(QNO) - Sau 2 tuần đàm phán, Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP-28) tại Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) kết thúc vào ngày 13/12 với thỏa thuận lịch sử.
Giảm dần nhiên liệu hóa thạch
COP-28 quyết định kéo dài thời gian đàm phán thêm vài giờ để tìm tiếng nói chung trong việc giảm nhiên liệu hóa thạch - nguyên nhân chính gây khí thải nhà kính.
Đây là lần đầu tiên nội dung cắt giảm nhiên liệu hóa thạch xuất hiện trong tuyên bố chung của COP khi gần 200 quốc gia tham gia COP-28 thông qua thỏa thuận lịch sử về khí hậu, khẳng định nhân loại khởi đầu của kỷ nguyên chia tay với năng lượng hóa thạch.
COP-28 đặc biệt kêu gọi chuyển đổi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng một cách công bằng, trật tự và hợp lý, qua đó tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Ông Sultan Al Jaber - Chủ tịch COP-28 gọi thỏa thuận này là lịch sử, chiến thắng của sự hợp tác và đoàn kết nhưng nhấn mạnh thành công thực sự của thỏa thuận nằm ở khâu hành động.
Tăng gấp ba năng lượng tái tạo
Hơn 130 quốc gia cam kết tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió...) trên thế giới lên 11.000GW so với 3.400GW hiện nay và tăng gấp đôi tốc độ cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng hằng năm vào năm 2030.
Liên minh Năng lượng tái tạo toàn cầu (GRA) cho biết cam kết thể hiện bước thay đổi của thế giới hướng tới một tương lai năng lượng sạch, an toàn và công bằng, là cách có tác động mạnh mẽ và tiết kiệm chi phí nhất để giữ cho thế giới tiếp tục hướng tới mục tiêu 1,5 độ C.
GRA khẳng định: "Các công nghệ năng lượng tái tạo hiện trưởng thành, có chi phí cạnh tranh và có thể được triển khai trên quy mô rất nhanh. Khi kết hợp với khả năng lưu trữ trong thời gian dài, hydro xanh và lưới điện thông minh, chúng mang lại một giải pháp linh hoạt và đáng tin cậy".
Ra mắt Quỹ tổn thất và thiệt hại
COP-28 chứng kiến sự ra mắt Quỹ tổn thất và thiệt hại, giúp các quốc gia dễ bị tổn thương đối phó với tác động ngày càng tốn kém và thiệt hại của thảm họa khí hậu.
Ông Sultan Al Jaber - Chủ tịch COP-28 thông báo quỹ cam kết 792 triệu USD. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mức 100 tỷ USD mỗi năm mà các quốc gia đang phát triển cho rằng cần thiết để bù đắp tổn thất do thiên tai và nước biển dâng.
Trong khi đó, Quỹ khí hậu xanh tập trung vào việc hỗ trợ các nước đang phát triển trong hành động về khí hậu nhận được khoản tăng thêm 3,5 tỷ USD cho lần bổ sung thứ hai với lời hứa trị giá 3 tỷ USD từ Chính phủ Mỹ.
Tương lai khỏe mạnh
Có 130 cam kết sản xuất lương thực bền vững khi đồng ý ưu tiên hệ thống lương thực và nông nghiệp trong kế hoạch khí hậu quốc gia. Hệ thống thực phẩm ước tính chịu trách nhiệm cho khoảng 1/3 lượng khí nhà kính do con người tạo ra.
Cạnh đó, hơn 140 quốc gia ký tuyên bố "đặt sức khỏe vào trung tâm của hành động vì khí hậu", kêu gọi các chính phủ tăng cường hành động đối với các tác động sức khỏe liên quan đến khí hậu như sóng nhiệt cao, ô nhiễm không khí và các bệnh truyền nhiễm.
Hơn 60 quốc gia cam kết giảm lượng khí thải của các thiết bị làm mát ngốn năng lượng - như máy điều hòa không khí và tủ lạnh ít nhất 68% trên toàn cầu vào năm 2050.
Quỹ đầu tư khí hậu của UAE
UAE cho biết đang đầu tư 30 tỷ USD vào Quỹ đầu tư khí hậu tư nhân mới có tên Alterra, tập trung một phần vào các dự án khí hậu ở các nước đang phát triển và hy vọng sẽ kích thích đầu tư với tổng trị giá 250 tỷ USD vào năm 2030.
[VIDEO] - Không khí bế mạc COP-28 (Nguồn: YouTube):