Những con sông trong thành phố

XUÂN HIỀN 10/07/2022 08:35

Gần như một mặc định của phát triển, từ cả quá khứ xưa xa đến hiện tại, về mặt quy hoạch đô thị, các thành phố đều lấy con sông làm trục chính. Và cả trong chừng mực của ký ức cư dân đô thị, những con sông hình như đều thành cội nguồn của những thành phố...

Những dòng sông trong đô thị được nhìn nhận là “khoảng thở” cho dân cư bản địa. Ảnh: L.Q
Những dòng sông trong đô thị được nhìn nhận là “khoảng thở” cho dân cư bản địa. Ảnh: L.Q

Chính vị thế của dòng sông từ cả ở góc nhìn địa - văn hóa đến câu chuyện xây dựng đô thị cho tương lai, nên mới có hàng loạt diễn đàn, hội thảo xuyên suốt thời gian qua. Cùng với những khơi mở về mặt quy hoạch ngõ hầu định vị đặc trưng của đô thị ven sông, một “khoảng thở” cho phố từ dòng sông cũng là điều cần được đặt lên bàn tính toán.

Ký ức sông

Người Tam Kỳ và khu vực lân cận sẽ không thể nào quên những ký ức về đò dọc Trường Giang, vốn dĩ là con sông chảy song song với bờ biển. Tôi gần như thuộc làu một đoạn bút ký lấp lánh kỷ niệm mà nhà văn Nguyên Ngọc truyền tải đến bạn đọc.

“Sông Trường Giang của chúng tôi, nó chảy từ một cửa biển này sang cửa biển khác, nối Cửa Đại Hội An với Cửa Lở và cửa Đại Áp, tức cửa Chu Lai bây giờ, nơi Lê Thánh Tông từng giấu hàng vạn chiến thuyền chuẩn bị đi đánh Đồ Bàn của Chămpa hồi thế kỷ XV. (...)

Hai bên sông ngày trước rộn rịp hàng loạt chợ trù phú. Quế Trà My lừng danh và cả lâm sản quý của Tây Nguyên mà Christoforo Borri khi tới Quảng Nam mấy trăm năm trước từng kinh ngạc, đều được chở từ núi xuống Tam Kỳ, rồi theo Trường Giang mà về cảng thị Hội An”. 

Trong ký ức của những cư dân sống lâu đời ở phố thị ngã ba sông này, một vệt di chỉ sông - phố từng tồn tại rất lâu, như chỉ dấu của những nhộn nhịp bến sông mà đô thị này may mắn có được.

“Ở một không gian không quá rộng lớn của các phường Hòa Hương, Phước Hòa, có miếu Thất phái tiền hiền, dinh Bà dinh Ông, khu phố người Hoa, bến chợ Vạn… Trong quá khứ, bến chợ Vạn này khá sôi động, ghe bầu từ Kỳ Hòa lên, từ Cù Lao Chàm vào. Trước năm 1960, tôi vẫn còn thấy những khu nhà phố sầm uất. Ở khu phố người Hoa, có 2 thương gia giàu nhất là chủ buôn cau, quế. Nhưng từ sau năm 1975, phố dần thưa thớt, kiến trúc cũ cũng không còn” - một nhà thơ gợi chuyện.

Bài toán khó trong quy hoạch đô thị

Một buổi chiều chúng tôi cùng ngồi trên thuyền xuôi theo dòng Hoài giang, nhìn những dãy phố cổ soi xuống bóng nước. Có lẽ với Hội An, dòng sông Hoài chảy trong thành phố, là định vị để đô thị này theo đó mà phát triển những không gian văn hóa theo hướng của đô thị sông nước.

Như chính những nghiên cứu của Giáo sư Trần Quốc Vượng, rằng phần cốt lõi của một đô thị cổ Việt Nam bao giờ cũng nằm gói gọn trong một tứ giác nước và do vậy, những cửa ô thành phố đều là những ngã ba sông.

 

Và Hội An là phức hệ sông chằng chịt ở vùng cửa biển, cũng là phức hệ cồn bàu ven biển. Do đó, Hội An có một hệ tầng văn hóa đa dạng và Hội An là vùng đất của bản sắc văn hóa gắn với cửa sông cửa biển. Những nếp sống vì thế cũng mang tính chất mở của vùng đất đặc biệt. Phố bên sông như mô hình của đô thị cổ này đã cho thấy câu chuyện phát triển mạnh mẽ của việc lấy dòng sông làm trục phát triển. 

Những thành phố ghi tên mình trên bản đồ là những nơi chốn đáng sống, hình như đều gắn với những dòng sông. Cả trên thế giới lẫn những địa danh trong nước, đô thị ven sông gần như là chốn lý tưởng khơi mào nên những câu chuyện phát triển. Chính Trường Giang trong toan tính của chính quyền địa phương sẽ là “xương sống” trong phát triển kinh tế vùng Đông Quảng Nam.

Quy hoạch lòng sông, hai bên bờ sông này đang từng bước được thực hiện. Mạch định hướng phát triển này đã nhiều lần được báo chí nhắc tới. Người dân phía nam xứ Quảng chờ đợi một không gian cảnh quan ven sông, với những “khoảng thở” và góc trời hoài niệm của họ được tôn trọng, bảo lưu. Tất nhiên, những cơ hội, sinh kế bên bờ sông, đầu tiên phải dành cho cộng đồng bản địa. 

Không gian bờ sông đô thị cần thiết phải là không gian công cộng. Việc tái thiết các không gian bờ sông nhất định phải là các trung tâm cộng đồng, theo như nhận định của các kiến trúc sư.

Bên cạnh đó, khai thác quỹ đất ven sông cần dành chỗ để các hoạt động cộng đồng mang tính bản sắc của địa phương có cơ hội thể hiện. Những dự án về đô thị, đặc biệt liên quan đến dòng sông, vốn dĩ luôn là địa hạt nhạy cảm.

Làm thế nào không chặn lấp những ưu đãi của thiên nhiên dành cho đô thị, giữ dòng sông là vùng đệm khí quyển, là khoảng thở cho cư dân, là chốn mà mọi công dân đều có đặc quyền tận hưởng, nhưng cũng đồng thời là nơi định hình trục phát triển, nơi thu hút đầu tư cho đô thị? Một bài toán chưa bao giờ dễ dàng với câu chuyện quy hoạch, xây dựng đô thị...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những con sông trong thành phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO