Báo Quảng Nam đã đi qua chặng đường 90 năm. Dài gần một thế kỷ. Trong suốt chặng đường ấy, biết bao thế hệ người làm Báo Quảng Nam đã đổ mồ hôi, công sức xây dựng tờ Báo Quảng Nam như hiện nay: có báo in, báo điện tử và từng bước xây dựng cơ quan báo chí truyền thông đa phương tiện. Và tôi tự hào vì được làm là một viên gạch nhỏ trong chặng đường ấy.
Ước mơ
Khi bé, nhà tôi ở đối diện với trụ sở của Đài Phát thanh Quảng Nam - Đà Nẵng, tôi thật ngưỡng mộ các anh các chị phóng viên của đài. Một ước mơ nho nhỏ là được làm phóng viên len lỏi vào ký ức và đã ít nhiều tác động đến tôi khi làm hồ sơ đăng ký dự thi đại học vào năm 1986: thi vào ngành Ngữ văn của Đại học Sư phạm Huế.
Rời cổng trường đại học, tôi chính thức bước vào làng báo, bắt đầu từ Báo Công an Quảng Nam - Đà Nẵng. Bắt đầu làm báo với những khó khăn rồi dần qua đi, tôi dần thích ứng với công việc. Để ổn định cuộc sống như tư duy thời ấy: phải có biên chế, tháng 7.1995, tôi đầu quân về Báo Quảng Nam - Đà Nẵng.
Tháng 1.1997, tôi về Quảng Nam khi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chia tách thành 2 đơn vị hành chính. Buổi đầu tiên với thật nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, về phương tiện tác nghiệp. Nhưng chúng tôi đã vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ. Trong những tháng ngày làm báo ở Quảng Nam, có biết bao câu chuyện thật vui, chuyện buồn in đậm trong ký ức của tôi, dẫu tôi đã rời ngành báo 15 năm.
Tôi và đồng nghiệp của mình đã lặn lội đến các đồn biên phòng trên tuyến biên giới của tỉnh. Ngày đó, đường giao thông không thuận lợi như bây giờ. Để đến Đồn Biên phòng 645 (đóng tại huyện Tây Giang) chúng tôi phải đi bộ hơn ngày đường. Để đến được Đồn Biên phòng 661 (đóng tại huyện Nam Giang), chúng tôi phải mất 2 ngày đi bộ. Chuyện ngủ rừng trong những tháng ngày ấy đối với chúng tôi là “chuyện thường ngày”. Tôi nhớ, lần đầu tiên theo cán bộ chiến sĩ biên phòng đến Đồn Biên phòng 645, tôi và các anh đã vội vàng trở về để đưa một chiến sĩ biên phòng hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ tại vùng cao biên giới Quảng Nam - Đà Nẵng về TP.Đà Nẵng. Người lính ấy bị sốt rét nhưng do điều kiện giao thông, thuốc men không thuận lợi, anh đã mãi mãi ra đi ở tuổi 20 khi tham gia tìm hài cốt lính Mỹ trên biên giới Quảng Nam.
Tác nghiệp nơi biên giới
Đến nhiều thành quen, nên cũng có khi tôi nhận được quà tặng từ những người lính biên phòng tuyến núi Quảng Nam. Khi ấy, quà cho nhà báo chúng tôi có khi là nhánh lan rừng mà các anh tìm được trong chuyến tuần tra, là mấy cây mía trồng trong khuôn viên đồn hay là bó củi gửi về làm chất đốt… Giản dị thế thôi nhưng đó là cả tấm lòng của người lính mà đến bây giờ với tôi vẫn là niềm hạnh phúc khi được sẻ chia.
Tôi có cơ hội đi đến hầu khắp đồn biên phòng trên tuyến biên giới tỉnh. Những câu chuyện mở ra giữa phóng viên và người lính về cuộc sống thường nhật, về ước mơ, hoài bão cá nhân. Các anh vẫn chạnh lòng khi ngày nghỉ, ngày lễ không được ở bên vợ con, người yêu. Khi con ốm, vợ đau cũng không được cận kề chăm sóc… Nhưng vượt qua tất cả, các anh vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà đất nước và nhân dân giao phó: bảo vệ vững chắc từng tấc đất biên cương Tổ quốc.
Tôi nhớ có năm vào gần sát Tết Nguyên đán, nhưng những chiến sĩ mới của lực lượng biên phòng vẫn được điều động lên nhận nhiệm vụ tại các đồn biên phòng tuyến núi. Tuổi 18, 19, ăn cái tết đầu tiên xa nhà tại một nơi thật nhiều khó khăn, thiếu thốn. Dẫu có chút chạnh lòng nhưng không một ai rời bỏ vị trí của mình.
Mới đây thôi, khi dịch bệnh Covid-19 lan đến Việt Nam, nhiều người chỉ bị cách ly 14 ngày mà đã khó chịu, nhưng họ đâu biết rằng, lính biên phòng khi ấy có khi đến cả năm không về nhà. Ai có thể đong đếm những hy sinh, thiệt thòi của các anh trong cuộc sống thường nhật. Họ vẫn đùa rằng, trong những bằng khen, giấy khen của họ có đến hơn 70% là công sức của hậu phương. Quả là như thế. Nếu hậu phương của họ không thông cảm, sẻ chia thì liệu họ có an tâm hoàn thành nhiệm vụ, liệu rằng cuộc sống của mọi người có được bình yên…
Còn gì nữa nhỉ? Là chuyện thật như đùa, trong đêm chiếu phim của Đồn Biên phòng 661 (Nam Giang) âm thanh, hình ảnh bỗng tắt ngấm. Cán bộ đồn giải thích rằng máy chiếu bị hỏng, dân bản đang xem phim tỏ ra không hiểu. Bà con nhất định không chịu về mà đòi xem phim tiếp. Lúng túng một hồi, một người lính giải thích: là máy chiếu phim “được” hỏng!.. À, thì ra “được hỏng”, thế thì về thôi. Tôi ngẩn ngơ vì từ ngữ.
Trong những ngày trên biên giới ấy, tôi được làm quen với những cô giáo miền xuôi gắn bó với con chữ, với học trò nơi này. Các cô đã đến tận nhà, tận bản để vận động trẻ ra lớp. Một trẻ, hai trẻ cũng dạy. Mà tâm lý không cần biết chữ thì ăn thịt gà vẫn ngon khi đó đã không ít lần khiến các cô rơi nước mắt. Rồi đất lành, chim đậu nhiều cô giáo và lính biên phòng nên duyên cầm sắt, vùng cao biên giới trở thành quê hương của họ. Bởi “biên giới cũng như quê hương, đồn là nhà, lòng dân mến thương”…
Ngày 21.6 lại đến. Tôi “ăn mày quá khứ” để nhớ lại một thời làm báo vất vả nhưng thật vui của mình. Vẫn có nhiều kỷ niệm không thể sẻ chia, nhưng tôi và đồng nghiệp Báo Quảng Nam sẽ và mãi không quên những tháng ngày lang thang trên dải biên giới phía tây Quảng Nam để tác nghiệp… Đó là những kỷ niệm đẹp về một thời tuổi trẻ, một thời là phóng viên…