Những cuộc trở về...

HÀ AN 27/07/2023 06:53

Chiến tranh đã dần lùi xa nhưng hàng trăm nghìn liệt sĩ vẫn chưa xác định được thông tin là hàng triệu nỗi đau của thân nhân, nỗi trăn trở trên hành trình đi tìm đồng đội. Những mong ngày càng có nhiều hơn cuộc trở về...

Hài cốt 5 chiến sĩ hy sinh trong trận đánh ở điểm cao 378 được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Bình Lâm, Hiệp Đức. Ảnh: Q.H
Hài cốt 5 chiến sĩ hy sinh trong trận đánh ở điểm cao 378 được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Bình Lâm, Hiệp Đức. Ảnh: Q.H

Phục dựng ảnh liệt sĩ

Chị Phan Thị Yến Nhi có cha là liệt sĩ Phan Thanh Châu, quê xã Tam Thái (Phú Ninh), từng làm công an lưu động cho Việt Minh, lên Bình Huề, Sơn Bình (nay là xã Quế Bình, Hiệp Đức) công tác từ những ngày đầu Cách mạng tháng Tám.

Năm 1956, ông bị quân địch bắt và tra tấn dã man, rồi đem chôn sống. Lần đó may mắn ông được giải cứu, về tiếp tục móc nối cơ sở để hoạt động.

Lời nhắn gửi của Đại tá Nguyễn Hữu Chỉnh - nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị, Quân khu 5 cũng như mong ước của bao người: “Mong và rất mong có nhiều cuộc trở về quê hương của các liệt sĩ. Mong hàng nghìn liệt sĩ chưa có thông tin sớm xác định được tên tuổi, quê quán… để gia đình, đồng đội, người thân đến thăm viếng, chăm sóc mộ phần”.

Ngày 16/11/1969, ông bị giặc bắt và thủ tiêu. Với ước mong được có hình thờ của ba mình, chị Nhi chắp nối thông tin từ người thân kể lại, rằng chị rất giống ba và người chú ruột.

Chuyển thông tin đến anh Lê Quyết Thắng (SN 1991, quê Nghệ An) chuyên phục dựng ảnh liệt sĩ miễn phí, chị đang trông ngóng từng ngày, để trên bàn thờ ba, có một tấm ảnh thờ.

Chị Vũ Thị Tuyến - con gái của liệt sĩ Vũ Duy Hùng đã đạt được ước nguyện đúng vào dịp kỷ niệm ngày 27/7.

“Ba tôi hy sinh tháng 6/1968 đến nay đã 55 năm, tại xã Đại Cường, Đại Lộc. Lúc ba vào chiến trường, tôi mới 1 tuổi, 3 năm sau thì ông hy sinh.

Gia đình tôi cũng đã đưa ảnh bố đi làm ảnh thờ nhưng do tấm ảnh chụp từ năm 1959 trước khi vào Nam chiến đấu, qua thời gian gương mặt không còn rõ.

Thật may mắn, ê kíp của bạn Lê Quyết Thắng phục hồi lại ảnh thờ rất đẹp và trang trọng, gia đình tôi đã thỏa mong ước cũng như động viên mẹ tôi lúc tuổi già”.

Còn ông Trung Trường, quê ở Hà Nội, hiện ở Đồng Nai chia sẻ: “Ba tôi là lính đặc công Quân khu 5, hy sinh năm 1972 khi tham gia trận đánh đồn tại Cửa Đại, Hội An. Đến nay gia đình vẫn chưa tìm thấy mộ ông.

Ông chỉ để lại di vật duy nhất là tấm ảnh nhưng qua thời gian đã bị hư hỏng, hoen ố không còn nhìn thấy gì nữa”.

Bức ảnh đã quá cũ kỹ không còn có thể nhìn rõ khuôn mặt người đã khuất. Sau khi ảnh được ê kíp nêu trên phục hồi, gia đình rất vui mừng.

Xác định danh tính - Hành trình dài

Trong một lần đến Nghĩa trang liệt sĩ xã Bình Lâm (Hiệp Đức), tôi gặp anh Nguyễn Hữu Sơn - Chủ tịch UBND xã Bình Lâm, anh đem đến hộp sinh phẩm của Cục Người có công, trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH gửi lại.

Anh cho biết, đây là mẫu sinh phẩm của 5 liệt sĩ được xác định là chiến sĩ thuộc đơn vị C1, D7, E31, F2 (Quân khu 5), hy sinh ngày 20/10/1973 tại điểm cao 378 thôn 1 (nay là thôn An Phố).

Đưa hài cốt liệt sĩ trở về quê hương. Ảnh: Q.H
Đưa hài cốt liệt sĩ trở về quê hương. Ảnh: Q.H

Trận đánh ở điểm cao 378 đó có 7 chiến sĩ hy sinh, 2 liệt sĩ hy sinh ngoài hầm được dân phát hiện, đã được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ xã Bình Lâm từ năm 1993. Còn 5 liệt sĩ hy sinh trong hầm.

Với sự thay đổi của thời gian, biến thiên của địa hình nên chính người dân địa phương cũng không tìm được cửa hầm của khu đồi núi rộng nên các anh vẫn ngủ yên trong lòng đất gần 50 năm.

Năm 2020, thông qua các tổ chức, đồng đội cùng thân nhân của liệt sĩ, kết nối thông tin, sau hơn 5 ngày tìm kiếm, đã tìm thấy thi hài các anh nằm rải rác trong căn hầm cùng với nhiều di vật sót lại.

Do chưa xác định được danh tính, địa phương đưa các anh vào an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Bình Lâm.

Để xác định được thông tin chính xác của 5 liệt sĩ, các bên liên quan đã tổ chức lấy mẫu sinh phẩm phục vụ xác định AND. Nhưng rồi, mẫu sinh phẩm không đạt yêu cầu, Cục Người có công tiếp tục cử người trở về nghĩa trang để lấy mẫu sinh phẩm.

Các liệt sĩ được tìm thấy đã hy sinh hơn nửa thế kỷ, trong điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, hài cốt bị ảnh hưởng rất nhiều. Bởi vậy, việc lấy mẫu sinh phẩm được thực hiện hết sức cẩn trọng.

Cục Người có công đã tiếp nhận hồ sơ kèm theo mẫu của các thân nhân liệt sĩ, gửi đến Viện Pháp y quốc gia (Bộ Y tế) để phân tích ADN, khớp nối thông tin, xác định danh tính các liệt sĩ.

Thân nhân liệt sĩ Nguyễn Thanh Dương tâm sự: “Lúc còn sống, mẹ tôi thường xuyên nhắc tôi cố tìm xem anh tôi nằm ở đâu để đến đón đưa về an nghỉ tại quê cha đất tổ. Đây cũng là di nguyện cuối cùng của mẹ tôi trước khi mất, mong ngóng từng ngày, sắp tới 27/7 rồi...”.

Từ câu chuyện của liệt sĩ Nguyễn Hữu Hy

Trong những ngày tháng 7, chứng kiến hành trình trở về đất mẹ của liệt sĩ Nguyễn Hữu Hy (SN 1948, xã Quảng Văn, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa), nhiều người không khỏi xúc động.

Tháng 6/1965, mới 17 tuổi anh xung phong lên đường nhập ngũ, cùng đơn vị hành quân vào Nam chiến đấu. Vào chiến trường, anh được biên chế vào Trung đoàn 31, Sư đoàn 2, Quân khu 5. Giữa chiến trường ác liệt, 19 tuổi - anh được kết nạp vào Đảng.

Xác định danh tính, quê quán liệt sĩ là cả hành trình dài gian khó. Ảnh: Q.H
Xác định danh tính, quê quán liệt sĩ là cả hành trình dài gian khó. Ảnh: Q.H

Gần 5 năm ở chiến trường, người chiến sĩ ấy đã chiến đấu và anh dũng hy sinh vào ngày 11/1/1970 tại thôn 1, xã Phước Tân, nay là xã Tiên Phong, huyện Tiên Phước, trước khi hy sinh là Đại đội trưởng.

Đồng đội anh, cựu chiến binh Nguyễn Thành Vinh (Thanh Hóa) chia sẻ: “Đại đội trưởng Nguyễn Hữu Hy thật kiên cường. Anh đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng!”.

Hơn 50 năm qua, hài cốt của của liệt sĩ đã được lãnh đạo Đảng, chính quyền và nhân dân xã Tiên Phong quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ. Nhưng theo giấy báo tử chỉ ghi hy sinh ở “Mặt trận phía Nam”, được chôn cất nghĩa trang gần mặt trận.

Do phát âm vùng miền, giấy báo tử viết tay trên giấy mỏng nên dẫn đến sai lệch họ và tên liệt sĩ trên bia mộ và cả trên Bằng Tổ quốc ghi công…, anh được mang nhiều tên như Nguyễn Hữu Ly, Nguyễn Hứa Huy, Nguyễn Hữu Huy…

Cựu chiến binh Nguyễn Tiến Đãi - Trưởng ban Ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 31, Sư đoàn 2, Quân khu 5, chia sẻ: “Tôi cùng những người tình nguyện làm công việc tri ân liệt sĩ và gia đình liệt sĩ suốt hơn 10 năm qua.

Hơn nửa thế kỷ, mặc dù gia đình đã cất công tìm kiếm nhiều nơi nhưng chưa có kết quả. Với sự hỗ trợ, kết nối thông tin, tìm kiếm của Ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 31, tôi trực tiếp cùng các tình nguyện viên trên các khu vực… đã kết hợp với gia đình và cơ quan chính sách, quân đội, cựu chiến binh tận tình xác minh tìm kiếm hồ sơ và phần mộ, hướng dẫn thông báo đến gia đình liệt sĩ đính chính hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.

Kết quả, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định điều chỉnh đúng tên liệt sĩ Nguyễn Hữu Hy”.

Ngày 19/6/2023, Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam có văn bản về việc đồng ý đính chính thông tin trên hồ sơ mộ và phần mộ, cấp giấy báo tin mộ đến thân nhân gia đình liệt sĩ.

Ngày 30/6/2023, Phòng LĐ-TB&XH huyện Tiên Phước có văn bản đồng ý cho di chuyển hài cốt liệt sĩ Nguyễn Hữu Hy từ Nghĩa trang liệt sĩ xã Tiên Phong về xã Quảng Văn, Quảng Xương, Thanh Hóa - nơi chôn nhau cắt rốn của liệt sĩ.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những cuộc trở về...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO