Hôm qua 8.2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh có hai cuộc gặp mặt thân mật với lãnh đạo những hợp tác xã (HTX) tiêu biểu và các nông dân trí thức trẻ nhân dịp đầu xuân Đinh Dậu. Tại đây, nhiều đại biểu đã bày tỏ những trăn trở, kiến nghị lãnh đạo tỉnh cần có những cơ chế tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh phát biểu tại cuộc gặp mặt với lãnh đạo các HTX tiêu biểu.Ảnh: VĂN SỰ |
Trăn trở của các thủ lĩnh HTX
Đầu buổi sáng, trước khi ông Đoàn Văn Lên - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh tuyên bố lý do và giới thiệu thành phần tham dự, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đi quanh các dãy bàn trong hội trường bắt tay chào hỏi tất cả 31 lãnh đạo các HTX tiêu biểu hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp, vận tải, thương mại, tiểu thủ công nghiệp, quỹ tín dụng nhân dân… Mở đầu cuộc họp mặt, ông Lê Trí Thanh bày tỏ phấn khởi khi được gặp gỡ những người lãnh đạo 31 “cánh chim đầu đàn” của kinh tế hợp tác - HTX Quảng Nam và mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn để thời gian tới lãnh đạo tỉnh đưa ra những giải pháp căn cơ nhằm tạo bước đột phá mạnh mẽ cho lĩnh vực này. Tiếp lời Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc HTX Điện Quang (Điện Bàn) bộc bạch: “Tôi và các anh chị em đồng nghiệp đang ngồi ở đây rất xúc động khi hôm nay được UBND tỉnh mời dự buổi họp mặt. Tính đến nay, tôi làm việc tại HTX Điện Quang đã 39 năm và đây là lần đầu tiên sau 20 năm tái lập, lãnh đạo tỉnh mới có cuộc gặp gỡ này. Điều đó chứng tỏ cấp trên ngày càng quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực kinh tế hợp tác”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, hiện nay trên địa bàn Quảng Nam có tổng cộng 174 HTX, liên hiệp HTX đang hoạt động. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 172 HTX, liên hiệp HTX chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX năm 2012, chiếm tỷ lệ 98,85%. Đây là một tín hiệu hết sức đáng mừng, tuy nhiên bên cạnh việc tập trung chuyển đổi mô hình hoạt động thì lãnh đạo các HTX cần phải hoạch định rõ chiến lược sản xuất kinh doanh, nghiên cứu mở rộng những loại hình dịch vụ phù hợp với tình hình thực tế ở mỗi địa phương nhằm nâng cao lợi nhuận để cải thiện thu nhập cho cán bộ và các thành viên... |
Theo lời ông Thành, HTX nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng, bởi mô hình kinh tế này được xem là “bà đỡ” của nông dân trong việc lo chuyện hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tổ chức sản xuất và đặc biệt là tìm kiếm đầu ra cho các mặt hàng nông sản chủ lực. Ông Thành cho rằng, ngoài chuyện vốn đầu tư, để các HTX hoạt động hiệu quả thì yếu tố con người hết sức quan trọng. “Tôi nghĩ, nếu các HTX có nhiều tiền nhưng không xây dựng bài bản chiến lược sản xuất kinh doanh thì e rằng rất khó thành công. Vì thế, nguồn nhân lực có chất lượng cao được xem là vấn đề then chốt đối với các HTX. Ngồi đây, phần lớn những người lãnh đạo các HTX đã cao tuổi như tôi, do vậy cần phải có đội ngũ cán bộ trẻ có đủ trình độ chuyên môn để kế cận. Tuy nhiên, vấn đề nguồn nhân lực chỉ mỗi HTX là không thể giải quyết được mà cần có sự quan tâm hỗ trợ từ phía cấp trên bằng những cơ chế, chính sách mang tính đột phá” – ông Thành nói.
Ông Phạm Văn Du – Chủ tịch HĐQT HTX Duy Sơn (Duy Xuyên) cho biết, là đơn vị 2 lần được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lao động nhưng những năm qua thu nhập của thành viên HTX vẫn còn hạn chế. Mấy năm gần đây, mặc dù đơn vị đã tổ chức đi học hỏi kinh nghiệm của các mô hình tiêu biểu ở những địa phương khác nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng vào thực tiễn sản xuất kinh doanh. Năm 2016, HTX Duy Sơn thực hiện khâu tích tụ ruộng đất trên 30ha, sản xuất và cung cấp nguồn lương thực có chất lượng cao cho các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Duy Xuyên. Tuy nhiên, đầu ra chỉ dừng lại ở đó chứ không đưa sản phẩm xuống được nhân dân vì họ không tin tưởng. Ông Du chia sẻ thêm: “Có một điều cần phải nói, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, đầu năm 2013 đơn vị chúng tôi xung phong đầu tư gần 1,3 tỷ đồng xây dựng khu giết mổ tập trung với công suất giết thịt mỗi ngày đêm 50 - 60 con heo. Khu giết mổ này ra đời với mục đích gom các điểm giết mổ nhỏ lẻ thường gây ô nhiễm môi trường và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn 3 xã Duy Sơn, Duy Trinh, Duy Trung về đây giết thịt. Thế nhưng, khu giết mổ này chỉ hoạt động được 1 - 2 tháng thì phải đóng cửa vì các chủ cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không chịu đưa gia súc vào giết thịt nữa, trong khi đó nhiều điểm giết mổ nhỏ lẻ ở 3 xã vừa nêu vẫn cứ hoạt động công khai. Tôi đề nghị UBND tỉnh cùng các ngành liên quan cần vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt để sớm xử lý dứt điểm tình trạng này”.
Lãnh đạo nhiều HTX cho rằng, những năm qua, ở nhiều nơi, cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thấy hết vai trò, tầm quan trọng của nền kinh tế hợp tác đối với việc phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới nên chưa thực sự quan tâm đến vấn đề lãnh đạo, chỉ đạo các HTX thực hiện việc chuyển đổi mô hình hoạt động, phát triển sản xuất kinh doanh cũng như hỗ trợ tháo gỡ những vướng mắc. Ông Phạm Thành Sự - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Đại Hiệp (Đại Lộc) bày tỏ: “Theo tôi, cấp ủy đảng và chính quyền các địa phương nên xem các HTX là “đứa con ruột” của mình chứ đừng bỏ rơi, đừng coi HTX giống như một doanh nghiệp tư nhân sống cũng được mà chết cũng chẳng sao”. Một số ý kiến khác phản ánh rằng, tình trạng rề rà, đủng đỉnh của không ít cán bộ có trách nhiệm trong việc giải quyết các hồ sơ, thủ tục cho HTX còn khá phổ biến, nhất là ở lĩnh vực tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, thuê đất sản xuất, thẩm định chất lượng sản phẩm...
Tâm tư của người trẻ
Chia tay lãnh đạo các HTX tiêu biểu, 9 giờ 30 sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tiếp đón 34 trí thức trẻ là nông dân sản xuất giỏi trên lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp đến từ nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Mở đầu cuộc gặp mặt, ông Lê Trí Thanh nói: “Tôi rất ngưỡng mộ các anh chị. Các anh chị chính là nhân tố quan trọng làm thay đổi lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Tôi đánh giá các anh chị không phải dựa trên tiêu chí là mô hình kinh tế của các anh chị hàng năm nộp thuế cho Nhà nước bao nhiêu tiền, mà điều rất đáng ghi nhận là bằng vốn tri thức của mình và tinh thần nỗ lực vượt khó, các anh chị đã biến những vùng đất hoang hóa trở thành nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Hôm nay, ngoài việc chia sẻ những cách làm hay thì tôi đề nghị các anh chị mạnh dạn nêu ra những khó khăn trong quá trình phát triển sản xuất”.
Anh Bùi Ngọc Châu - Tổ trưởng Tổ hợp tác ở xã Tiên Cẩm (Tiên Phước) bày tỏ sự phấn khởi khi UBND tỉnh tổ chức buổi gặp gỡ này. Vốn là một kỹ sư nông nghiệp, sau nhiều năm nghiên cứu, học hỏi, anh Châu cho rằng thực trạng ngành nông nghiệp của tỉnh hiện nay chưa rõ rệt về phương thức sản xuất. Chúng ta đang cùng lúc áp dụng 3 phương thức là truyền thống, vô cơ và hữu cơ trên một đơn vị diện tích. Vì vậy, khi có dịch bệnh xảy ra hoặc muốn đánh giá chất lượng nông sản thì gặp rất nhiều khó khăn. Anh Châu mong muốn thời gian tới UBND tỉnh sẽ có những hoạch định chiến lược trong việc quy hoạch vùng chuyên canh, áp dụng cụ thể với từng đối tượng và từng phương thức sản xuất khác nhau.
Trong khi đó, anh Nguyễn Thanh Tuấn - chủ trang trại chăn nuôi ở xã Tam Hiệp (Núi Thành) cho biết, các nhà máy, xí nghiệp ở những khu - cụm công nghiệp đóng chân trên địa bàn tỉnh hằng ngày phải nhập một lượng lớn lương thực, thực phẩm từ những nơi khác về để phục vụ bữa ăn cho công nhân. Thế nhưng, nhiều chủ trang trại chăn nuôi ở Quảng Nam lại rất khó tiếp cận trực tiếp với doanh nghiệp để ký kết hợp đồng cung ứng mà phần lớn phải qua đầu mối trung gian là các thương lái và thường xuyên bị ép giá. Vì vậy, anh Tuấn mong muốn UBND tỉnh sớm quan tâm hỗ trợ để tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các chủ trang trại và gia trại ở địa phương với những doanh nghiệp, siêu thị, nhà hàng… trong việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với số lượng lớn.
Vấn đề khiến nhiều nông dân trí thức trẻ khao khát là được UBND tỉnh quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để họ tiếp cận dễ dàng với những kênh vốn vay ưu đãi. Bởi, mặc dù đa số họ đều có nhiệt huyết với việc sản xuất nông nghiệp và được đào tạo chuyên sâu hoặc tự học để tích lũy kiến thức nhưng là những thanh niên mới khởi nghiệp, nguồn vốn và điều kiện sản xuất còn hạn chế. Anh Võ Ngọc Sơn – chủ trang trại chăn nuôi heo ở xã Duy Tân (Duy Xuyên) nói: “Là cơ sở có khả năng cung cấp nguồn heo giống chất lượng tốt nhưng để mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thương hiệu và vươn xa tìm kiếm thị trường thì tôi gặp phải nhiều khó khăn về vốn. Nếu nhận được sự ưu đãi trong việc vay vốn, tôi sẽ đầu tư mở rộng quy mô trang trại và tự tin cung cấp giống ra thị trường”.
NGUYỄN SỰ - PHAN VINH