Tại huyện Thăng Bình, nhiều nơi đã có những cách làm hay trong học tập và làm theo gương Bác Hồ, qua đó nâng cao chất lượng làm việc của cán bộ, đảng viên; góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Việc đọc báo Đảng được xã Bình Nguyên (Thăng Bình) duy trì suốt 10 năm qua. Ảnh: GIANG BIÊN |
GIỮ THÓI QUEN ĐỌC BÁO ĐẢNG
Duy trì thói quen đọc báo vào đầu ngày làm việc là một trong những biện pháp mà cán bộ, đảng viên xã Bình Nguyên thực hiện để nắm bắt thông tin và lãnh đạo phát triển địa phương.
Hơn 10 năm qua, cán bộ, công chức xã Bình Nguyên (Thăng Bình) vẫn luôn dành 15 phút đầu giờ buổi sáng từ thứ Ba đến thứ Năm hàng tuần tham gia đọc và nghe đọc báo Đảng tại hội trường trung tâm hành chính xã. Thói quen ấy không chỉ giúp cán bộ, công chức của địa phương nắm bắt được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, những thông tin trong cuộc sống hàng ngày, mà còn giúp cho cán bộ, công chức tự tin trong giao tiếp, đối thoại với người dân. Đối với những người làm công tác văn phòng ở UBND xã Bình Nguyên, ngoài lên lịch công tác hàng tuần, việc phân lịch trực đọc báo cho cán bộ, công chức của xã cũng là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục.
Phó Bí thư Đoàn xã Bình Nguyên - Đinh Phú Đạt cho biết, cứ đúng 7 giờ các ngày từ thứ Ba đến thứ Năm mỗi tuần, anh em trong cơ quan tập trung tại hội trường để cùng đọc báo. Mỗi buổi có 3 cán bộ được phân công đọc báo cho toàn hội trường cùng nghe. Những người được phân công đọc báo có trách nhiệm tự mình tìm, kiểm tra những bản tin, bài viết sẽ đọc, sau đó thảo luận thống nhất và trình lãnh đạo duyệt. Nội dung trước hết ưu tiên tin bài liên quan đến địa phương, cấp huyện, cấp tỉnh; những mô hình hay có thể áp dụng hiệu quả tại địa phương, những thông tin liên quan đến các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân… Những tờ báo gần gũi nhất với cán bộ, công chức địa phương sẽ được ưu tiên lựa chọn để điểm tin như các Báo Quảng Nam, Nhân dân, Nông thôn ngày nay, Bản tin Thăng Bình… Đặc biệt, khi địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thì những vấn đề liên quan đến việc thực hiện các tiêu chí được ưu tiên tìm kiếm để điểm báo. Anh Đinh Phú Đạt chia sẻ: “Thời gian đầu được phân công trực đọc báo, bản thân tôi vẫn còn rụt rè, e dè, song bây giờ đã đọc tốt hơn, lưu loát hơn. Điều này giúp mình tự tin hơn trong công việc, nhất là trong giao tiếp hàng ngày”.
Để có nguồn tài liệu, xã Bình Nguyên đặt mua hằng ngày Báo Nhân dân và Báo Quảng Nam; còn đối với Tạp chí Cộng sản, Xây dựng Đảng thì đặt theo tháng. Ngoài ra, hàng tháng đều có Bản tin Thăng Bình và một số tạp chí khác. Ông Dương Ngọc Lân - Bí thư Đảng ủy xã Bình Nguyên cho biết, cơ quan dành ra 3 ngày giữa tuần để tổ chức đọc báo; còn ngày thứ Hai tổ chức hoạt động trực giao ban đầu tuần, ngày cuối tuần dành thời gian tập trung dọn dẹp vệ sinh cơ quan. Riêng đối với việc đọc báo, ai cũng cảm thấy rất thiết thực vì không chỉ nắm bắt được chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, mà còn trau dồi kiến thức trong cuộc sống hàng ngày, nắm bắt được tình hình chung, tích lũy thêm kiến thức chuyên môn cần thiết cho công việc. Bên cạnh đó, người được phân công trực đọc báo sẽ tập cho mình thói quen chỉn chu hơn; tự tin, lưu loát hơn trong giao tiếp với người dân. “Việc đọc báo đầu giờ các ngày từ thứ Ba đến thứ Năm hàng tuần đã được chính quyền địa phương duy trì hơn 10 năm qua. Bên cạnh đó, sau buổi đọc báo, nếu địa phương có vấn đề gì cần thực hiện có thể triển khai ngay, đỡ mất thời gian. Cùng với đó, việc phổ biến, trích dẫn các thông tin trên báo chí hàng ngày, kinh nghiệm thực hiện của các đơn vị khác sẽ nhanh chóng được phổ biến đến cán bộ, đảng viên. Và hiển nhiên những kinh nghiệm hay sẽ được phát huy tại địa phương”- ông Dương Ngọc Lân nói thêm. (GIANG BIÊN)
VẬN DỤNG “DÂN VẬN KHÉO”
