Những chính sách bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ tại nơi làm việc

H.LY 14/03/2021 14:53

(QNO) - Yêu cầu về thời gian nghỉ ngơi cho lao động nữ, đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ mang thai và nuôi con nhỏ, xây dựng hạ tầng đáp ứng nhu cầu của lao động nữ... là những quy định mà lao động nữ nên biết khi tham gia vào thị trường lao động.

 

Lao động nữ mang thai được tạm hoãn hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Theo quy định tại Điều 35 và Điều 138 Bộ Luật lao động 2019, lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

Lưu ý, trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động thì phải thông báo cho người sử dụng lao động kèm theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi. Thời gian tạm hoãn do hai bên thảo thuận nhưng tối thiểu phải bằng thời gian do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định tạm nghỉ.

Doanh nghiệp không được đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với lao động nữ

Theo Điều 37 và Điều 137 Bộ Luật lao động 2019 quy định doanh nghiệp không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động nữ mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Nếu vi phạm quy định, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt: Phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc và phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 2 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động. Bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng khi sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ mang thai.

Không nghỉ trong ngày "đèn đỏ" sẽ được thêm tiền lương

Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Lao động 2019 về về điều kiện lao động và quan hệ lao động có hiệu lự từ ngày 1.2.2021 có nhiều quy định bảo vệ quyền lợi, an toàn của lao động nữ tại nơi làm việc. 

Theo Nghị định, lao động nữ trong thời gian hành kinh có quyền được nghỉ mỗi ngày 30 phút tính vào thời giờ làm việc và vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Số ngày có thời gian nghỉ trong thời gian hành kinh do hai bên thỏa thuận phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ nhưng tối thiểu là 3 ngày làm việc trong một tháng. Thời điểm nghỉ cụ thể của từng tháng do người lao động thông báo với người sử dụng lao động. 

Trường hợp lao động nữ có yêu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định thì hai bên thỏa thuận để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ.

Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ và thời gian làm việc này không tính vào thời giờ làm thêm của người lao động. 

Ngoài ra, lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;

Nếu lao động nữ có nhu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định thì người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu.

Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định tại điểm a khoản này, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ. 

Xây dựng hạ tầng đáp ứng nhu cầu của lao động nữ

Tại Nghị định 145/2020/NĐ-CP cũng yêu cầu người sử dụng lao động có sử dụng nhiều lao động nữ phải bố trí, xây dựng hạ tầng đáp ứng nhu cầu của lao động nữ, cụ thể phải có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc theo quy định của Bộ Y tế; Phòng vắt, trữ sữa mẹ. 

Nghị định quy định người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động. Trường hợp người sử dụng lao động sử dụng từ 1.000 người lao động nữ trở lên thì phải lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc.

Nghị định 145 khuyến khích người sử dụng lao động tổ chức, xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc hỗ trợ một phần chi phí xây dựng nhả trẻ, lớp mẫu giáo.

Nghị định còn quy định về giúp đỡ, hỗ trợ của người sử dụng lao động về chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho người lao động. Căn cứ điều kiện cụ thể, người sử dụng lao động xây dựng phương án, kế hoạch giúp đỡ, hỗ trợ một phần chi phí gửi trẻ tại nhà trẻ, lớp mẫu giáo đối với người lao động có con trong độ tuổi gửi trẻ, mẫu giáo bằng tiền hoặc hiện vật. Người sử dụng lao động quyết định mức và thời gian hỗ trợ sau khi trao đổi, thảo luận với bên người lao động thông qua đối thoại tại nơi làm việc.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những chính sách bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ tại nơi làm việc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO