Những cơn khát

LÊ THANH 19/03/2020 09:28

Các phóng sự ảnh về đồng bằng sông Cửu Long những ngày này, thật khiến người ta phải sợ hãi. Những mặt ruộng nứt nẻ, những dòng kênh trơ đáy, những đồng lúa chết khô, và hàng dài người dân xếp hàng nhận từng can nước ngọt cứu tế… Cái khát, cái đói đang hiện hình trên vùng đất được mệnh danh là vựa lúa của đất nước.

Rồi đây, ngày sắp tới, ở tầm vĩ mô là khủng hoảng an ninh lương thực quốc gia, khủng hoảng di dân tỵ nạn, hay sự tiêu diệt một nền văn hóa vùng miền đặc trưng… cho tới việc có nước ngọt cho sinh hoạt hàng ngày, mỗi điều đều đặt một nan đề chưa lần ra đáp án.

Từ hàng mươi, hai mươi năm qua, đã có nhiều dự báo về viễn cảnh này, bởi tính chất dễ tổn thương của vùng Cửu Long trong xu hướng biến đổi khí hậu, cộng thêm những tác hại do con người gây ra trên suốt dòng chảy của Mê Kông, dòng sông làm nên các đặc tính truyền thống của miền Tây Nam Bộ. Nay thì không còn là viễn cảnh nữa, bao nguy cơ đã lừng lững trước mắt. Làm sao xua nổi cơn khát của người, của đất?

Đối diện với cảnh huống này, các diễn đàn hàn lâm vẫn đang tranh luận về nguyên nhân, rằng điều quyết định là do biến đổi khí hậu - nước biển dâng, mùa mưa nắng thất thường - hay do sự can thiệp vào dòng chảy ở các đập thủy điện thượng nguồn? Hẳn là sự xác định nguyên nhân đúng sẽ góp phần vào kiến tạo giải pháp phù hợp. Nhưng đây không phải là một chủ đề nhất thời. Dẫu cái nguyên do thế nào thì sự ứng phó cũng phải là chiến lược chứ không phải giải quyết sự vụ trước mắt.

Ở khía cạnh này, người ta có thể lần lại lịch sử vấn đề và đặt một câu hỏi lớn: thời gian qua, các chiến lược quốc gia dành cho Đồng bằng sông Cửu Long đã phản ánh đúng tầm nghiêm trọng của vấn đề hay chưa? Thậm chí ngay trong tình huống xem là cấp bách hiện nay, những quyết sách nào đang được thực hiện, và hiệu quả như thế nào, kỳ vọng ra sao?... Dư luận chỉ có thể hỏi, những tin tức cập nhật trên báo chí quả là không đủ để giải đáp trong muôn một!

Đại dịch Covid-19 đang hoành hành, Chính phủ và người dân đang đối diện với mối lo sát sườn, thiết thực hơn, có lẽ vậy. Nên mối an nguy của chín dòng sông cạn và hai chục triệu đồng bào nơi đây phần nào bị che lấp.

Tuy nhiên, dịch bệnh ghê gớm thế nào rồi cũng sẽ qua, sẽ thở phào và trở lại guồng sống như thường lệ. Riêng cơn khát ở miền Tây hôm nay sẽ không đi qua mà không để lại di chứng, không bộc lộ thêm những khó khăn mới. Hậu quả về kinh tế, xã hội chắc chắn không dễ khắc phục, thậm chí có khắc phục được không vẫn là một câu hỏi mở.

Về điểm này, dư luận không thể đóng vai trò như trong cuộc phòng chống dịch cúm. Nó đòi hỏi cách tiếp cận nghiêm túc, mạnh mẽ từ phía kiến tạo chính sách quốc gia. Dù có lẽ muộn, nhưng đâu thể vì muộn mà bỏ qua, mà ơ hờ, mà không cuống chân lên như cuộc chống dịch những ngày này?

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những cơn khát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO