(QNO) - Olympic Tokyo 2020 chứng kiến sự phô diễn sức mạnh công nghệ choáng ngợp.
Cảm biến đo thời gian, độ cao
Trong điền kinh, bơi lội và các môn thể thao nói chung, đồng hồ đóng vai trò quan trọng để xác định người chiến thắng. Hãng đồng hồ Omega của Thụy Sĩ đã sử dụng các cảm biến nhỏ đặt trên áo của tất cả vận động viên để thu thập và phân tích 2.000 bộ dữ liệu mỗi giây, bao gồm cả vận tốc và gia tốc nhằm cho ra kết quả chính xác nhất.
Ngoài ra ở các môn khác như bóng chuyền bãi biển, thể dụng dụng cụ, Omega sử dụng một máy ảnh có tính năng AI (trí tuệ nhân tạo) để đo độ cao khi khởi động và nhảy của cầu thủ. Omega cho biết toàn bộ dữ liệu thu thập được sẽ chia sẻ cho các vận động viên, huấn luyện viên để phát triển các chương trình đào tạo trong tương lai.
Tính toán hiệu suất
Công ty Hawk-Eye Innovations (Anh) sử dụng camera giám sát để ghi lại chuyển động của quả bóng trong môn quần vợt với độ chính xác cao cho dù bóng rơi trong hay ngoài sân, từ đó tính toán hiệu suất thi đấu của các vận động viên và giúp trong tài đưa ra quyết định chính xác.
Trong môn bóng chày, Công ty TrackMan của Đan Mạch giúp các cầu thủ của đội Nhật Bản nâng cao thành tích thông qua việc xác định và thu thập dữ liệu về các cú ném và cú đánh của cầu thủ. Công nghệ này tương tự như các công nghệ được sử dụng trong radar trên không của quân đội để theo dõi tên lửa, máy bay.
Theo dõi sức khỏe
Các công nghệ kỹ thuật số cũng được áp dụng trong việc theo dõi thể trạng của vận động viên. Ứng dụng quản lý sức khỏe One Tap Sports do Công ty Euphoria (Nhật Bản) phát triển đã được hơn 45% vận động viên Nhật Bản sử dụng.
Hằng ngày, các vận động viên cung cấp tình trạng sức khỏe, chấn thương, chế độ ăn và quá trình tập luyện. Dữ liệu sau đó được biểu đồ hóa và đánh giá bởi các huấn luyện viên và chuyên gia dinh dưỡng.
Lưu trữ đám mây
Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Alibaba đã tạo ra Alibaba Cloud Pin, một cơ sở dữ liệu kỹ thuật số lưu trữ đám mây dành cho các nhân viên truyền thông, cho phép trao đổi thông tin về các hoạt động hàng ngày mà không cần tiếp xúc trực tiếp để tránh sự lây lan của Covid-19.
Alibaba cũng đang hợp tác với Intel (Mỹ) để lưu trữ dữ liệu theo dõi vận động viên, sử dụng AI để phân tích video của các vận động viên và tạo ra các mô hình ba chiều qua đó giúp vận động viên cải thiện thành tích.
Xe tự lái và robot
Nhà sản xuất ô tô Nhật Bản Toyota đã đưa vào vận hành những chiếc xe e-Palette tự lái (với sự giám sát của con người) có gắn cảm biến LiDAR để phát hiện vật thể, con người và chướng ngại vật trên đường đi. Xe chạy bằng năng lượng hydro, phạm vi hoạt động khoảng 150km, đạt tốc độ 19km/h và có thể chở tối đa 20 người hoặc 4 người ngồi xe lăn mỗi chuyến.
Robot với đủ hình dáng và kích thước cũng xuất hiện khắp nơi với những nhiệm vụ đa dạng, từ chào đón các đoàn thể thao hay thu hồi các cây lao cho vận động viên thi đấu ném lao cho đến vận chuyển đồ ăn, thức uống. Các robot đều được trang bị camera có khả năng nhận diện biểu cảm khuôn mặt và có thể phản hồi bằng cách gật đầu, bắt tay hoặc nháy mắt.
Nhận dạng khuôn mặt
Những người đến Nhật Bản trên các chuyến bay của ANA, Swiss International Air Lines và Lufthansa đã được trải nghiệm công nghệ nhận dạng khuôn mặt để thực hiện thủ tục nhập cảnh với độ chính xác 99,9%.
Công nghệ do công ty của NEC phát triển chính xác đến mức không yêu cầu xuất trình hộ chiếu hay thậm chí là vé máy bay và người dùng có thể được nhận diện ngay cả khi đeo khẩu trang. Việc phân tích dữ liệu sinh trắc học, đặc biệt là quét mắt, chỉ mất một giây.
Phát sóng 5G và độ phân giải 8K
Các công ty Cisco, NTT docomo và Intel đã hợp tác với Ủy ban Olympic Quốc tế để cung cấp cơ sở hạ tầng mạng internet 5G cho Olympic 2020. Dựa trên bộ xử lý Intel Xeon, mạng internet này cho phép kết nối 42 địa điểm thi đấu.
Đặc biệt, nhờ đường truyền mạnh mẽ, bất kỳ ai ở Nhật Bản cũng có thể theo dõi Thế vận hội ở độ phân giải hình ảnh 8K (gấp 16 lần so với độ phân giải Full HD và gấp 4 lần so với ti vi 4K) trên kênh BS8K của đài truyền hình NHK.
“Thế vận hội Hydro”
Theo Euronews, Olympic Tokyo 2020 được mệnh danh là “Thế vận hội Hydro” khi Nhật Bản cho thấy tính ứng dụng của loại nhiên liệu được xem như nhiên liệu của tương lai bởi tính chất “sạch và nhẹ” của nó.
Lần đầu tiên trong lịch sử, ngọn lửa Olympic được thắp bằng khí hydro và không tạo ra CO2. Điện được sử dụng để tạo ra hydro đến từ một mảng năng lượng mặt trời ở tỉnh Fukushima - nơi từng hứng chịu thảm họa hạt nhân.
Năm 2017, Nhật Bản là một trong những quốc gia đầu tiên áp dụng chiến lược quốc gia về hydro và Chính phủ nước này đã tăng gấp đôi số nghiên cứu và phát triển liên quan đến hydro lên gần 300 triệu USD trong 2 năm tính đến năm 2019. Thông qua Olympic, Nhật Bản hy vọng có thể để lại “di sản” và “nguồn cảm hứng” cho thế giới về việc tăng cường sử dụng năng lượng hydro.