Ngày 11.7, tại TP.Đà Nẵng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Quyết định của Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Ban Tài mậu Khu ủy Khu 5 vì có thành tích đặc biệt trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (giai đoạn 1960 - 1975).
Ban Tài mậu Khu ủy Khu 5 được thành lập ở chiến khu Trà My, là tên gọi chung của nhiều ngành tài chính, mậu dịch và ngân hàng ở Khu 5 thời chống Mỹ. Và các thế hệ trưởng thành sau chiến tranh, có lẽ ít ai biết được rằng, những người làm công tác tài mậu thời chống Mỹ cũng thực sự là những chiến sĩ xuất sắc, góp phần cho cuộc kháng chiến thành công...
Nơi đâu cũng là mặt trận
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Ban Tài mậu Khu 5 có 122 cán bộ, nhân viên hy sinh, trong đó có nhiều gia đình, người thân chưa tìm được hài cốt. Có hơn 200 người bị thương, có hàng trăm trường hợp bị nhiễm chất độc da cam, phát sinh nhiều bệnh tật, nhiều chị em đã không thể sinh con.
Ghi nhận thành tích đặc biệt xuất sắc của các thế hệ cán bộ, nhân viên Ban Tài mậu Khu ủy Khu 5, ngày 29.4.2021, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 635/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” tặng Ban Tài mậu Khu ủy Khu 5.
Cuối năm 1960, Ban Kinh - Tài Khu ủy Khu 5 (tiền thân của Ban Tài mậu Khu ủy Khu 5) được thành lập để chăm lo công tác Kinh tế - Tài chính - Hậu cần phục vụ công cuộc kháng chiến chống Mỹ ở địa bàn Khu 5.
Sau khi thành lập, Ban đã tham mưu cho Khu ủy, Thường vụ Khu ủy Khu 5 tạo lập và xây dựng ngành tài chính - hậu cần Khu 5 từng bước vững mạnh, bảo đảm phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ trên địa bàn.
Bám sát thực tiễn phong trào cách mạng ở Khu 5, Ban Tài mậu đã tham mưu Khu ủy và Thường vụ Khu ủy Khu 5 quyết định ban hành các chính sách, chế độ về tài chính - hậu cần kịp thời, nhất là chính sách, chế độ “Thu tại chỗ” nhằm huy động nguồn lực trong dân bằng mọi hình thức như “Thu lạc quyên”, “Thu đảm phụ nuôi quân” ở cả 3 vùng chiến lược: miền núi, nông thôn, thành thị.
Ban còn tham mưu ban hành chế độ thu “Đảm phụ nông nghiệp”, “Đảm phụ công thương nghiệp”, phát hành “Công phiếu nuôi quân”; vận động nhân dân, các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là đồng bào các dân tộc Tây Nguyên hăng hái tăng gia sản xuất.
Các chính sách, chế độ sản xuất tự túc, tự cấp, chính sách thu - chi tài chính, chế độ, tiêu chuẩn cho từng đối tượng thụ hưởng ngân sách, chính sách quản lý, sử dụng chiến lợi phẩm được Ban Tài mậu Khu 5 tham mưu phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của cuộc kháng chiến khốc liệt.
Còn nhớ, trong một cuộc gặp mặt do Bộ Tài chính phối hợp với Sở Tài chính các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên tổ chức tại Quảng Nam, nhiều cán bộ, nhân viên Ban Tài mậu Khu 5 chia sẻ, tuy không trực tiếp cầm súng chiến đấu, nhưng trong sự đánh phá ác liệt của địch, lực lượng Ban Tài Mậu Khu 5 cũng phải đối mặt nhiều mất mát, hy sinh. Cho nên, có thể nói rằng, với cán bộ tài mậu, nơi đâu cũng là mặt trận.
Bởi, dù tổ chức sản xuất trong hậu cứ họ vẫn có thể hy sinh vì bom mìn, hay thú dữ, sốt rét rừng, lũ quét... Rồi những chuyến lần tìm về cơ sở, nhất là ở khu vực đồng bằng, để thu gom lương thực, gùi hàng, cõng đạn, cán bộ, nhân viên tài mậu càng gặp nhiều hiểm nguy trước các cuộc tuần tra, vây ráp của địch...
Dù đối mặt với trùng trùng hiểm nguy, cùng với nhân dân ở những vùng mới giải phóng, đặc biệt ở Tây Nguyên và miền Tây các tỉnh, Ban Tài mậu Khu 5 đã góp phần nhanh chóng giải quyết tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm, hậu cần theo phương án “tạo hậu cần tại chỗ”, kết hợp chặt chẽ “hậu cần Quân khu” với “hậu cần nhân dân”.
