Ở độ tuổi U80 nhưng nhà thơ Thanh Thảo vẫn viết báo, viết văn, làm thơ và in sách đều đặn. Gần đây nhất, tập “Chân dung muôn màu” (NXB Văn Học - 2022) giới thiệu 52 chân dung văn nghệ sĩ bằng những bài viết ngắn gọn nhưng vẫn khắc họa sinh động những “gương mặt bạn bè” mỗi người một vẻ…
Những câu chuyện thú vị
Thanh Thảo là nhà thơ ham vui, ham chơi và thích ngao du đây đó. Ngay sau khi đất nước hòa bình thống nhất, từ miền Đông Nam Bộ ông lang bạt lên Tây Nguyên rồi xuống vùng đồng bằng duyên hải miền Trung, sau đó “hành phương Bắc” thăm lại những nơi ông từng có thời gian gắn bó trước khi đi B. Nhờ thế, Thanh Thảo có nhiều bạn bè văn nghệ ở khắp nơi. Ông túc tắc viết về họ rồi tập hợp in thành tập “Những chân dung muôn màu”.
Nhà thơ Vũ Đình Liên - tác giả bài thơ “Ông đồ” bất hủ, nhà thơ Tế Hanh - tác giả bài thơ nổi tiếng “Nhớ con sông quê hương”, được Thanh Thảo “khắc họa” bằng ngôn từ một cách chân thực và sinh động.
Tế Hanh “mắt mờ đục rồi không nhìn thấy gì nữa” nhưng ông vẫn “nhìn thấy” được bằng giác quan thứ sáu. Năm 1994, NXB Đà Nẵng có kế hoạch in “Tuyển tập thơ miền Trung thế kỷ 20” và mời Tế Hanh làm “chánh chủ khảo”, bố trí khách sạn ăn ở đàng hoàng. Ông không đọc được, chỉ nghe.
Thế nhưng ông lại “nhìn thấy” cô giám đốc khách sạn: “Buổi sáng cô mẹc (mặc) áo đỏ, buổi chiều cô mẹc (mặc) áo xanh đẹp ghê!”. Quả đúng như thế thật. Mọi người hết sức bất ngờ vì không biết “ông “nghe cái nhìn” hay “nhìn cái nghe” được sao?”.
Cao niên và thuộc thế hệ đàn anh là “Văn Cao, người của xã hội”, “Nhà văn Nguyễn Đình Thi… trả súng”, “Nhà thơ Khương Hữu Dụng cân… chữ”, “Nhà thơ Yến Lan “trung ẩn”, “Nhà thơ Trinh Đường say… thơ”… được Thanh Thảo phác họa khá tài tình, chính xác.
Văn Cao, tác giả “Tiến quân ca”, ông viết: “Một Văn Cao với thân hình gầy gò, mới 60 tuổi lưng đã hơi còng, nhiều lúc anh em xã hội đi cùng ông ngoài phố, cứ sợ ông bị “gió thổi bay mất” (…) lại là người bão quật không đổ”.
Hiểu được bao nỗi trầm luân cuộc đời của tác giả “Tiến quân ca”, ta mới thấy Thanh Thảo nhận xét về “người bão quật không đổ” cực kỳ chân xác và thâm thúy vô cùng.
Còn “Xuân Diệu… ăn” được Thanh Thảo kể, thời bao cấp ông đi nói chuyện thơ ở Hội An, được chính quyền địa phương thết đãi món đặc sản cao lầu. Nhà thơ Xuân Diệu lại xơi ngon lành hai bát.
“Có thời, do quan niệm nhà thơ phải nhỏ nhẻ, phải khảnh ăn, nên nhiều người cho rằng Xuân Diệu ham… ăn. Nhiều khi chứng kiến Xuân Diệu ăn, tôi thấy họ nói đúng. Chỉ có điều, Xuân Diệu chỉ ham ăn với phần ăn của mình thôi, không ham ăn phần người khác. Ham ăn như vậy thì có gì xấu, nhất là khi người ta thật lòng đãi mình?”.
Tình nghệ sĩ
Bạn bè văn nghệ cùng thế hệ chiếm dung lượng khá lớn trong “Những chân dung muôn màu”. Và hầu hết là những chuyện kể xảy ra từ thời bao cấp, “cơm áo không đùa với khách thơ”. Nghèo khó nhưng có bạn bè văn nghệ đến chơi, họ đều kiếm mồi kiếm rượu để gầy cuộc vui.
Có lần nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhảy xe đò từ Huế vào Đà Nẵng thăm Thanh Thảo, Thái Bá Lợi, Trung Trung Đỉnh… Rượu thì mua chịu. Nhưng còn mồi? Không có tiền, Thanh Thảo và Thái Bá Lợi đánh thó mấy lát thịt của bếp ăn tập thể đem về làm mồi nhậu, hể hả “nâng ly mừng hội ngộ”.
Có lần “bộ ba” gồm Thái Bá Lợi, Trung Trung Đỉnh và Thanh Thảo lên Tây Nguyên đi thực tế sáng tác. Đến Buôn Ma Thuột, “bộ ba” còn đúng một đồng đủ mua sáu trái bắp nấu để gặm. “Bộ ba” đi tìm Nay Nô - người dân tộc Êđê, “nhà văn của một… bút ký” rồi thôi không viết nữa.
Nay Nô dẫn bạn đến quán quen nhậu tá lả với “món cháo gà tống hạ”. Ai cũng thầm nghĩ Nay Nô “chơi ngon” chắc cuộc sống “khấm khá”, ai hay đó là bữa nhậu chịu, Nay Nô trả dần gần cả năm mới hết nợ. Ông gọi vui bữa nhậu chịu hôm đó là “tác phẩm xuất sắc” nhất đời văn của ông.
Cuộc sống thời bao cấp dẫu khó khăn nhưng bạn bè văn nghệ vẫn giúp đỡ lẫn nhau theo kiểu lá rách ít đùm lá rách nhiều. Trong tập “Những chân dung muôn màu”, Thanh Thảo kể chuyện nhà thơ Tạ Hữu Yên cho ông ứng tiền nhuận bút khi bản thảo còn chưa biên tập xong (Mượn… tiền nhà thơ Tạ Hữu Yên), bào chế “thuốc bổ rẻ vô hại” giúp Hàn Phi Quang, một tay “Sơn Đông mãi võ giang hồ khách” để kiếm ít tiền lời đi nhậu (Đánh đu với mãi võ Sơn Đông Hàn Phi Quang).
Ngoài ra, trong tập “Những chân dung muôn màu” còn có những chuyện kể nghiêm túc và thú vị về “Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết bằng… miệng”, “Nhà thơ Diệp Minh Tuyền… ca”, “Nhà thơ Ngô Thế Oanh… đi bộ”, “Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo… vỗ đàn”, “Hữu Thỉnh: Hết sức kiềm chế”…