Có những phi công xứ Quảng đã ghi tên mình vào các câu chuyện đặc biệt của lực lượng không quân...
|
Cựu phi công Lê Tiến Phước và tấm ảnh kỷ niệm thời trẻ của mình. Ảnh: XUÂN THỌ |
Dùng máy bay địch đánh địch
Cả đời là phi công nhưng chỉ có một trận được gọi là không chiến, tuy vậy cái tên Lê Tiến Phước (nay 86 tuổi, trú tại đường Lê Văn Huân, TP.Hồ Chí Minh) vẫn nằm trang trọng trong những trang sử của Không quân Việt Nam. Ông là trung đoàn phó đầu tiên của Trung đoàn Không quân 919 - trung đoàn không quân đầu tiên của Việt Nam. Sau này, khi vào miền Nam, ông là Trung đoàn phó Trung đoàn Không quân 918 - được thành lập trên cơ sở một nhóm phi công của Trung đoàn Không quân 919.
Sau khi vào quân ngũ tháng 10.1950, đến năm 1954 ông Phước rời quê hương Duy Thành (huyện Duy Xuyên) tham gia đánh trận ở đèo An Khê (Gia Lai), sau đó qua Kon Tum và tiếp tục chiến đấu cho đến khi tạm đình chiến theo Hiệp định Giơnevơ. Cuối năm 1954, ông tập kết ra Bắc công tác tại Sư đoàn 305 đóng ở Thanh Hóa. Sau đó, ông và một số người nữa được chọn đi học lái máy bay, nhưng sau lần kiểm tra lại ở Hà Nội chỉ còn mình ông đáp ứng các tiêu chí và được đưa sang Trung Quốc đào tạo. Sau đó ông được Bộ Quốc phòng rút về sân bay Cát Bi (Hải Phòng) làm công tác giảng dạy, vì lúc này đang cần giáo viên để đào tạo phi công trong nước. “Cuộc đời phi công của tôi chỉ có đúng một lần tham gia chiến đấu và bắn rơi máy bay địch, vì nhiệm vụ chính của tôi là giảng dạy, cải tạo các loại máy bay địch để lại” - ông Phước cho hay.
Kỷ niệm để đời Làm công tác huấn luyện được 2 năm, đến năm 1965, trước tình hình Mỹ tăng cường đánh phá Hải Phòng, phi công Nguyễn Ngọc Huân (quê ở thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc) được rút về Trung đoàn Không quân 919 ở Hà Nội, làm trưởng tiểu đội bay số 3 và lái máy bay An-2 của Liên Xô. Tham gia chiến đấu và huấn luyện nhiều, nhưng kỷ niệm mà ông nhớ nhất trong đời phi công của mình là chuyến bay thử nghiệm từ Hà Nội vào sân bay Đồng Nai mang theo chiếc xe dùng để chở quan tài bảo vệ thi hài của Bác Hồ. Đây là chiếc xe chống bom đạn mà Liên Xô tặng cho Việt Nam để đề phòng chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 lan rộng đến Hà Nội. “Mặc dù chỉ là bay thử nghiệm, nhưng với tôi đó là chuyến bay rất đặc biệt, rất thiêng liêng vì mình được chọn giao trọng trách lớn như vậy” - ông Huân xúc động kể. |
Về trận chiến đầu tiên và duy nhất của mình, ông Phước kể, đó là lần ông cùng đồng đội bắn hạ chiếc máy bay vận tải C-123 của Mỹ vào rạng sáng 15.2.1965. Lúc đó, ông cùng đồng đội trên chiếc máy bay T-28, loại máy bay 2 chỗ ngồi của Mỹ do một phi công phản chiến hạ cánh xuống sân bay Bạch Mai đầu hàng năm 1963, nên quân ta còn gọi là máy bay 963. Lần bay này, cả ông và người đồng đội ngồi trước đều rất hồi họp, bởi lần đầu thực hiện bay đối với chiếc máy bay sau nhiều cải tiến cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam lúc bấy giờ. T-28 vốn là máy bay cường kích, nhưng do lúc này ta chưa có tiêm kích, nên ông Phước và các đồng đội phải “chế” thêm bộ giữ và bắn 2 quả tên lửa ở phía dưới thân máy bay như các loại máy bay tiêm kích. Ông bảo, bắn hạ máy bay địch lần đó phần nhiều là do may mắn, vì khi nhìn thấy chiếc T-28, địch cứ tưởng là “cùng phe” nên không đề phòng.
Thu phục phi công đối phương
Cuối năm 1973, với quân hàm đại úy, là tiểu đội trưởng thuộc Trung đoàn Không quân 919, ông Phước dẫn đầu một nhóm phi công và thợ máy sang Trung Quốc để nhận 4 máy bay các loại IL-14 và Li-2 mà ta đưa sang đại tu trước đó. Thế nhưng phía Trung Quốc cứ nhùng nhằng giữ chân, mãi đến giữa năm 1974 mới bàn giao. “Vừa về đến sân bay Gia Lâm, chúng tôi tức tốc ngày đêm làm nhiệm vụ chuyên chở lương thực, thực phẩm, thuốc men, vũ khí, đạn dược vào sân bay Đồng Hới phục vụ chiến dịch” - phi công Lê Tiến Phước cho biết thêm. Sau này, ông làm nhiệm vụ hộ tống các máy bay tháp tùng nguyên thủ quốc gia như Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng…
Một trong những chuyện ông nhớ nhất là việc tiếp quản sân bay Tân Sơn Nhất sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng. Giữa tháng 5.1975, nhận lệnh từ Trung đoàn Không quân 919, ông làm trưởng đoàn gồm 40 người vào tiếp quản sân bay Tân Sơn Nhất. Đến nơi, ông chia nhóm thành 4 tổ lái để tiếp nhận máy bay của chính quyền Sài Gòn để lại. Trong đó, C-130 là loại máy bay rất hiện đại lúc bấy giờ và ta chưa thạo, thế là ông Phước nghĩ ngay đến việc thu phục phi công đối phương để nhờ họ hướng dẫn điều khiển bay. Nhưng mấy ngày liên lục, ông không tìm được ai, sau được một nhân viên cơ giới “chỉ điểm” ông mới tìm ra các phi công lái C-130.
“Đi tìm đã khó, thuyết phục họ còn khó hơn” - ông Phước nhớ lại. Lần ấy, ông tìm đến nhà một trung tá phi công của chế độ cũ tên Trác, hơn tuần lễ, thấy sự kiên nhẫn của ông Phước viên phi công này mới chịu gặp. Khi nghe ông Phước nói mục đích của cuộc gặp gỡ, ông Trác đưa ra điều kiện “không phải cải tạo xa nhà” mới đồng ý giúp phi công ta làm chủ C-130. Lúc này, ông Phước đem danh dự của mình ra hứa, nếu ông Trác thật sự quy thuận. Sau này, ông còn lặn lội tìm thêm phi công lái C-130 và C-47 nhằm hỗ trợ phi công Việt Nam làm quen với các loại máy bay hiện đại này, qua đó tăng cường sức mạnh đáng kể cho Không quân Việt Nam.
XUÂN THỌ