(QNO) - Những tác động đối với thiếu hụt nguồn cung lương thực toàn cầu, giá cả leo thang đang được cảm nhận một cách sâu sắc tại nhiều quốc gia, những người dễ bị tổn thương nhất.
Theo các nhà phân tích, cuộc xung đột Nga - Ukraine giáng một đòn mạnh vào an ninh lương thực toàn cầu do tác động của nó đối với xuất khẩu các mặt hàng thiết yếu như lúa mì, dầu và phân bón, trong một thế giới đã và đang quay cuồng với đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là châu Á - Thái Bình Dương, Bắc Phi, Nam sa mạc Sahara và Trung Đông.
Nga và Ukraine cùng chiếm khoảng 30% xuất khẩu lúa mì toàn cầu, 20% ngô, gần 80% dầu hướng dương. Hay Nga đứng đầu thế giới về xuất khẩu phân urea, NPK, amoni nitrat, xuất khẩu kali đứng thứ 3 và phosphat đứng thứ 4 trên thế giớ.
FAO cảnh báo, cuộc khủng hoảng có thể dẫn đến thêm từ 8 đến 13 triệu người bị thiếu dinh dưỡng trong năm tới.
Ông Sébastien Abis, một nhà nghiên cứu tại Viện Chiến lược và quốc tế Pháp (IRIS) cho biết, việc ngừng vận chuyển nông sản ra khỏi Biển Đen đã khiến giá lúa mì và phân bón tăng vọt và làm gia tăng lo ngại về một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Giá một tấn lúa mì hiện ở mức lịch sử mức 400 euro. Trước khi xảy ra xung đột, nó có giá 280 euro và vào mùa xuân năm 2020 là 150 euro.
Đó là một thảm họa, như Ai Cập là nhà nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới và 60% nhập khẩu từ Nga và 40% từ Ukraine.
Ở Tunisia, nơi đang xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính và tỷ lệ lạm phát, người dân sống với tình trạng thiếu bột mì. Chính phủ nước này buộc phải ban hành lệnh cấm xuất khẩu một số sản phẩm liên quan bột mì, đậu nành...
Ông Fermin D.Adriano, một quan chức của Bộ Nông nghiệp Philippines, cho biết cuộc khủng hoảng cũng đang làm trầm trọng thêm các vấn đề ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi có hơn 35 triệu người xuống dưới mức nghèo khổ trong đại dịch.
Ông nói: “Tại Philippines, giá phân bón thực sự tăng gấp ba lần và điều đó sẽ ảnh hưởng đến năng suất của nông dân chúng tôi, như sản lượng gạo có thể giảm một triệu tấn lúa trong thời gian tới".
Cạnh đó, ông Jonas Jägermeyr, nhà khoa học khí hậu và người lập mô hình cây trồng tại Viện khoa học không gian Goddard của Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ - NASA nói: “Biến đổi khí hậu đang làm gia tăng sự thay đổi về thời tiết và năng suất cây trồng. Nếu các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như hạn hán, sóng nhiệt hoặc lũ lụt xảy ra vào mùa này thì có thể làm trầm trọng gián đoạn nguồn cung, giá cả gia tăng, mất ổn định hệ thống lương thực hơn nữa".
Nga cũng là nước xuất khẩu phân bón và dầu mỏ hàng đầu thế giới. Cả hai đều là công cụ cho hệ thống lương thực toàn cầu.
Không những thế, đại dịch Covid-19 kéo dài hơn hai năm qua cũng khiến chao đảo nguồn cung, trong đó có mặt hàng lương thực trên toàn cầu khi nhiều nơi bị phong tỏa, các nhà máy sản xuất, vận chuyển giảm công suất, thậm chí tạm ngừng hoạt, thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, nhiều lao động mất việc...
Các chuyên gia tin rằng, những tác động đối với an ninh lương thực sẽ được cảm nhận một cách sâu sắc nhất ở các nước nghèo. Khi bạn nhìn vào những người dễ bị tổn thương nhất, họ dành một phần lớn thu nhập của mình cho thực phẩm… Ngay cả khi giá địa phương chỉ là một sự gia tăng nhỏ, nó thực sự có thể ảnh hưởng đến khả năng chi trả của thực phẩm cho người nghèo.