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, những năm qua, Khối Dân vận Đảng ủy xã Bình Định Bắc đã tích cực tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo các hội - đoàn thể triển khai và nhân rộng nhiều mô hình “dân vận khéo” đạt kết quả tích cực, được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ. Như trên lĩnh vực kinh tế, với sự vào cuộc tuyên truyền, vận động của cán bộ, đảng viên, các hội đoàn thể... đã khơi dậy tinh thần lao động, sáng tạo của người dân, hội viên, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động. Có thể đến mô hình trồng nấm rơm của anh Trần Văn Tuân (ở tổ 6, thôn Xuân Thái Đông) thực hiện từ tháng 4 năm 2014, đến nay cho thu bình quân hằng tháng khoảng 60 triệu đồng; anh Tuân còn đầu tư mua sắm máy cày về phục vụ sản xuất cho nhân dân trong vùng. Với các hoạt động kinh tế của mình, anh Tuân đã giải quyết việc làm cho 5 lao động trong thôn với thu nhập mỗi tháng 3,5 - 4 triệu đồng/người. Hay cơ sở nhôm kính của anh Trương Anh Xuân (ở tổ 1, thôn Xuân An) đang giải quyết việc làm cho 2 thanh niên trong thôn với thu nhập hằng tháng 4 triệu đồng/người… Nhờ hiệu quả kinh tế mang lại, các chủ mô hình tích cực tham gia, đóng góp kinh phí ủng hộ hoạt động xã hội, hoạt động phong trào do Đoàn - Hội địa phương tổ chức. Ngoài ra, còn có nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả do Hội Nông dân xã phát động và vận động nhân dân hưởng ứng, như mô hình trồng tiêu, chăn nuôi bò nhốt chuồng... Để triển khai các mô hình này, cán bộ Hội Nông dân xã đến từng hộ khảo sát nắm tình hình và nguyện vọng của hội viên để lên phương án thực hiện. Hội còn phối hợp tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân, đứng ra tín chấp cho hộ nông dân vay vốn…
Một “đoạn đường tự quản” do Hội Nông dân xã Bình Định Bắc triển khai.Ảnh: KIM NGÂN |
Cùng với việc quan tâm xây dựng, nhân rộng những mô hình “dân vận khéo” trên lĩnh vực kinh tế, xã Bình Đình Bắc chú trọng ở lĩnh vực đời sống, văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng như mô hình “thu gom rác thải”, “con đường tự quản”, “quản lý, cảm hóa, giáo dục người vi phạm pháp luật”, “tiếng loa an ninh”, “khu dân cư không rải vàng mã khi đưa tang”… Trong đó, mô hình “thu gom rác thải” và “con đường tự quản” đã đem lại hiệu quả khá tốt. Thành công lớn nhất của mô hình “thu gom rác thải” là khi ban đầu ra mắt chỉ có 220 hộ ở 2 thôn Đồng Dương và Bình An đăng ký thực hiện, đến nay đã nhân rộng ra toàn xã. Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, mô hình đã tạo cho người dân thói quen tốt trong bảo vệ môi trường; từng con đường ngõ xóm được giữ gìn sạch đẹp, không còn tình trạng rác thải vứt bừa bãi… Hay như mô hình “con đường tự quản” do các hội - đoàn thể của xã phối hợp xây dựng và triển khai thực hiện tại những đoạn đường chính ở các thôn Xuân An, Đồng Dương, Bình An, Xuân Thái Đông, Xuân Thái Tây với chiều dài mỗi đoạn 1 - 3km. Khi thực hiện mô hình, các tổ chức hội - đoàn thể địa phương tổ chức họp dân vận động thực hiện tốt các quy chế đề ra, nhờ đó tình hình an ninh trật tự được giữ vững, hạn chế tai nạn giao thông, đảm bảo môi trường xanh, sạch, đẹp…
Ông Trà Tấn Thành - Phó Bí thư Thường trực, Trưởng khối Dân vận Đảng ủy xã Bình Định Bắc chia sẻ, tuy còn những khó khăn, hạn chế song các mô hình “dân vận khéo” ở địa phương đã đem lại những hiệu quả tích cực, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Đồng thời góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, thực hiện tốt các mục tiêu phát triển của địa phương. Trong thời gian tới, để phát huy hiệu quả các mô hình “dân vận khéo”, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác dân vận trong tình hình mới. Công tác dân vận cũng sẽ được tập trung hướng vào xây dựng nông thôn mới, khu dân cư kiểu mẫu…, góp phần làm thay đổi tích cực hơn nữa diện mạo, sự phát triển của địa phương. (KIM NGÂN)