Cơ quan dân chính “vừa công tác, vừa sản xuất”, quân đội “vừa đánh giặc, vừa sản xuất”. Ban Tài mậu bố trí cán bộ xuống vùng giải phóng, vùng tranh chấp vận động tổ chức “Thu lạc quyên”, “Thu đảm phụ nuôi quân”, “Đảm phụ nông nghiệp” và “Đảm phụ công thương nghiệp”, phát hành “Công phiếu nuôi quân”. Ở những vùng địch tạm chiếm, cán bộ Ban Tài mậu bám sát phong trào, tiếp tục vận động thu với hình thức “lạc quyên” bằng tiền, vàng, kể cả trâu, bò, hàng hóa...
Theo thời gian, Ban Tài mậu tổ chức mạng lưới hậu cần chặt chẽ, xây dựng và mở rộng mạng lưới mậu dịch, khai thông nguồn hàng từ vùng giải phóng, vùng địch tạm chiếm.
Mở các cửa khẩu, tổ chức các chợ ở vùng nông thôn mới giải phóng như cửa khẩu Tứ Mỹ, Kỳ Sanh, Kỳ Quế, Mộc Bài, Mỹ Sơn, Lộc Thành, Phú Thuận... (Quảng Nam - Đà Nẵng), Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Đức Phổ,... (Quảng Ngãi) để thu mua lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ cuộc kháng chiến.
Dũng cảm, kiên cường, vượt khó
Cùng với huy động nguồn lực từ hậu phương miền Bắc, cán bộ, nhân viên Ban Tài mậu Khu ủy Khu 5 bám sát địa bàn phụ trách để huy động các nguồn lực tại chỗ, vận động nhân dân vùng giải phóng và vùng tạm chiếm đóng góp tài chính cho cách mạng.
Mỗi cá nhân đã không quản ngại hiểm nguy, kịp thời tiếp nhận, quản lý, phân phối, bảo đảm nguồn tài chính trong những năm kháng chiến, đồng thời cung cấp lương thực, thực phẩm, tiền bạc, nhân lực cho Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam.
Bằng sự dũng cảm, tận tâm, tận tụy, cán bộ, nhân viên Ban đã tiếp nhận, bảo quản, cấp phát hàng trăm nghìn tấn lương thực, thực phẩm, quân trang, quân dụng, thuốc men, dụng cụ y tế từ Trung ương chi viện cho chiến trường Khu 5; mua và mang cõng hàng vạn tấn lương thực, hàng hóa, từ đồng bằng các tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Quảng Ngãi; nhận và vận chuyển lương thực, thực phẩm, quân trang, quân dụng, thuốc men... từ Tiểu ban chi viện ở sát biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia về căn cứ.
Để mua và vận chuyến được hàng hóa, cán bộ, chiến sĩ Ban Tài mậu Khu 5 không những phải chịu đựng gian khổ, ác liệt mà còn phải đánh đổi không ít xương máu. Không những thế, lực lượng của Ban Tài mậu Khu 5 còn phải tổ chức đánh địch trên đường vận chuyển hoặc khi địch xâm nhập kho hàng.
Trong cuộc gặp mặt cán bộ, nhân viên Ban Tài mậu Khu 5 thời chống Mỹ, ông Nguyễn Thảo - công tác tại Tiểu ban chi viện, tiếp nhận viện trợ từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam chia sẻ, người làm công tác tài mậu cũng hoạt động gian khổ và hiểm nguy như những chiến sĩ ngoài mặt trận.
Họ đi vận động quyên góp, móc nối cơ sở nhận hàng, nhận tiền, tăng gia sản xuất, thu mua, vận chuyển lương thực hàng hóa, thuốc men, tự bảo quản. Không để mất mát, tư lợi, không tham ô bớt xén của công. Có nhiều người gùi, cõng cả trăm ký gạo trên vai mà đành chịu đói, phải xin sắn khoai của đồng bào để ăn, vì đó là của tập thể.
Trải qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, bước chân những người làm công tác tài mậu ở Khu 5 đã in dấu khắp vùng, từ miền núi đến đồng bằng, từ vùng tranh chấp đến vùng địch chiếm..., gặp biết bao khó khăn, hiểm nguy. Xong, mang tinh thần người lính, họ luôn dũng cảm, kiên cường, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, bảo đảm hậu cần phục vụ cuộc kháng chiến ở chiến trường Khu 5, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.