuyến được Mặt trận Việt Minh tỉnh Quảng Nam giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội khoá I (1946-1960) và đã trúng cử với số phiếu cao, trở thành một trong 15 đại biểu Quốc hội đầu tiên của tỉnh Quảng Nam và là một trong mười người nữ đầu tiên của cả nước được bầu làm đại biểu Quốc hội. Bà là đại biểu nữ duy nhất được bầu vào Ban Thường trực Quốc hội, phụ trách Ủy ban Văn hóa Xã hội của Quốc hội. Sau đó, Lê Thị Xuyến liên tục là đại biểu Quốc hội các khoá II, III, IV, V và cũng được bầu làm Ủy viên Ban Thường vụ các khoá IV, V; Ủy viên Ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội. Bà cũng là Chủ tịch  đầu tiên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Nữ nhà báo “gỡ rối tơ lòng”

Bà Tùng Long, người tiên phong cho các mục “nhỏ to tâm sự”, gỡ rối tơ lòng” cho nữ giới trên nhiều tờ báo, tạp chí, chuyên san về phụ nữ tại miền Nam trong những năm thập niên 1960 của thế kỷ XX. Bà tên thật Lê Thị Bạch Vân (1915 - 2006) tại Đà Nẵng, quê nội tại Hội An. Năm 1932, bà theo cha vào Sài Gòn. Năm 1935, bà bắt đầu viết báo. Trong sự nghiệp viết lách của mình, Bà Tùng Long để lại hơn 400 truyện ngắn, 60 tiểu thuyết. Bà là chủ bút tuần báo Tân Thời, phụ trách mục Gỡ rối tơ lòng trên Nhật báo Sài Gòn mới, phụ trách mục Tâm tình cởi mở trên nhật báo Tiếng Vang, Thư ký tòa soạn tuần báo Phụ nữ diễn đàn. Tuy vậy, cây bút này không bao giờ nhận mình là nhà văn, hay một nghệ sĩ. Bà xem mình đơn giản chỉ là người kể chuyện.

Bà Tùng Long và con trai - nhà văn Nguyễn Đông Thức.
Bà Tùng Long và con trai - nhà văn Nguyễn Đông Thức.

Trong “Hồi ký Bà Tùng Long” (xuất bản năm 2002), có đoạn nhà văn, nhà báo Nguyễn Đông Thức kể về mẹ mình: “Hàng đêm tôi cứ thấy mẹ tôi chong đèn ngồi viết, không nghỉ đêm nào, không đi du lịch bất kỳ đâu dù chỉ một ngày. Hết ba trang feuilleton (truyện dài kỳ) cho báo này lại chuyển qua ba trang feuilleton cho báo khác. Cao điểm có khi mẹ viết cùng lúc 4 tiểu thuyết cho bốn tờ báo. Rồi trả lời thư tâm tình của bạn đọc. Những câu chuyện rối như tơ vò mà sao mẹ gỡ ra quá nhẹ nhàng, vừa gỡ vừa ghi chép để dành đề tài cho những cuốn tiểu thuyết sau”.

LÊ QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những bóng hồng nổi danh xứ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO