Những bước tiến trong đổi mới

KIẾN TÂN 20/08/2014 08:48

Phát triển khoa học và công nghệ: ngang tầm GD-ĐT

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: “Hình thành đồng bộ cơ chế, chính sách khuyến khích sáng tạo, trọng dụng nhân tài và đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ (KH-CN)”. Thể chế hóa quan điểm này, Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền nghiên cứu KH-CN, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó” (Điều 40). Năm 2012, Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) cũng đã ra nghị quyết về phát triển KH-CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết xác định: Phát triển mạnh mẽ KH-CN, làm cho KH-CN thực sự là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và là nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI. Đến năm 2020, KH-CN Việt Nam đạt trình độ phát triển của nhóm các nước dẫn đầu ASEAN; đến năm 2030, có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến thế giới; tiềm lực KH-CN đáp ứng các yêu cầu cơ bản của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Hưởng ứng ngày Môi trường thế giới (5.6), đoàn viên - thanh niên Quảng Nam đi xe đạp tuyên truyền về bảo vệ môi trường. Ảnh: B.HẠNH
Hưởng ứng ngày Môi trường thế giới (5.6), đoàn viên - thanh niên Quảng Nam đi xe đạp tuyên truyền về bảo vệ môi trường. Ảnh: B.HẠNH

Kế thừa Hiến pháp năm 1992 và chủ trương, chính sách, chiến lược phát triển KH-CN của đất nước, Hiến pháp 2013 khẳng định: “Phát triển KH-CN là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhà nước ưu tiên đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu KH-CN; bảo đảm quyền nghiên cứu KH-CN; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Nhà nước tạo điều kiện để mọi người tham gia và được thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động KH-CN”. Như vậy, từ chỗ xác định vị thế của KH-CN “giữ vai trò then chốt”, là động lực thúc đẩy phát triển đất nước (Hiến pháp 1992), Hiến pháp 2013 đã nâng KH-CN lên ngang tầm với GD-ĐT, trở thành “quốc sách hàng đầu” giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bảo vệ môi trường: nhiệm vụ quan trọng

Vấn đề bảo vệ môi trường (BVMT) đã được đặt ra trong Hiến pháp năm 1992 và được bổ sung, phát triển trong Hiến pháp 2013. Môi trường cũng được bổ sung trong tên của cả chương, điều đó chứng tỏ Đảng, Nhà nước coi đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm góp phần cùng thế giới giữ gìn, bảo vệ môi trường sống của loài người, tạo nền tảng pháp lý vững chắc hướng tới phát triển kinh tế xanh, bền vững hơn.

Hiến pháp bổ sung trách nhiệm của Nhà nước trong việc BVMT. Theo đó, “Nhà nước có chính sách BVMT; quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học; chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu”. Trước đó, Hiến pháp năm 1992 chỉ quy định trách nhiệm này thuộc về các cơ quan, tổ chức, cá nhân: “Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, mọi cá nhân phải thực hiện các quy định của Nhà nước về sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và BVMT”. Trong chế định BVMT, Hiến pháp 2013 hiến định: “Nhà nước khuyến khích mọi hoạt động BVMT, phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo”. Đây là tiền đề quan trọng để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia mạnh mẽ hơn vào việc BVMT bằng những hành động cụ thể, thiết thực, đặc biệt là trong việc nghiên cứu, phát triển các dạng năng lượng tái tạo.

Hiến pháp năm 1992 chỉ quy định “nghiêm cấm mọi hành vi làm suy kiệt tài nguyên và hủy hoại môi trường”. Hiến pháp 2013 đã quy định cả việc xử lý và nghĩa vụ bồi thường: “Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại”. Điều này thể hiện thái độ nghiêm khắc hơn của Đảng và Nhà nước ta với các hành vi phá hoại môi trường, hệ sinh thái.

HỎI - ĐÁP HIẾN PHÁP

- Hỏi: Khoa học và công nghệ được quy định như thế nào?

- Trả lời: Hiến pháp năm 2013 quy định về khoa học và công nghệ như sau:

1. Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

2. Nhà nước ưu tiên đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học và công nghệ; bảo đảm quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

3. Nhà nước tạo điều kiện để mọi người tham gia và được thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động khoa học và công nghệ.

- Hỏi: Bảo vệ môi trường được quy định như thế nào?

- Trả lời: Hiến pháp năm 2013 quy định về bảo vệ môi trường như sau:

1. Nhà nước có chính sách bảo vệ môi trường; quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

2. Nhà nước khuyến khích mọi hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo.

3. Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại. (BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG)

KIẾN TÂN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những bước tiến trong đổi mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO