“Bao giờ cho đến tháng Mười” là tâm trạng chung của nhiều người chờ đợi, nhưng nếu là phim thì có kết thúc còn chuyện cuộc sống thường không. Bởi từ việc ráo riết khoanh vùng, ngăn chặn, truy vết, dập dịch, nay thì chiến lược phòng chống Covid-19 sẽ phải thay đổi. Từ bất chấp mọi giá để khống chế “zero Covid” Việt Nam buộc phải chuyển trạng thái qua thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch bệnh.
Hành trình phòng chống Covid -19 sẽ không có điểm kết thúc.
Và nhiều hành trình khác cũng vậy.
Hành trình đáng quan tâm là bao lao động thất nghiệp hành hương về quê xứ, rồi lại tản đi lưu lạc, sẽ không dừng với nước mắt ngập ngừng ở cửa vùng xanh, vùng đỏ, vùng vàng.
Sự phân ly của dòng di cư lao động, luôn chứa đựng những rủi ro, không chỉ là con số khô khan mà Tổng cục Thống kê tính được, với 2,91% đang thất nghiệp trong tổng số hơn 50 triệu người Việt ở độ tuổi lao động, mà còn ở chỗ nhiều người chỉ có việc làm vá víu cho qua ngày.
Hơn 20 năm tạo dựng và công bố chỉ số GDP, lịch sử ghi nhận quý 3 năm này giảm sâu đến 6,17% so cùng kỳ năm trước.
Đó là do hành trình sản xuất hàng hóa chao đảo khi nhiều chuỗi cung ứng sản xuất đứt gãy, như ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp nhận định: "Chưa bao giờ số doanh nghiệp rời bỏ thị trường lớn như vậy. Khả năng chống chịu của các doanh nghiệp ngày càng cạn kiệt".
Chính vì thế, các hiệp hội doanh nghiệp quyết liệt đề đạt Chính phủ “nếu tiếp tục giãn cách xã hội, không mở cửa thì doanh nghiệp sụp đổ”.
Rốt cuộc bây giờ phải lập trình lại nhiều thứ cho cuộc đi mới, ở trạng thái mới. Từ chuyện học hành đến làm ăn, sinh hoạt, thảy phải thay đổi thích ứng. An toàn là tiêu chí số một.
Nhưng an toàn không phải lấy dây thép gai rào cứng lại thành vùng xanh, vùng đỏ. Covid-19 có mặt đâu đó như một phần tất yếu con người phải chống chịu, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, địa giới hành chính. Vấn đề là thích ứng an toàn bằng cách thức phòng bị, cùng với vắc xin và thuốc chữa trị.
Hãy lấy ví dụ như doanh nghiệp của ông Nguyễn Thanh Mỹ, Tổng giám đốc Rynan Technologies, ngay từ đầu mùa dịch đã tính chuyện ba tại chỗ cho công nhân. Tại các nhà máy của công ty này đã thiết kế vườn để công nhân sau giờ làm việc cùng nhau tự trồng lúa, cây ăn trái, nuôi heo rừng, gà, heo, vịt, cá...để biến tất cả thành thực phẩm cho những bữa ăn ngon không kém ở khách sạn cao cấp.
Hóa ra, hành trình làm các nhà máy, khu công nghiệp, lâu nay chúng ta chỉ chú ý khâu mặt bằng cho nhà xưởng, rồi dây chuyền sản xuất, quản lý, mà ít chú ý đến VÙNG XANH AN TOÀN cho công nhân, người lao động.
Vậy nên các khu công nghiệp, nhà máy lớn đông công nhân (như Quảng Nam có khu Điện Nam – Điện Ngọc và Chu Lai), cần lập trình lại, phải có cơ sở, quy trình y tế để chăm sóc sức khỏe, có thiết chế sinh hoạt văn hóa, có khu vực cung ứng thực phẩm an toàn,… phục vụ tại chỗ cho đời sống công nhân.
Ngay như ở nhà máy, khu công nghiệp, nhà nước cũng chẳng cần bao cân việc xét nghiệm mà nên để doanh nghiệp tự bảo đảm. (Nói thêm, việc biến cái mũi thành… ATM, để ngoáy tràn lan rồi ăn tiền chênh lệch giá test, kít xét nghiệm, nếu để doanh nghiệp tự kiểm soát cho sự sinh tồn của mình sẽ không có chuyện đó).
Từ Covid-19, cho cảm nhận rõ ràng về đớn đau và hạnh phúc như song hành hai mặt cuộc sống. Chúng ta có bao giờ kết thúc được hành trình cuộc sống, dù cô đơn và bị bạc đãi, thậm chí rơi vào ngộ cảnh khốc liệt?
Chỉ khi nhắm mắt vĩnh viễn rời xa cõi tạm như ca sĩ Phi Nhung thì mới khép lại những trần phiền, nhưng tiếng ca của chị vẫn còn day dứt đâu đó với mùa bông điên điển, bông bí vàng, bay theo đàn chim sáo qua cánh đồng mênh mông cõi người… Người này nằm xuống và người kia đứng lên. Đám cưới online của cô gái Ngọc Diệp, điều dưỡng viên trong bệnh viện có lẽ là chuyện hy hữu, ngàn năm có một. Nước mắt nóng hổi!