Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ năm 1964, không quân và hải quân Mỹ tăng cường đánh phá ven biển từ Quảng Ninh vào đến Vĩ tuyến 17. Trước tình hình này, nhằm tăng cường sức chiến đấu và mở thêm mặt trận trên không cũng như bảo vệ các mục tiêu trọng yếu, Bộ Quốc phòng quyết định gấp rút đưa Trung đoàn Không quân tiêm kích 921 về tham gia chiến đấu. Sáng sớm ngày 6.8.1964, hơn 30 chiếc MiG 17 xuất phát từ sân bay Mông Tự (Trung Quốc) hướng về sân bay Nội Bài (Hà Nội).
Cựu phi công Đặng Xây xem lại hình ảnh thời chiến của mình. Ảnh: XUÂN THỌ |
Trận không chiến đầu tiên Không quân Việt Nam sử dụng MiG 17 là vào ngày 3.4.1965. Ở trận này, trong số 4 phi công của biên đội tấn công - biên đội trực tiếp đánh với không quân Mỹ - có đến 2 phi công người Quảng Nam là Phạm Ngọc Lan và Hồ Văn Quỳ. Tiếc là khi chúng tôi thực hiện loạt bài này, sức khỏe của ông Phạm Ngọc Lan không được tốt và đang được gia đình chăm sóc ở Hà Nội. Tuy vậy, qua ký ức của cựu phi công Hồ Văn Quỳ, trận không chiến đầu tiên vẫn như mới diễn ra.
Nhớ mãi trận đầu
Thông tin tình báo gửi về, ngày 3.4.1965, không quân Mỹ sẽ đánh phá các mục tiêu quanh khu vực cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) với “đội quân” 79 máy bay. Sau khi phân tích mọi mặt, Bộ Tư lệnh giao nhiệm vụ chiến đấu cho 2 biên đội, trong đó biên đội dự bị gồm 2 chiếc MiG 17 có nhiệm vụ nghi binh, yểm trợ cho biên đội tấn công gồm 4 chiếc MiG 17 được lái bởi 4 phi công, trong đó vị trí số 1 là đội trưởng Phạm Ngọc Lan, còn phi công Hồ Văn Quỳ lái chiếc MiG 17 mang số 2312 ở vị trí số 3. Mệnh lệnh chiến đấu được phổ biến vào đêm 2.4.1965, đến rạng sáng hôm sau các biên đội vào vị trí trực sẵn sàng chiến đấu. “Đó là những phút giây nhiều cảm xúc. Bởi đây là trận đánh đầu tiên của MiG 17 nên cấp trên hạ quyết tâm phải thu được thắng lợi để tạo cú hích tinh thần cho ta và gây hoang mang cho địch” - ông Quỳ tâm sự.
Lúc 9 giờ 47 phút ngày 3.4.1965, biên đội nghi binh cất cánh. Một phút sau, biên đội tấn công cất cánh tham chiến. Phát hiện chiếc F8 số 2 của Mỹ đang công kích các mục tiêu dưới đất, biên đội trưởng Phạm Ngọc Lan lái chiếc MiG 17 ở vị trí số 1 yêu cầu biên đội chia thành 2 nhóm. Trong khi một nhóm (gồm chiếc số 1 và số 2) tìm cách hạ thành công chiếc F8 số 2, thì nhóm thứ hai (gồm chiếc số 3 và số 4) phát hiện mục tiêu là chiếc F8 số 4 của Mỹ nên phát đi thông báo xin công kích. “Tôi lái chiếc số 3 phối hợp cùng số 4 liên tục đuổi theo mục tiêu và bắn 2 loạt đạn, tiếc là do cự ly còn xa nên không hạ được, để cho đối phương thoát ra hướng biển. Sau đó còn chúng tôi hạ cánh theo yêu cầu của chỉ huy” - ông Quỳ nhớ lại.
Kết thúc trận không chiến đầu tiên của MiG 17, biên đội tấn công đã hạ được 2 chiếc F8 của Mỹ. Mặc dù không trực tiếp bắn rơi máy bay giặc, nhưng phi công Hồ Văn Quỳ cũng đã góp công lớn trong chiến thắng chung ấy, khi đã phối hợp rất tốt với đồng đội. Ông tâm sự rằng, đó là trận đánh mà ông nhớ nhất đến bây giờ, dù sau này ông còn nhiều trận ác liệt hơn, thậm chí là trực tiếp hạ máy bay địch.
“Người bay xuyên mây”
Kể từ sau trận không chiến đầu tiên của MiG 17 thu nhiều thắng lợi, ta phải thường xuyên đối mặt với những đợt tấn công điên cuồng của địch. Tình thế ấy, chúng ta phải tăng cường khả năng tác chiến của phi công. Bước tiến mới của Không quân Việt Nam đó là bay xuyên mây và hạ cánh ban đêm mà không cần đèn chiếu. Chính điều này về sau đã góp phần rất lớn trong thắng lợi của Không quân Việt Nam nói riêng, cách mạng Việt Nam nói chung. Và người đặt nền móng ấy là phi công Đặng Xây - nổi danh trong Không quân Việt Nam với cái tên “Người bay xuyên mây”.
Phi công Đặng Xây là một trong số ít người được đào tạo điều khiển máy bay mà phía trước chỉ toàn là mây hay bóng đêm. Đó cũng là chương trình huấn luyện cuối cùng của ông tại Liên Xô. Sau khi về nước năm 1968, ông vẫn tiếp tục tập luyện, đặc biệt tập hạ cánh bất cứ sân bay nào, hòng đề phòng địch đánh sân bay này sẽ hạ cánh sân bay khác. Mặc dù lúc này đang đình chiến, nhưng nguồn tin tình báo cho biết Mỹ ngụy sẽ “trở lại” với B52 - loại máy bay tối tân nhất lúc bấy giờ. Để đối phó, phi đội của ông Xây được điều về sân bay Nội Bài tăng cường huấn luyện bay đêm, đồng thời có giả lập để đánh với B52 Mỹ. Trước khi địch quay trở lại với B52 và điên khùng đánh phá miền Bắc năm 1972, cú hạ cánh không cần đèn chiếu vào năm 1969 ở sân bay Gia Lâm của phi công Đặng Xây như nâng một tầm cao mới của Không quân Việt Nam, qua đó giúp chúng ta tránh được khá nhiều tổn thất sau này. Năm đó, ông bay chiếc MiG 21 cất cánh từ sân bay Nội Bài. Không may bị tai nạn, máy bay buộc phải hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm. Nhưng lúc này không có nhân viên mặt đất để bật đèn chiếu nên ông buộc phải bay vòng cho đến khi sắp hết nhiên liệu thì quyết tâm hạ cánh. Từ cú hạ cánh thành công của ông, các phi công buộc phải thêm kỹ năng hạ cánh không cần dùng đèn chiếu để phù hợp với điều kiện chiến đấu. Và nó thật sự có hiệu quả trong Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không vào tháng 12.1972 tại Hà Nội.
XUÂN THỌ
----------------
Kỳ cuối: Ghi dấu ấn đặc biệt