Những cô gái can trường - Kỳ 2: Nữ du kích Bồ Mưng

NGUYỄN ĐIỆN NAM 18/07/2017 09:29

Trong cuộc đấu tranh vũ trang, những cô gái Điện Thắng cũng bắt đầu biết cầm súng đánh giặc là nhờ sau những ngày đồng khởi, phá kèm, được cán bộ đảng, thanh niên du kích dẫn dắt. Từ tuổi thiếu niên tham gia đội rồi vào đoàn, họ đã trở thành những chiến sĩ giao liên dũng cảm, những đội viên du kích quyết tử Nguyễn Văn Trỗi, những du kích mật, du kích tập trung. Có người ra Đà Nẵng vào biệt động thành. Có người từ làng ra đến xã, lên huyện, lên tỉnh, gia nhập đội quân chính quy chiến đấu trên các chiến trường. Có người thành cán bộ cốt cán lãnh đạo tổ chức đảng, lãnh đạo thanh niên, chỉ huy lực lượng vũ trang địa phương đánh địch…

Tin liên quan

  • Những cô gái can trường - Kỳ 1: Từ đội quân tóc dài
Tuổi trẻ hôm nay thắp nến tri ân liệt sĩ.
Tuổi trẻ hôm nay thắp nến tri ân liệt sĩ.

Như câu chuyện về các cô gái ở làng Bồ Mưng. Thật lạ, ngôi làng này đã sản sinh ra nhiều cô gái trong khoảng 1951-1952 đều sớm tham gia kháng chiến. Trong đó, có 7 cô gái được anh Nguyễn Văn Đảm - Bí thư Đảng ủy xã Điện Thắng dìu dắt vào đoàn thanh niên, với những cái tên góp lại thật ý nghĩa: Bửu, Cùng, Bạn, Chung, Hào, Lai, Láng (và cũng đều là họ Nguyễn). Các cô gái đều tham gia cách mạng khi tuổi vừa lên mười, làm giao liên, tham gia đội thiếu niên quyết tử, hoặc làm cán bộ đoàn đội, làm công tác đảng như chị Bửu, từ Bí thư Chi đoàn Bồ Mưng, rồi vào Đảng ủy viên, Trưởng ban Binh vận xã và được rút về Binh vận huyện; Nguyễn Thị Cùng tham gia cách mạng từ thời thiếu niên, vào đoàn rồi làm Bí thư Chi đoàn, Phó Bí thư rồi Bí thư xã đoàn, sau được bầu vào Ban chấp hành Huyện đoàn. Bạn, Lai, Láng đều tham gia du kích mật, du kích tập trung, từng đi dân công, gùi đạn phục vụ chiến trường. Cả ba đều trụ bám vùng ven cho đến năm 1974 khi địch khui hầm bí mật tại Bồ Mưng đã cùng đồng đội nhảy lên khỏi hầm anh dũng chiến đấu, Bạn hy sinh; Lai, Láng bị địch bắt cầm tù. Còn Chung từ du kích mật, đoàn viên, đảng viên đi dân công vận chuyển, cứu thương binh, làm Bí thư chi bộ rồi phụ trách Xã đội phó, hy sinh năm 1974. Hào là đoàn viên du kích mật, du kích tập trung, y tá xã đi học lớp nâng cao ở căn cứ thì bị địch phục kích và hy sinh năm 1974.  

