Những cuộc trở về, mùa hạ

HỨA XUYÊN HUỲNH 28/08/2019 15:32

Đã già nửa tháng 8 và mùa thu tựu trường mới đang dợm bước. Nhưng tôi đang muốn nói về mùa tựu trường của những người không còn đến lớp, mùa hạ.

Một cuộc hội khóa. ảnh: B.T
Một cuộc hội khóa. ảnh: B.T

Đi

Bạn đọc hẳn còn nhớ, đoạn văn cuối trong cuốn “Tâm hồn cao thượng” (Edmond de Amicis) lại dành cho một đề mục đặc biệt: Trang cuối cùng của mẹ tôi. Trong “trang cuối cùng” ấy, bà mẹ của Enrico xuất hiện để nói về câu chuyện giã biệt. Bà gọi đó là “tin buồn” cho đứa con trai, khi đang sắp sửa mãn năm học và chuyển nhà đi nơi khác.

Bà mẹ của Enrico ví von trường học như người mẹ. “Người mẹ đã dứt đứa con ở tay ta khi con nói chưa sõi để trả lại ta một đứa con khỏe mạnh, tử tế và siêng năng. (…) Con đừng quên vị ân nhân ấy, con ơi!”. Và rằng, mai sau đứa trẻ nên người, đi du lịch trong thế giới, trông thấy những thị thành hoa lệ, những lâu đài nguy nga... Nhưng con phải nhớ luôn đến nếp nhà trắng tầm thường kia với cửa chớp khép, với vườn cây xanh..., vì đấy là nơi bông hoa trí tuệ đầu tiên của con đã nảy nở.

Và như những dòng văn tiên tri và tha thiết, bà mẹ dặn dò đứa con về thân phận những người bạn trước tương lai dằng dặc. Cũng có người bất hạnh, gặp sự không may, cha mẹ mất sớm, mệnh yểu, hoặc đem bầu máu anh dũng tưới trên bãi chiến trường, cũng có thể có người ra gánh vác việc nước và lừng lẫy tiếng tăm…

Đọc những dòng văn ấy, sực nhớ câu thơ Hoàng Nhuận Cầm cũng từng nhắc đến hai chữ “tiên tri” khi nói về tuổi học trò. Nhưng đó là “Con ve tiên tri vô tâm báo trước/ Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu”. Nhớ, và mường tượng ra hành trình trở lại với vùng trời xưa cũ có vườn cây xanh, nếp nhà trắng và cửa chớp khép của cậu bé Enrico bên nước Ý sẽ chộn rộn biết bao…

Đi để về

Ở xứ ta, cũng sắp đi qua một mùa-hè-trở-về chộn rộn.

Tràn ngập trên mạng xã hội là hình ảnh, câu chuyện họp lớp, thăm trường cũ, nhắc nhớ bạn bè xưa… Khắp trong nam ngoài bắc. Không chỉ lứa trung niên mà cả những bậc cao tuổi. Nhìn đâu cũng thấy những nụ cười sum họp.

Chưa bao giờ chuyện họp lớp được chia sẻ nhiều như bây giờ. Tất cả do thế giới phẳng của mạng xã hội. Cũng bởi nhờ có thế giới phẳng ấy, mà bạn bè dù lưu lạc nơi đâu, kể cả ra nước ngoài, vẫn có cơ hội kết nối. Tầm 2-3 năm trở lại đây, tần suất các cuộc họp lớp cứ tăng dần. Đây là sự khác biệt so với những thế hệ học trò trước đó, nhiều người sau khi rời khỏi không gian có những cửa chớp khép đã “mất hút” trong dòng mưu sinh và trôi dạt. Ngược lại, cũng đừng tưởng rằng lứa học trò cũ ngày nay “phú quý sinh lễ nghĩa”, đâu đâu cũng hội ngộ đàn đúm, nhất là khi một vài khóa họp còn thuê cả dịch vụ chụp ảnh dựng phim tận trong TP.Hồ Chí Minh ra “tác nghiệp” tại miền Trung... Dưới góc nhìn tích cực, đó là nhu cầu có thật để lưu giữ khoảnh khắc quý hiếm. Và quan trọng hơn cả, họ đang trở về…

Hôm nọ, đang ngồi quán cà phê ở một quận trung tâm TP.Đà Nẵng, tôi nghe gần đó bên rộ lên những tiếng cười đùa. Nhìn sang, nhận ra đấy là cuộc họp mặt của nhóm học trò cũ. Cảnh những cựu nữ sinh U60 mặc áo dài trắng đang rạng rỡ hỏi thăm nhau, thấy thật gần gũi và ấm áp. Có cô gái cứ khoe chuyện mẹ của mình vừa đi họp lớp nhân kỷ niệm 40 năm ra trường, nhận ra “họp lớp” không chỉ dành riêng cho lớp trẻ. Một người khác thì than phiền cảnh “chen” nhau hội ngộ tại bãi biển Cửa Lò (Vinh), đến độ cứ 20 mét lại... có một lớp dựng lều. Vất vả, nhưng vẫn vui.

Trở về rồi ra đi

Tôi đã thử quan sát những cuộc trở về của chính mình, và ngạc nhiên nhận ra rất nhiều thay đổi theo dòng thời gian.

Hội ngộ sau 5 năm, có thể vẫn còn những “góc cạnh” trong tâm tư bạn bè. Sau 10 - 15 năm, nhiều người bắt đầu ngừng lặng để quan sát bạn bè xung quanh, hiểu từng câu chuyện đời chuyện nghề. Sau 20 năm rồi “về sau và nhiều năm sau nữa” (Vũ Thành An), biết đâu sẽ là lúc kỷ niệm thanh xuân sẽ ngự trị ở chính những học trò cũ luống tuổi. Khi ấy, đôi khi những chiếc áo dài trắng xúng xính nơi góc sân trường cũ mùa hạ cũng khơi gợi nhiều kỷ niệm. Đôi khi một câu chuyện kể về lần bị thầy cô quở trách cũng dễ khiến họ rơi nước mắt, vì họ biết, những vụng dại thuở hoa niên kia vĩnh viễn không có “cơ hội” xảy ra thêm một lần nào nữa…

Tôi cũng là một đứa học trò, cũng đã có những chuyến trở về và sắp trở về. Nhưng mỗi khi tình cờ bắt gặp hình ảnh một cuộc hội ngộ nào đó vừa được công khai đăng tải trên mạng xã hội, tự dưng thấy vui lây. Vì đoán biết trong số những người trở về kia, rất có thể không có hình bóng của Enrico Bottini bé nhỏ của nhà văn Edmond de Amicis bên trời Ý, nhưng nỗi niềm nhớ nhung trường cũ không hề vơi cạn trong những người còn lại ở xứ sở này. Và nữa, ít ra Enrico đã hóa thân vào rất nhiều cuộc hội ngộ, ít nhất qua cái tên “An Di” rất Việt Nam mà dịch giả Hà Mai Anh từng phóng bút đặt cho cậu qua bản Việt ngữ.

Sắp vào mùa tựu trường mới, dĩ nhiên ai cũng biết có những mùa cũ vừa trôi qua. Đừng quá cả nghĩ và xét nét khi cho rằng, các cuộc hội ngộ vừa thấy đâu đó là thừa thãi, là một kiểu làm màu. “Anh nhớ quá, mà chỉ lo ngoảnh lại/ Không thấy trên sân trường chiếc lá buổi đầu tiên”, Hoàng Nhuận Cầm từng cảm thức như thế. Còn bạn, nếu vẫn chưa biết cách-trở-về, hẳn bạn đã quên mất rằng: Ngày xưa, mình đã ra đi…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những cuộc trở về, mùa hạ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO