Đội tàu 7 chiếc của ngư dân Huỳnh Minh Cảnh (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) ngày đêm bám biển Hoàng Sa, Trường Sa, góp phần tạo nên hệ thống cột mốc chủ quyền vùng biển Tổ quốc.
Đó là các tàu cá QNa 91998 (700CV), QNa 90396 (410CV), QNa 91945 (700CV), QNa 91989 (510CV), QNa 91027 (420CV), QNa 90125 (700CV) và 91827 (410CV) đem lại hàng chục tỷ đồng cho chủ tàu và hàng trăm triệu đồng cho gần trăm bạn biển mỗi năm sản xuất.
Quyết vươn khơi xa
Ngư dân Huỳnh Minh Cảnh sinh năm 1960. Nghiệp biển đến với ông tự nhiên như mọi công dân xã Tam Quang đều không một ngày muốn rời xa biển cả. Điều khác biệt duy nhất là trong khi những năm 2000 trở về trước, khắp cả Quảng Nam chưa ai dám mơ ra khơi trên những chiếc tàu hàng trăm mã lực thì ông Cảnh đã thực hiện được điều đó. “Thú thật hồi đó gia cảnh của tôi cũng tương đối khá nên dễ huy động nguồn vốn hơn các ngư dân khác. Bệ phóng ban đầu ấy đều do hai bàn tay mình gầy dựng, muốn vượt sóng to phải có thuyền lớn, nghĩ vậy và quyết tâm làm thôi” - ông Cảnh nói.
Thời gian khó buổi đầu, ông Cảnh hỏi mượn người thân, hàng xóm láng giềng, thế chấp vay vốn ngân hàng, đủ cả, hễ có cách tập hợp nguồn vốn là ông Cảnh vào cuộc. Nghiệp biển của ông gắn với con tàu đầu tiên là QNa 1098 có công suất 66CV. Tiếp đến là QNa 1389, 60 mã lực. Năm 2001 đánh dấu cột mốc lớn của gia đình là sở hữu được chiếc tàu QNa 91897 có công suất 160CV.
Ngư dân Huỳnh Minh Cảnh chuẩn bị đi cung cấp xăng dầu trên biển. Ảnh: N.Q.V |
Con tàu là đầu cơ nghiệp, ông Cảnh cùng hàng chục bạn biển thẳng hướng Hoàng Sa, Trường Sa vươn khơi, sản xuất dài ngày. Mỗi khi nghe đánh động sóng to, gió lớn thì nấp vào các đảo chờ biển lặng. Phải hơn 3 năm trời ông Cảnh mới trả được nợ. Sau quãng này là thời gian tích lũy vốn liếng. Năm 2005, đóng thêm được con tàu QNa 91298 có công suất 270CV, ông Cảnh là một trong rất ít ngư dân ở dải ven biển miền Trung vươn khơi xa, sản xuất bằng đội tàu. Quãng thời gian này đánh dấu những chuỗi thành công nối tiếp đến với ngư dân Huỳnh Minh Cảnh. “Nếu làm phép so sánh hiệu quả giữa đánh bắt hải sản thời điểm này với những năm 2005 thì rất khác biệt. Hồi đó, các chuyến biển liên tiếp được mùa. Chất lượng hải sản tính bằng các loài cá hiếm, to, bán được giá đến nỗi thương lái thi nhau đến đặt hàng trước mỗi chuyến biển. Các “bạn” làm ăn hiệu quả cũng háo hức với mỗi lượt ra khơi, sản xuất trên biển thuận lợi thành nếp” - ông Cảnh nói.
Từ thời gian đó đến thời điểm này, ngoài tự đóng riêng 7 tàu công suất lớn, ông Cảnh cũng đã huy động ngư dân cùng thôn góp vốn đóng tàu lớn, sản xuất theo phương thức hợp vốn, chia lợi nhuận theo từng phần đóng góp. Hiện đội tàu cá Sâm Linh Đông gồm 12 chiếc do “thủ lĩnh” Huỳnh Minh Cảnh đứng đầu đã nương tựa vào nhau, vươn khơi sản xuất tại các vùng biển xa của Tổ quốc.
“Lũy thành” giữa biển
Ở Tam Quang, ngư dân Huỳnh Minh Cảnh là đầu mối của tình đoàn kết, tương trợ khi ngư dân gặp nạn trên biển. Ngư dân Lê Văn Năm (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang) chia sẻ: “Không quá khi nói rằng, ông Huỳnh Minh Cảnh là người bảo trợ trong quá trình sản xuất trên biển cũng như tạo điệu kiện về vốn, giúp chúng tôi đồng sở hữu tàu cá để thuận lợi ra khơi. Khi gặp nạn, tàu cá của ông Cảnh đến ngay hỗ trợ, bỏ chuyến biển, lai dắt về bờ mà không nề hà hay tiếc nuối chuyện được mất”.
Hơn 2 năm qua, ngư dân Quảng Nam và các tỉnh trong khu vực đã quen thuộc với hình ảnh chiếc tàu vỏ sắt đi trên các vùng cửa sông, cửa biển Kỳ Hà (Núi Thành) thực hiện dịch vụ cung cấp nhiên liệu, ngư lưới cụ và đá lạnh cho tàu đánh cá của ngư dân. Điều ngư dân quan tâm nhất là chiếc tàu này cung cấp vật tư nhiên liệu ngay trên biển nhưng giá cả cũng chỉ ngang bằng với giá niêm yết tại các trạm xăng dầu trên đất liền. Chủ của chiếc tàu này là lão ngư Huỳnh Minh Cảnh nổi tiếng khắp vùng biển Núi Thành nói riêng, Quảng Nam nói chung. Với thành tích trong phong trào thi đua yêu nước, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, ngư dân Huỳnh Minh Cảnh được nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” năm 2005. |
Ngày 1.3.2014, tàu cá QNa 90334 của ngư dân Lê Văn Năm bị hỏng máy, trôi dạt khi đang khai thác ở vùng biển Hoàng Sa. Nhận được thông báo khẩn cấp, ông Cảnh đã hướng dẫn 2 tàu cá của mình là QNa 90125 và QNa 91827 đến hỗ trợ sửa chữa nhưng bất thành. Không thể làm gì hơn, ông Cảnh đã điều tàu vào bờ rồi đưa 2 thợ máy ra Hoàng Sa để sửa chữa. Do máy bị hỏng nặng, không thể khắc phục được nên 2 tàu cá của ông Cảnh đã phải lai dắt tàu cá QNa 90334 vào bờ. Chuyến biển đó, 2 tàu cá của ông Cảnh chịu tổn thất gần 100 triệu đồng. Cũng quãng thời gian đó, tàu cá QNa 91298 của ngư dân Huỳnh Văn Song (thôn Sâm Linh Đông, Tam Quang, Núi Thành) bị hỏng máy, trôi dạt trên vùng biển Hoàng Sa. Nhận được tin, ông Cảnh đã ngưng sản xuất, dùng 2 tàu QNa 90125 và QNa 91827 đến tiếp tế lương thực, thực phẩm, nước uống rồi lai dắt tàu bị nạn về đất liền an toàn.
Lão ngư Huỳnh Minh Cảnh cho biết, đã sản xuất trên biển thì phải đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, vượt qua thời điểm khó khăn. Đội tàu 12 chiếc, trong đó 7 chiếc của riêng ông Cảnh và 5 chiếc góp vốn cùng các ngư dân khác góp phần tạo nên hệ thống cột mốc chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Gần 40 năm theo nghiệp biển, ông Cảnh bảo mỗi chuyến ra khơi đều để lại cho ông xúc cảm riêng. Ngư dân Huỳnh Minh Cảnh đều có nhật ký riêng sau mỗi hải trình bám biển, đặc biệt là những ngày bão nổi bất thường, biển dông gió bất ngờ. Trong đó, ghi cụ thể thời gian, diễn biến tai nạn, anh em sản xuất cùng ngư trường đã hỗ trợ nhau ra sao. Trong đó còn ghi lại cả chuyến biển trúng luồng cá lớn, ngư trường cho sản lượng khai thác cao.
Với ông Cảnh, có một cuốn nhật ký biển khác không dễ đọc, vì rằng, nó ẩn hiện qua đôi mắt, tiềm tàng qua sắc diện gương mặt, phản chiếu qua giọng nói, cách phát âm mang âm hưởng ì ầm sóng vỗ. Ở đó, người đối diện “đọc” được có một tâm hồn của biển lẩn khuất sau dáng vẻ xù xì của lão ngư dân một đời ăn sóng nói gió.
NGUYỄN QUANG VIỆT