Như vậy, trong 7 cô gái Bồ Mưng đã có 3 người hy sinh trong chiến tranh (Bạn - Chung - Hào); hòa bình còn sống 4 người (Bửu - Cùng - Lai - Láng) nhưng đều mang trên mình những vết thương nhức buốt. Do trong quá trình hoạt động, Bửu bị địch bắt tra tấn đánh đập, lần bị thương nặng mất một chân, lại nhiễm chất độc hóa học nên đã ra đi vĩnh viễn vào năm 1987. Lai có chồng cũng là một chiến sĩ du kích gan dạ là anh Nguyễn Lượng Chạy. Anh Chạy bị địch bắt tra tấn, sau đổ bệnh qua đời để lại 3 con. Nay cuộc sống của chị Lai và Láng đều rất khó khăn. Người có vẻ hanh thông một chút trên đường sự nghiệp và hạnh phúc gia đình là Nguyễn Thị Cùng, nhưng đến giờ vẫn mang những nỗi đau thầm lặng vì ký ức chiến tranh đôi lúc trở về ám ảnh, nhất là câu chuyện về những đồng đội hy sinh. Nguyễn Thị Cùng tham gia cách mạng, gắn bó với phong trào đoàn Điện Thắng suốt hơn 10 năm trong giai đoạn chống Mỹ. Được sự tín nhiệm của tổ chức nên Cùng tham gia giữ đường dây qua Bồ Mưng, năng nổ tổ chức thanh thiếu niên vào các đội du kích tập trung, đội du kích quyết tử, được Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Đảm rất tin cậy. Nguyễn Thị Cùng nhiều lần tổ chức cho thanh niên du kích tiếp tế cho bộ đội, khiêng thương, tải đạn. Ai bị thương hay hy sinh, Cùng đều cố tìm bằng được, có lần cứu thoát anh Nguyễn Minh Hòa, cán bộ trinh sát và trợ lý quân báo của Huyện đội, trong một trận thập tử nhất sinh. Nhiều lần, Cùng chứng kiến rồi ghi mãi trong tâm trí như sự hy sinh của Bạn trong đợt bị chỉ điểm khui hầm. Trận đó diễn ra vào tháng 6.1974, Cùng và Bạn, Lai, Láng, Bảy Mì, Mười Hạnh, Bưởi và anh Đỗ Như Oai phải bật tung lên đánh trả địch trong thế bị bao vây. Anh Oai và Bạn bị thương nặng, địch khiêng lên đường số 1, sau đó cả hai cự tuyệt không khai và chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Chuyến đó, Cùng và 3 đồng đội chạy bán sống bán chết về hướng Điện Ngọc, được du kích ở đó chi viện kịp thời, nếu không thì…

Chi đoàn thanh niên Bồ Mưng còn có các cô gái khác như Nguyễn Thị Cúc, Nguyễn Thị Sáu, Nguyễn Thị Tám (Ngại), Nguyễn Thị Chín, Nguyễn Thị Điểm, Nguyễn Thị Hai, Nguyễn Thị Ngữ, Phạm Thị Mười đều tham gia hoạt động cách mạng với nhiều công việc, từ giao liên hợp pháp, đến du kích mật, du kích tập trung, đi dân công phục vụ chiến trường. Trong số đó nhiều người bị địch bắt cầm tù tra tấn chết đi sống lại, tàn tật đến nỗi khi về lại cuộc sống đời thường sau cuộc chiến phải chịu cảnh đơn thân gối chiếc, bệnh tình triền miên. Riêng Phạm Thị Mười, quê ở Điện Nam, theo gia đình lên ở Bồ Mưng, được Nguyễn Thị Cùng đưa vào đội du kích, được kết nạp đoàn. Mười là chiến sĩ dũng cảm, mưu trí, tham gia nhiều trận đánh táo bạo. Mười thùy mị có giọng hát mượt mà truyền cảm nhưng chiến đấu rất ngoan cường. Vào một đêm cùng đồng đội vượt đường 1 về họp bàn công tác, là xã đội phó, Mười nhận lãnh nhiệm vụ đi dò đường thì bị địch phục kích ở Gò Bứa. Mười đã bị viên đạn thù xuyên qua tim nhưng vẫn cố thoát đến một bờ tre rồi hy sinh trong tư thế ngồi ôm khẩu súng sẵn sàng nhả đạn. Đồng đội đi tìm và đưa Mười về yên nghỉ trong lòng đất  Điện Thắng, cách không xa khu vườn của mẹ Mười. Tuổi 17 của một người con gái đã vĩnh viễn hóa thành mây trắng.

_______
Kỳ cuối: Đi qua “dao cắt lửa nung”

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(Ghi theo lời kể của bà Nguyễn Thị Tân, Nguyễn Thị Cùng - cán bộ đoàn, du kích xã Điện Thắng thời kháng chiến chống Mỹ)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những cô gái can trường - Kỳ 2: Nữ du kích Bồ Mưng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO