Chùng chình mưa nắng đan xen đã qua nửa tháng Chạp, người người nhà nhà đều mong gói ghém bao chuyện lo toan trước thềm năm hết tết đến. Đặc biệt những người có công với nước, người nghèo, người yếu thế, được nhà nước và cộng đồng xã hội quan tâm, gợi lên sự ấm áp nhân văn…
Có cả một khối lượng khổng lồ về công việc đền ơn đáp nghĩa đã, đang và sẽ được thực hiện trong dịp tết. Chẳng hạn, toàn tỉnh tập trung chuyển quà tặng của Chủ tịch nước đến hơn 87 nghìn người với kinh phí gần 27 tỷ đồng; giải quyết chế độ chính sách trợ cấp cho người có công, với số tiền truy lãnh hàng trăm tỷ đồng; ngân sách tỉnh cũng dự kiến chi khoảng 71,5 tỷ đồng để hỗ trợ gần 148 nghìn đối tượng, bao gồm người có công, đối tượng bảo trợ xã hội và thanh niên xung phong đang hưởng trợ cấp.
Rồi sắp đến đây, nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng tỉnh Quảng Nam và 95 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh chủ trương tặng 62.965 suất quà đến gia đình người có công với cách mạng (1 triệu đồng/hộ); đồng thời dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, UBND tỉnh quyết định bổ sung 300 suất quà (1 triệu đồng/suất) tặng người có uy tín trong cộng đồng, hộ cận nghèo, gia đình tiêu biểu…
Cùng với nhà nước, các đoàn thể, tổ chức thiện nguyện, cộng đồng xã hội cũng vào cuộc hành trình đến mọi nẻo đường, mang yêu thương lan tỏa đến người nghèo, người yếu thế, người dễ bị tổn thương.
Có thể ghi nhận một chương trình lớn, hết sức ý nghĩa từ phía Hội Chữ thập đỏ. Trung ương Hội Chữ thập đỏ đã phát động trong toàn hệ thống phấn đấu vận động khoảng 700 tỷ đồng để thực hiện chương trình “Tết Nhân ái” xuân Ất Tỵ - 2025, chăm lo, hỗ trợ 1,2 triệu người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương.
Hưởng ứng chương trình này, Hội Chữ thập đỏ Quảng Nam đã có thư ngỏ kêu gọi ủng hộ, các địa phương trong tỉnh cũng đã bắt đầu triển khai những hoạt động đến với đồng bào ở vùng sâu, vùng xa.
Có huyện đặt ra chỉ tiêu vận động số suất quà gần gấp đôi năm ngoái, như Hội Chữ thập đỏ Thăng Bình dự tính phấn đấu có 5.000 suất quà (2.155 suất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; 2.845 suất cho đối tượng khác, dự kiến mỗi suất 500 nghìn đồng).
Bên cạnh các địa phương ở đồng bằng ngược lên núi tặng quà tết cho đồng bào, chương trình “Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản” của Bộ đội Biên phòng phát huy hoạt động đã trở thành truyền thống, dự kiến trước tiên sẽ trao hơn 230 suất quà đến trẻ em nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vùng biên giới.
Vừa qua, đồng bào có hoàn cảnh ngặt nghèo ở Bắc Trà My, Phú Ninh, Tam Kỳ cũng đã nhận được 1.300 suất quà tết (600 nghìn đồng/suất) do VOV và các đơn vị liên quan trao tặng…
Chỉ điểm xuyết một số chương trình, hoạt động như thế cũng đủ để thấy sự ấm áp yêu thương lan tỏa trước thềm xuân.
Còn những bước chân mang tình nhân ái đến đồng bào để “không ai bị bỏ lại phía sau” nào đâu đợi đến tết mới triển khai. Một chương trình lớn còn vui hơn tết đã và sẽ tiếp tục trong năm 2025 là xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo; tin mừng khi khép lại năm 2024, Quảng Nam đã vận động đủ số tiền cần cho chương trình này với dự kiến hỗ trợ xây mới 7.438 nhà, cải tạo, sửa chữa 3.018 nhà (nhu cầu vốn ban đầu là 536,82 tỷ đồng, trong đó vốn vận động là 114,4 tỷ đồng).
Tinh thần nhân văn, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách trong văn hóa ứng xử của dân tộc chính là truyền thống đầy ắp tình người. Đó cũng là chỗ gặp nhau giữa đạo và đời mà bao bước chân hành giả muốn gieo duyên mầm thiện, hướng đích đến sự cao đẹp, đem lại cho nhân sinh sự hoan hỉ, bình an, tốt đẹp. Đạo lý nhân ái thể hiện trong chính sách lớn bao trùm xã hội hay thể hiện cụ thể ở sự tử tế của từng người trong ngõ cùng xóm vắng, đều lắng đọng cho mùa xuân an lạc hơn!