Hơn 20 năm trước, khi còn đang là sinh viên, Võ Văn Trường đã lộ ra là một người say thơ. Trường làm thơ mọi lúc mọi nơi: trên giảng đường, ở thư viện, giữa giấc ngủ chập chờn bụng dạ réo sôi vì đói trên giường tầng cư xá và cả khi khật khừ cùng bạn bè bên mâm rượu nghèo.
Bến sông quê. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Và thường là, trong những cơn say thơ nhiều khi đến vật vã ấy, Trường trở nên bốc đồng, khác hẳn cái dáng vẻ hiền lành đến ngơ ngác thường thấy. Trường có hẳn một “tuyên ngôn” thơ: “Những người đàn ông làm thơ/ Bên ngoài mưa bão, áo cơm/ Bên ngoài công danh, sự nghiệp/ Bên ngoài lọc lừa, dối trá, gian manh” (Uống rượu). Trường làm thơ bằng một trái tim, một tâm hồn mẫn cảm, đa đoan, cả nghĩ: “Nợ nần ta với người xa/ Nợ nần ta với mẹ cha sinh thành/ Bến quê mây liếp phủ tầng/ Phủi tay cho trót thêm lần vô tâm” (Tìm). Và, Trường từng có nhiều câu thơ như rệu rã bơ phờ mà sắc lẹm, dứt khoát: “Con sông đêm chảy tôi như khóc/ Mộng mị bầy chim thiên di tha phương chân trời/ Tha nỗi nhớ, hàng mi xanh ngày hạ/ Để chẳng bao giờ người nhớ buổi chia ly” (Thơ viết mùa giáng sinh).
Tập thơ “Miền cư xá”. |
Ra trường, gắn với nghề báo nhiều bận rộn, ít có khoảng trống mềm mại cho những mộng mơ viễn du, nhưng Võ Văn Trường vẫn làm thơ. Dịp kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam vừa rồi, anh đã ra mắt tập thơ riêng mang tên “Miền cư xá” (NXB Văn học, tháng 6.2017). Tập thơ được chia thành hai phần, gồm “Khúc xưa, khúc mưa” và “Nhắn những yêu thương”. Chia thì chia vậy nhưng lại có sự đan cài đến không còn ranh giới giữa những đắm đuối và da diết, tiếc nuối và hân hoan, gần gũi và xa ngái... Như mấy câu thơ sau, được xếp trong phần “Khúc xưa, khúc mưa” nhưng xem ra cũng không hề lệch nhịp nếu “biên chế” vào phần “Nhắn những yêu thương”: “Có một mùa đông, trái tim người đi lạc/ Bến vắng dòng sông, thương tiếng gót vân hài/ Thương bóng đổ, vầng trăng… vô ngã/ Người vội đành giã biệt nhau sao” (Không đề 3). Ngược lại, những câu thơ dưới đây được xếp vào “Nhắn những yêu thương” nhưng lại thấp thoáng những cơn mưa ký ức vừa ngọt ngào vừa đắng đót của “Khúc xưa, khúc mưa”: “Tôi vấp vào tôi, khu vườn đom đóm/ Mảnh trăng quê, sũng ướt hạ huyền/ Sũng ướt làn môi, đò giang, quá lứa/ Những giấc mơ, huyễn hoặc côn trùng/ Huyễn hoặc đêm, tuổi mùa chấp chới/ Tiền kiếp buồn, ngả ngớn một ly say” (Nghịch nước).
Dẫn “dài dòng” một chút như vậy để thấy, rằng thơ của Võ Văn Trường ở tập này, dù được “biên chế” thế nào đi nữa, thì vẫn chung một mạch nhịp đầy yêu thương, đầy nhớ nhung, thao thức, bồi hồi... Trường đã có những câu thơ rất thật, rất thơ về cha, về mẹ, về chị - những người đã gồng gánh toan lo khó nhọc để Trường được đi học và được làm người: “Mẹ chị ở quê, mùa nối mùa chân đất, dưa muối nỗi lo cưới, hỏi, đám, đình/ Ngày giỗ chạp đợi mấy em về, cứ ngóng nga ngóng ngẩn/ Thịt mua ráng thêm nửa cân hay bớt mấy bó hành/ Đời thường vẫn lo như phiên chợ trưa, như cơn mưa bất chợt/ Như câu hát “hết duyên” sao cứ vận vào/ Xưa kia của mẹ của bà, nay thì thêm chị… nỗi chiều buồn tênh” (Mẹ, chị ở quê). Thơ về quê hương của Trường cũng rất đẹp, chất chứa tình yêu tha thiết và chân thành: “Những tiếng rao mắc mưa chỉ đủ chìm vào gió/ Phố về khuya tâm thức thuở rêu buồn/ Thuở nhát chèo khua/ rớt vào đêm lõm bõm/ Tình ý tiền nhân... dòng chảy sông Hoài” (Đêm Hội An). Trường còn có những câu thơ thật đẹp về tình yêu đầu đời, về (những) người em trong mộng, về Huế và về một “miền cư xá” nhiều buồn vui: “Ta trở về miền cư xá ngày xa/ Nghe Huế mắt cay, buồn trong ô cửa/ Những dãy phòng trách cứ đứng nhìn ta…” (Gửi miền cư xá). Trường là người rất say đắm trong tình yêu, hễ yêu là yêu chí chết. Thơ tình của anh vì thế cũng rất đắm say; đôi khi tưởng chỉ buồn trách vu vơ mà đắng đót; tiếc nuối mà thể tất; lụy mà có vẻ an nhiên như không: “Này em, những con sông đã cuốn trôi tôi/ Đục khàn, ngọn tóc vu quy/ Đãi bôi bao nhiêu là cỏ/ Tôi ngồi lại chỗ tôi đi...”.
Và đâu chỉ có vậy, sau hơn 20 năm quăng quật cùng cơm áo, thơ của Võ Văn Trường vẫn giữ giọng xưa. Giọng xưa nhưng hình hài thì đã khác. Những “nhát cắt” của chữ trong thơ Trường dường như sắc hơn, ngọt hơn: “Tôi tiếng chuông vỡ ra rất vụn/ Ký ức trăng chùa Từ Đàm/ Say khướt/ Từ bi” (Mưa đêm). Sau mỗi “nhát cắt” ấy còn là, đã là những ngẫm ngợi miên man, hun hút: “Phố và quê với tôi giờ hai ngả/ Lấm bụi phồn hoa, nặng nợ cao dày/ Sống nhiều khi như thói quen phiên chợ/ Vội vã, tần ngần, đứng đứng, đi đi...” (Ngang phố heo may). Cứ thế, Trường bày mở tâm hồn mình bằng những câu thơ đẹp đong đầy nhớ thương, bằng những câu thơ hoang đàng mà hiền hậu, bằng những câu thơ riết róng mà dịu êm...
BẢO ANH