Những cuộc tìm về

TRẦN ĐĂNG 11/03/2018 11:50

Hẹn hò mãi rồi cuối cùng chúng tôi cũng gặp được nhau, ngay tại Sơn Mỹ (Quảng Ngãi) - nơi đã làm nhói buốt trong Ronald nửa thế kỷ qua kể từ ngày 16.3.1968. Khi nghe toàn bộ lai lịch của mỗi bức ảnh mà Ronald công bố về vụ thảm sát Mỹ Lai, tôi có thể nói rằng, Ronald Haeberle - tên đầy đủ của cựu phóng viên chiến trường này - là một phần không thể thiếu của vụ Mỹ Lai.

Ronald và chiếc máy ảnh Nikon mà ông chụp vụ thảm sát Mỹ Lai 1968. Ảnh: TRẦN ĐĂNG
Ronald và chiếc máy ảnh Nikon mà ông chụp vụ thảm sát Mỹ Lai 1968. Ảnh: TRẦN ĐĂNG

“Công trạng” đầy mình với người Sơn Mỹ  như thế, nhưng hễ nghe ai đề cập điều ấy, Ronald luôn luôn chối từ bằng một nụ cười kèm cái xua tay rất đỗi thân thương. “Bạn cũng sẽ làm như tôi nếu bạn là một nhà báo chân chính, chứng kiến vụ việc đau lòng ấy diễn ra ngay trước mặt mình” - Ronald hay nói câu ấy với các nhà báo mỗi khi họ hỏi ông về những bức ảnh do chính tay ông bấm máy vào ngày 16.3.1968.

“Tôi về Sơn Mỹ”

Đó là lần thứ 5, Ronald có mặt tại Sơn Mỹ. Lần đầu vào ngày 16.3.1968, ngày xảy ra vụ thảm sát mà ông là một phóng viên chiến trường, chụp lại những bức ảnh đẫm máu ấy; lần thứ 2 là vào năm 2001, với tư cách là khách du lịch. Mười năm sau, năm 2011, ông có mặt tại Sơn Mỹ cùng với một nạn nhân của vụ thảm sát, anh Trần Văn Đức, hiện định cư tại Cộng hòa Liên bang Đức, để xác định “nhân vật” trong một bức ảnh mà Ronald chụp, đang gây tranh cãi. Hai năm sau đó, ngày 16.3.2013, nhân kỷ niệm 45 năm ngày xảy ra vụ thảm sát, ông Ronald được tỉnh Quảng Ngãi mời với tư cách là khách đặc biệt, tham dự lễ; mới đây nhất, tháng 4.2017, lần thứ 5 ông trở lại Sơn Mỹ. Ông đi cùng tôi trên những con đường làng thoảng hương cỏ mật để lắng nghe quá khứ vọng về. Với ông, đó là một quá khứ đẫm máu và nước mắt tại làng Sơn Mỹ mà Ronald vừa là người can dự của “phía bên kia”, vừa là nhân chứng tố cáo tội ác của chính đồng đội ông bằng những bức ảnh.

Người phiên dịch cho tôi hôm đó là con trai của tôi. Nó giỏi tranh luận nhưng lại không thể hiểu vì sao ông Ronald lại bảo với nó rằng đừng nói “trở lại” mà hãy cho ông được “trở về Sơn Mỹ”. Bởi bây giờ, ông xem Sơn Mỹ như là nhà mình, nó thân thuộc đến từng dấu chân trâu trên con đường làng mỗi sớm. Người Sơn Mỹ đã dang tay đón ông như một trong những ân nhân của làng dù ngày hôm đó, ông không cứu được bất cứ một mạng sống nào như 3 viên phi công Mỹ đã cứu trên 10 phụ  nữ và một cậu bé Đỗ Ba thoát khỏi tội ác đang chực chờ trút xuống đầu họ.

Ông Ronald tại làng Sơn Mỹ. Ảnh TRẦN ĐĂNG
Ông Ronald tại làng Sơn Mỹ. Ảnh TRẦN ĐĂNG

Ông Ronald tiết lộ: “Ba mươi hai năm sau ngày rời Việt Nam (1969), tôi mới có dịp đặt chân lên đất Sơn Mỹ. Đó là vào mùa hè năm 2001. Tôi âm thầm trở lại nơi đã cho tôi thấm thía đến tận cùng gan ruột về hai tiếng đau thương. Không ai biết tôi là tác giả của bộ ảnh ấy cả. Tôi cũng không khai báo cho bất cứ ai về nhân thân của tôi trong chuyến đi hôm ấy. Sơn Mỹ đã khác nhiều so với thời chiến tranh, nhưng có lẽ nỗi đau thì không thể khác được. Nhưng điều làm tôi ấm lòng là người dân nơi này đã biết vượt qua nỗi đau ấy để hướng về phía trước. Năm 2011, tôi đi với Trần Văn Đức, một Việt kiều đang định cư tại Đức, về Sơn Mỹ để xác định “nhân vật” trong bức ảnh “anh che đạn cho em” đang treo ở Bảo tàng Sơn Mỹ có phải chính là Đức và người em tên Hà hay không? Cho mãi đến năm ấy, người dân Sơn Mỹ mới biết tôi chính là tác giả của bộ ảnh tang thương nọ. Và họ đã nhìn tôi bằng ánh mắt đầy thiện cảm. Chính họ chứ không ai khác, đã “ân xá” cho nỗi giày vò trong tôi suốt mấy chục năm qua. Tôi nói “trở về” cũng là vì lý do này”.

Ân nhân của làng

Gắn bó mật thiết với Sơn Mỹ còn có một người Mỹ nữa tên là Mike Boehm. Ông này là nhân vật chính trong bộ phim “Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai” của đạo diễn Trần Văn Thủy. Ông Mike làm trong một tổ chức thiện nguyện ở Mỹ, xin được kha khá tiền để giúp chị em phụ nữ Sơn Mỹ nuôi bò và làm nước mắm thủ công. Mỗi lần gặp ông Ronald, Mike hay “gợi ý” để Ronald đóng góp vào quỹ hỗ trợ phụ nữ Sơn Mỹ của ông. Vì theo Mike kể, ông nghe đồn rằng ông Ronald đã bán bộ ảnh ấy cho các hãng thông tấn để lấy hàng trăm ngàn đô la nên việc san sẻ bớt số tiền “xương máu” ấy cho phụ nữ Sơn Mỹ là điều cần làm. Nghe ông Mike nói về “nguồn tiền bán ảnh” như thế, ông Ronald đã phật ý và phản ứng. Ông nói: “Họ đồn đại thôi chứ tôi có bán chác gì đâu! Đúng một năm sau ngày xảy ra vụ thảm sát, bấy giờ có đủ các luồng dư luận râm ran về vụ Mỹ Lai nhưng chả có một bằng chứng nào, thế là tôi quyết định công bố series ảnh ấy cho Tạp chí Life. Lương tâm không cho phép tôi im lặng trong vụ này, dù hôm ấy (16.3.1968), tôi đến Sơn Mỹ theo mệnh lệnh của quân đội Mỹ. Lương tâm cũng không cho phép tôi “trục lợi” trên xương máu của những nạn nhân như thế”.

Ronald kể rằng, hôm đó ông mang theo hai chiếc máy ảnh, một chiếc do quân đội Mỹ cấp, chiếc còn lại là của riêng ông. Sau khi tác nghiệp hết hai cuộn phim đen trắng bằng chiếc máy của quân đội Mỹ cấp, ông đã giao lại toàn bộ số phim chụp được cho viên chỉ huy. Còn 18 bức ảnh màu được công bố mà mọi người biết hôm nay là được chụp từ chiếc máy riêng của ông. Qua đây cũng cho thấy người Mỹ họ rất rõ ràng trong việc ứng xử. Cái gì của cá nhân thì thuộc về người đó chứ “cấp trên” không can thiệp. Nếu hôm đó họ thu luôn chiếc máy ảnh cùng cuộn phim của Ronald thì mãi mãi vụ thảm sát Sơn Mỹ bị chìm trong một góc khuất tăm tối nào đó.

Sau khi ông Ronald công bố những bức ảnh của mình trên Tạp chí Life, nước Mỹ như bị “giội bom”. Làn sóng công phẫn trong nhân dân Mỹ về sự can thiệp của chính phủ Mỹ vào Việt Nam lên cao chưa từng có. Gần như cả nước Mỹ xuống đường phản đối chiến tranh. Bộ ảnh Mỹ Lai đã góp phần không nhỏ vào làn sóng phản đối này, buộc Mỹ phải rút quân về nước. Nói ông Ronald là ân nhân của làng là vậy.

Thế nhưng, vị “ân nhân” này luôn khiêm nhường và kín đáo. Ông không thích xuất hiện trước đám đông để nói về mình. Mấy chục năm nay ông tự chìm khuất trong sự kiện Mỹ Lai, dù ông đáng được nhắc đến bằng tất cả sự trân trọng. Sinh năm 1940, Ron đã bước sang tuổi 78 nhưng trông ông vẫn còn rắn chắc lắm. “Nhờ tôi tham gia vào đội xe đạp của những người già, bạn tôi đấy” - ông tiết lộ.

Hôm về Sơn Mỹ lần mới đây, Ronald đã đạp xe từ Bangkok - Thái Lan qua Phnom Penh của Campuchia rồi đạp thẳng về Châu Đốc, An Giang xong mới đi xe đò về Sài Gòn rồi bay ra Đà Nẵng để về Quảng Ngãi. Nghe ông kể hành trình ấy, tôi đành ngả mũ chào thua ông già 78 tuổi này.

“Hẹn gặp nhau nhân kỷ niệm 50 năm thảm sát Sơn Mỹ nhé” - ông hẹn chúng tôi thay cho lời chia tay.

Hôm trước Tết Mậu Tuất 2018, tôi lại hỏi ông qua facebook: “Ông giữ lời hứa là trở về Sơn Mỹ lần nữa chứ? Sắp đến lần giỗ thứ 50 của hơn 500 đồng bào Sơn Mỹ rồi”. “Ồ, làm sao tôi quên ngày ấy được. Tôi đang mong đợi từng ngày trôi qua đây”. Nghe ông bảo vậy, tôi chỉ còn biết cầu mong ông khỏe mạnh để “về lại nhà mình” - đó là Sơn Mỹ, ngôi làng đã thức ngủ trong ông suốt nửa thế kỷ qua.

TRẦN ĐĂNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những cuộc tìm về
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO