Những búp măng giữa đại ngàn

THIÊN NGA 05/07/2013 08:15

Tại trường THPT Nam Trà My (huyện Nam Trà My), có rất nhiều em sớm chịu cảnh mồ côi hay bị khuyết tật nhưng đều có nghị lực sống mãnh liệt như những búp măng rừng giữa đại ngàn, vươn lên vượt qua số phận.
Chị em mồ côi

Lúc chúng tôi đến nhà, em Đinh Thị Miêu (học sinh lớp 11/5) đang ăn dở bữa trưa chỉ có cơm trắng với muối ớt khi vừa đi học về. Mẹ mất lúc em tròn 5 tuổi, đến khi em vào lớp 7 thì ba bị bệnh liệt nửa người và cũng qua đời, để lại 4 đứa con nheo nhóc cùng số tiền nợ 20 triệu đồng. Người anh đầu đành phải bỏ học khi đang học lớp 10 với chín năm liền là học sinh khá để đi làm thuê trả nợ. Thương anh, ba chị em ở nhà dựa vào nhau mà sống, xuống ruộng cấy lúa, lên rẫy tỉa bắp để đắp đổi qua ngày.

Em Hồ Văn Điều và Hồ Thị Thảo dù khuyết tật lại mồ côi nhưng vẫn vươn lên trong học tập.
Em Hồ Văn Điều và Hồ Thị Thảo dù khuyết tật lại mồ côi nhưng vẫn vươn lên trong học tập.

Quần quật với cuộc mưu sinh nhưng ba chị em luôn là học sinh khá nhiều năm liền. Rồi người chị Đinh Thị Mía cũng tạm xa hai em nhỏ để đi học  Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Hiện tại, ở nhà chỉ còn Miêu và đứa em út Đinh Văn Một đang học lớp 10. Một buổi đi học, một buổi về nhà đi làm ruộng, làm rẫy. Đến mùa lúa chín, hai chị em thui thủi ra đồng thu hoạch bởi không có tiền thuê người. Gặt xong, về tuốt, sảy, giã… còn hơn cả một nông dân thực thụ. Bữa ăn của hai em phần lớn là cơm trắng với muối ớt, khi nào nhận được tiền trợ cấp từ nhà trường (100.000 đồng/tháng) mới dám xuống thị trấn mua vài con cá, ít lạng thịt. Thỉnh thoảng, người em út cũng ra sông bắt ốc, câu cá, nhưng không bắt được bao nhiêu vì nước sông càng ngày càng đỏ, khiến con ốc, con cá cũng không thể sống được. Đêm đến, em học bài bên ánh đèn thì chị đốt lửa nhà sàn soi từng con chữ.

Miêu năm nay đã 18 tuổi, cái tuổi mà nhiều bạn cùng trang lứa bỏ học để đi lấy chồng, nhưng Miêu “chỉ thích học thôi, không muốn đi lấy chồng, trước lúc mất ba dặn rồi, phải học tới nơi tới chốn” - Miêu thổ lộ. Dù cuộc sống khó khăn nhưng hai chị em nhiều năm liền luôn là học sinh tiên tiến. Hai đứa trẻ cứ thui thủi bên nhau như thế hết ngày này qua ngày khác, mỗi ngày đều phải đi bộ gần hai tiếng đồng hồ từ nhà tới trường. Thế nhưng, đôi chân chai sạn vì ruộng rẫy ấy vẫn không hề mỏi khi ước mơ được làm cô giáo mầm non của Miêu và làm y sĩ của Một cứ thôi thúc hai chị em mỗi ngày.

Nỗ lực đến trường

Nhiều em học sinh đang theo học tại trường THPT Nam Trà My dù bị khuyết tật từ nhỏ, lại sớm chịu cảnh mồ côi nhưng vẫn quyết tâm bám lớp tới cùng. Em Hồ Văn Điều (học sinh lớp 11/5) bi tật cánh tay trái từ lúc lọt lòng mẹ. Tay trái của em không thể cử động được, chỉ còn tay phải giúp em hoạt động hằng ngày và cánh tay ấy đã cầm viết để viết nên những con chữ tròn trịa. Thế nhưng số phận nghiệt ngã vẫn chưa buông tha Điền khi mẹ mất do huyết áp cao vào đầu năm học mới, 3 ngày sau cha em cũng đột ngột qua đời. Nỗi đau chồng chất nỗi đau nhưng ba anh em vẫn gắng gượng tiếp tục sống. Điều là anh trai cả trong gia đình nên mọi lo toan đều một tay Điều gánh vác. Hàng ngày, ba anh em phải lên rẫy bỏ lúa, bỏ bắp. Vượt lên hoàn cảnh, Điều chăm chỉ bám trụ với việc học, mặc cho hằng ngày phải thức dậy từ 3 giờ sáng để học bài và 4 giờ sáng là phải đi bộ tới trường mới kịp giờ học. Với em, tài sản lớn nhất là những quyển sách, vở và độc một bộ quần xanh áo trắng tới trường.

Hai chị em Miêu và Một bên nhau giữa đại ngàn.
Hai chị em Miêu và Một bên nhau giữa đại ngàn.

Cũng khó khăn như Điều, người bạn ngồi cùng bàn, Hồ Thị Thảo (thôn 2, Trà Dơn) bị tật ở miệng khi vừa mới chào đời. Việc bị tật khiến em ăn uống rất khó khăn. Cha lâm bệnh nặng rồi qua đời lúc em mới chập chững bước vào lớp 3, Thảo chỉ may mắn hơn Điều là còn mẹ. Là chị cả trong gia đình, Thảo một buổi đi học, một buổi ở nhà theo mẹ lên nương, lên rẫy. Dù cuộc sống khó khăn nhưng em vẫn đam mê với việc học, được đến trường là niềm vui duy nhất…

Kể sao hết những hoàn cảnh éo le nhưng các em vẫn đang nỗ lực từng ngày để được đến trường.  Thầy Nguyễn Đoàn - Hiệu trưởng trường THPT Nam Trà My tâm sự: “Toàn trường có 565 em theo học ở tất cả các khối lớp thì đã có trên 90% em là người dân tộc, có hoàn cảnh nghèo khó; trong đó có hơn 10% em là mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vậy nhưng, nhà trường rất vui mừng vì các em biết vượt lên trên hoàn cảnh để tiếp tục tới lớp. Tôi không thể nào quên hình ảnh những em đi chân đất, khoác lên mình độc một chiếc áo mỏng manh với cái lạnh cắt da cắt thịt vào mỗi mùa đông để lắng nghe từng bài giảng”.

Những bộn bề của cuộc sống đã sớm đè lên đôi vai bé nhỏ, gầy guộc của các em học sinh tại trường THPT Nam Trà My, nhưng các em mãi là những búp măng rừng kiên cường vươn lên mỗi ngày nơi đại ngàn còn nhiều khó khăn này.

THIÊN NGA

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những búp măng giữa đại ngàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO