Những công trình nước sạch tiền tỷ "đắp chiếu"

ĐOÀN ĐẠO 16/07/2017 15:49

(QNO) - Ba công trình nước sạch tiền tỷ thuộc 2 dự án nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của Chính phủ tại các xã miền núi của Núi Thành đã bị mất công năng ngay từ khi đưa vào sử dụng. Điều này gây bức xúc trong nhân dân về sự lãng phí tài sản nhà nước, trong khi hàng trăm hộ dân thì đang khát nước sạch.

Nhiều dự án cung cấp nước sạch được đầu tư tiền tỷ nhưng rồi không thể sử dụng được tại huyện Núi Thành. Ảnh ĐOÀN ĐẠO
Nhiều dự án cung cấp nước sạch được đầu tư tiền tỷ nhưng rồi không thể sử dụng được tại huyện Núi Thành. Ảnh: ĐOÀN ĐẠO

Nghiệm thu rồi... ngưng hoạt động

Chỉ tay về phía đường ống dẫn nước đã hư hỏng trước ngõ, bà Nguyễn Thị Kim Lâm (xóm 3, thôn Tịnh Sơn, xã Tam Mỹ Tây) bảo: “Mấy năm rồi có dùng được giọt nước sạch nào đâu. Hồi tháng 8.2012, thấy nước sạch đã chảy lúc thử nghiệm, vì nhu cầu bức thiết quá gia đình tôi thuê thợ, mua ống nước, đồng hồ đo nước về đấu nối vào hệ thống để sớm có nước sạch dùng. Nhưng đấu nối xong thì không có nước nữa, chỉ nghe nói là do đường ống bị hư và ngưng hoạt động”. Theo bà Lâm, người dân Tịnh Sơn rất cần nước sạch bởi trong thôn có nhiều người chết vì chuyện ung thư mà nghi ngờ từ việc dùng nước không đảm bảo vệ sinh. Chính vậy, khi hệ thống nước sạch không hoạt động người dân rất hụt hẫng, đành tự bỏ tiền ra mua các máy lọc nước gia đình để lấy nước uống hằng ngày.

Theo ông Phan Văn Bá - Trưởng thôn Tịnh Sơn, thôn có khoảng 250 hộ dân, đều có nhu cầu nước sạch nên rất ủng hộ khi có dự án xây dựng hệ thống nước sạch tại thôn. “Hồi mới đưa vào nghiệm thu thì vẫn có nước nhưng sau đó hệ thống lại gặp trục trặc liên tục nên ngưng hoạt động luôn. Vừa rồi, nghe huyện đi khảo sát lấy ý kiến nhân dân để khôi phục lại hệ thống thì bà con cũng đồng tình và mừng lắm. Nhưng không biết khi nào mới khắc phục lại, tôi đã tuyên truyền bà con là cố gắng đợi” - ông Bá nói.

Gần 5 năm bị bỏ hoang giếng bơm của công trình nước sạch tại thôn Tịnh Sơn (xã Tam Mỹ Tây) bị hư hỏng phần lớn. Ảnh: ĐOÀN ĐẠO
Gần 5 năm bị bỏ hoang, giếng bơm của công trình nước sạch tại thôn Tịnh Sơn (xã Tam Mỹ Tây) bị hư hỏng phần lớn. Ảnh: ĐOÀN ĐẠO

Tương tự, tại thôn Trường Thạnh (xã Tam Thạnh), hệ thống nước tự chảy đã xong các hạng mục đập dâng, bể lọc, bể chứa, tuyến ống vào tháng 12.2012. Nhưng chỉ vài ngày sau khi đơn vị chủ đầu tư bàn giao cho địa phương quản lý, hệ thống cung cấp nước sinh hoạt này ngay lập tức “đắp chiếu” không sử dụng vì nước không chảy được. “Đường ống được lắp đặt từ đầu đến cuối thôn và chảy thử nghiệm thì có nước tại nhà văn hóa thôn và trường tiểu học. Nhưng chỉ mấy ngày sau không còn nước chảy nữa, rồi cũng chẳng thấy đơn vị nào về sửa chữa hay giải thích chi cho người dân cả. Chúng tôi ngao ngán quá và thấy công trình lấy nước mặt trực tiếp từ sông suối có vẻ không an toàn nên thống nhất không cần phải khắc phục công trình nữa khi phía huyện về lấy ý kiến, và chỉ sử dụng nguồn nước lấy từ giếng nhân dân tự đóng” - Trưởng thôn Trường Thạnh Nguyễn Quang Thế nói.

Giống như hệ thống nước sạch tự chảy thôn Trường Thạnh, hệ thống nước sạch thôn Trung Lương (xã Tam Mỹ Tây) vì bị ngưng hoạt động quá lâu nên người dân cũng chán ngán và không còn nhu cầu sử dụng hệ thống nước sạch này nữa.

Sẽ nhanh chóng khắc phục

Được biết, hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn xã Tam Mỹ Tây và công trình hệ thống nước tự chảy thôn Trường Thạnh là các dự án nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của Chính phủ nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt cho nhân dân. Các dự án này được UBND huyện Núi Thành giao Phòng NN&PTNT huyện làm chủ đầu tư lần lượt từ các năm 2007 và 2011. Theo đó, hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn xã Tam Mỹ Tây có 2 hạng mục gồm: hệ thống cung cấp nước phục vụ cho nhân dân 2 thôn Trung Lương, Thạnh Mỹ gồm giếng đào, đài nước và 13km đường ống; hệ thống cung cấp nước phục vụ nhân dân thôn Tịnh Sơn, Trung Chánh gồm giếng đào, đài nước và gần 15km đường ống. Tổng kinh phí dự toán hơn 5,4 tỷ đồng để nhằm cung cấp nước sinh hoạt cho 1.154 hộ dân ở 4 thôn của xã Tam Mỹ Tây. Còn hệ thống nước tự chảy thôn Trường Thạnh có tổng dự toán kinh phí gần 2,2 tỷ đồng gồm các hạng mục đập dâng, bể lọc, bể chứa và tuyến ống thép, ống nhựa dài 4.874m với công suất trạm hơn 43m3 nước/ngày đêm.

Theo ông Bùi Văn Gát - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành, 2 dự án về cung cấp nước sinh hoạt tại các xã Tam Mỹ Tây, Tam Thành là các dự án được thực hiện và nghiệm thu từ gần 5 năm về trước. Việc không thể sử dụng phải ngưng hoạt động trong thời gian dài đã khiến người dân bức xúc. Hiện Phòng NN&PTNT đang cố gắng khắc phục các tồn tại do 2 dự án này để lại. “Vừa rồi chúng tôi có đi khảo sát, lấy ý kiến thăm dò các hộ dân ở 2 xã thì tại các bể nước thôn Trung Lương và hệ thống nước tự chảy thôn Trường Thạnh nhân dân không đồng ý đầu tư để khắc phục sửa chữa. Chỉ có công trình cung cấp nước sạch đặt tại thôn Tịnh Sơn thì nhân dân yêu cầu phải nhanh chóng sửa chữa để phục vụ nước sinh hoạt. Chính vậy, phòng đã đề xuất giải pháp khắc phục bể nước thôn Tịnh Sơn trình UBND huyện thực hiện” - ông Gát cho biết.

Theo ông Gát, tại thôn Tịnh Sơn sẽ thực hiện bơm súc, kiểm tra lưu lượng và lấy mẫu kiểm định lại chất lượng nguồn nước tại giếng bơm. Ngoài ra, sẽ thực hiện làm vệ sinh bể chứa nước, đánh giá chất lượng đường ống để tính toán bố trí thay thế lại đường ống mới. Ông Trần Văn Gát nói cụ thể: “Dự kiến sẽ thay thế toàn bộ đường ống và máy bơm đã hư hỏng. Đồng thời, chúng tôi sẽ khoan thêm một giếng dự phòng nhằm tăng lưu lượng nước cho mùa nắng hạn. Nguồn kinh phí sửa chữa, khắc phục sẽ từ nguồn vốn nông thôn mới đã bố trí trong kế hoạch năm 2017 với dự kiến khoảng 3 tỷ đồng”. Trong khi đó, các công trình hệ thống nước tự chảy thôn Trường Thạnh và công trình cung cấp nước sinh hoạt tại thôn Trung Lương, Phòng NN&PTNT kiến nghị UBND huyện thống nhất việc tiến hành thu hồi tài sản để phục vụ các công trình khác.

ĐOÀN ĐẠO

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những công trình nước sạch tiền tỷ "đắp chiếu"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO