Đến với thơ từ khá lâu nhưng mãi tới khi cán đích “lục thập hoa giáp”, Lê Xuân Định mới có một tập thơ đầu tay cho riêng mình. Tập thơ gồm 60 bài, mà theo lời “phi lộ” của tác giả là để “đánh dấu kiếp nhân sinh” nhiều buồn - vui, được - mất, nhưng cái tựa lại phảng phất tiêu dao: “Cõi phiêu bồng”. Và quả thật, ở đó có không ít những câu thơ, bài thơ “phiêu bồng”. Như khi anh “say trăng”, say với chính lòng mình: “Lấp lánh dưới trăng ngàn ánh bạc/ Đào viên sương lạnh cánh dơi bay/ Trăng chỉ riêng mình, trăng bát ngát/ Không rượu, chẳng tình lòng vẫn say” (Say trăng). Như khi anh phiêu du giữa những tinh khôi hoa mộng nơi đất thần kinh cố xứ: “Về Vỹ Dạ trên vòng lăn xe đạp/ Tóc phiêu du cùng gió rắc mưa chiều/ Anh đi tìm hàng cau và hoa bắp/ Chỉ thấy môi cười mọng chín niềm yêu” (Về cố đô).
Tập thơ “Cõi phiêu bồng”, NXB Hội Nhà văn, tháng 6.2017. |
Là một nhân viên bảo tồn - bảo tàng, công việc thường ngày của Lê Xuân Định là đánh thức, phục dựng quá khứ. Chẳng rõ công việc chuyên môn có ảnh hưởng gì đến việc làm thơ, chọn thơ của anh hay không, nhưng ở tập thơ này mạch cảm xúc chủ đạo là những hoài niệm, kiểu như: “Qua phố cổ nhớ người năm cũ/ Phố đợi người rêu phủ dung nhan/ Khung cửa sổ mơ làn tóc xõa/ Người về đâu khi cuộc cờ tàn?” (Nơi phố cổ). Nhiều bài được viết cẩn trọng, lớp lang y như cách các nhà bảo tàng làm khai quật. Từng lớp ký ức đã mờ nhòe theo thời gian được bóc tách cẩn trọng, tỉ mẩn giữa những thao thức, nhớ cũ thương xa đầy tiếc nuối: “Vòng tay hụt hẫng thương yêu/Tìm nhau khi đã rong rêu phận người” (Giọt ngâu). Và, còn có thật nhiều hình bóng của quê xưa, của mẹ, của cha, của gia đình, bạn bè... thấp thoáng trong những giấc mơ quay về đau đáu, xa xôi, hun hút: “Em còn ở lại miền xưa/Ngọn rau cây lúa đong đưa cuộc tình/Sông xanh chảy dưới chân mình/ Xót xa một nhánh lục bình sông ơi!” (Nẻo về). Thơ của Lê Xuân Định trong tập này, vì thế không chỉ là những cuộc lãng du phiêu bồng mà còn là những cuộc “trở về” đầy tâm trạng...
Trong bài thơ được chọn làm tên chung cho cả tập thơ - bài “Cõi phiêu bồng”, Lê Xuân Định có mấy câu thế này: “Sáu mươi năm đi qua ba dòng sông/ Cánh mảng lạc loài tìm nơi bến đỗ/ Đời chênh chao buồm không gặp gió/ Cõi phiêu bồng tay trắng về không”. Có trôi nổi “lạc loài” thật, có chìm nổi “chênh chao” thật, nhưng với anh đó vẫn chỉ là một “cõi phiêu bồng” nhẹ tênh. Và, nói vậy thôi chứ anh nào có “tay trắng về không” đâu khi mà chung quanh vẫn còn bao nhiêu bạn nghề, bạn thơ thân thương và đặc biệt, anh còn có cả một tập thơ 60 bài tròn trịa và thấm đượm ân tình...
BẢO ANH