Với phương châm “thận trọng, tỉ mỉ, khẩn trương, chính xác, khách quan, toàn diện”, từ những dấu vết rất nhỏ, cán bộ chiến sĩ Phòng Kỹ thuật hình sự (PC54) Công an Quảng Nam đã cung cấp những thông tin quan trọng, góp phần giúp cơ quan điều tra khám phá, làm rõ nhiều vụ án.
Theo Đại tá Trương Văn Một - Trưởng phòng PC54 Công an Quảng Nam, các vụ án xảy ra trên địa bàn tỉnh ngày càng diễn biến phức tạp; tội phạm sử dụng những phương thức, thủ đoạn gây án ngày càng tinh vi nên đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, kịp thời có mặt tại hiện trường để thu thập dấu vết, tang chứng, vật chứng và tiến hành giám định, giúp cơ quan cảnh sát điều tra truy tìm thủ phạm. Nhiều vụ án tưởng như đi vào ngõ cụt vì chưa tìm thấy manh mối rõ ràng, chiến sĩ PC54 phải cẩn thận truy tìm từng dấu vết, dù là nhỏ nhất để góp phần làm sáng tỏ vụ án. Đại tá Trương Văn Một cho biết, mặc dù công tác khám nghiệm, ví như các vụ sập hầm lò, cháy, khai quật tử thi... mang tính nguy hiểm và độc hại nhưng cán bộ, chiến sĩ PC54 luôn có mặt kịp thời tại hiện trường. Tất cả các vụ án gây chết người xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đều thu được các dấu vết cần thiết như tóc, vết máu... giúp các phòng liên quan truy tìm và chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng.
Cán bộ chiến sĩ PC54 khám nghiệm hiện trường một vụ án ở Tây Giang và khám nghiệm hiện trường vụ cháy xảy ra trên địa bàn tỉnh. Ảnh: PC54 cung cấp |
Tìm dấu vết hiện trường
Thượng úy Trần Xuân Thành - Đội phó Đội khám nghiệm hiện trường cho biết, bất kể thời tiết khắc nghiệt hay địa hình hiểm trở, khi có án, cán bộ chiến sĩ PC54 luôn có mặt sớm nhất, kịp thời nhất ở nơi xảy ra vụ án để thu thập dấu vết. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng tìm ra manh mối, bởi có những vụ án dấu vết để lại rất “mờ”. Ví như vụ 2 phu vàng bị đâm chết tại huyện Đông Giang năm 2011. Tang vật của vụ án chỉ là một bộ phận của chiếc máy xay đá, việc xác định đối tượng không đơn giản vì địa bàn miền núi phức tạp. Tuy vậy, qua khám nghiệm hiện trường, được biết kẻ thủ ác là người địa phương, thuận tay trái, cuối cùng các lực lượng chức năng cũng khoanh vùng được đối tượng. Qua đấu tranh, đối tượng đã khai nhận hành vi phạm tội. Hay như vụ giết người, chôn xác phát hiện vào tháng 9.2014 tại thị trấn Hà Lam (Thăng Bình). Hung thủ sau khi gây án đã chôn xác và giấu xe máy của nạn nhân cách hiện trường hơn 1km, gây khó khăn cho hoạt động điều tra. Qua khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, cán bộ PC54 nhận định đối tượng là người địa phương, tâm lý không ổn định và cung cấp diễn biến hành vi phạm tội, giúp cơ quan cảnh sát điều tra khám phá nhanh vụ án. Với thành tích này, Giám đốc Công an tỉnh đã “thưởng nóng” cho các cá nhân, tập thể của đơn vị.
Giám định tỉ mỉ
Một trong những biện pháp điều tra quan trọng của ngành công an là công tác giám định. Mỗi năm, PC54 tiếp nhận hơn 100 vụ với hàng nghìn yêu cầu và đã đáp ứng 100% yêu cầu, trưng cầu giám định của các cơ quan tiến hành tố tụng trong và ngoài ngành, của tổ chức và công dân. Nhiều nhất là giám định đường vân tay, tài liệu, ký tự đóng chìm trên kim loại. Khắc phục những hạn chế về phương tiện, trang thiết bị, hóa chất độc hại, những người làm công tác giám định đã đưa ra những kết luận chính xác, làm rõ phương thức, thủ đoạn phạm tội, giúp cơ quan điều tra có cơ sở đấu tranh buộc đối tượng nhận tội. Điển hình như vụ giám định đường vân tay đối tượng Nguyễn Đình Tâm can tội cướp tài sản và Nguyễn Thị Hằng can tội vận chuyển trái phép vật liệu nổ. Hai đối tượng này đều có lệnh truy nã đặc biệt nguy hiểm và rất xảo quyệt: thay tên đổi họ, đến nơi khác làm ăn sinh sống nhằm trốn tránh sự truy bắt. Nhận được yêu cầu, giám định viên PC54 tích cực vào cuộc và chỉ trong một ngày đã đưa ra kết luận chính xác, giúp cảnh sát điều tra truy bắt đúng người.
Gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ giả mạo văn bằng, chữ ký để xin việc, xuất khẩu lao động, hoặc lừa đảo nên công việc của các giám định viên PC54 rất vất vả vì phương thức, thủ đoạn làm giả ngày càng tinh vi. Điển hình là trường hợp tiếp nhận giám định vụ Lê Thị Ánh móc nối với một đối tượng khác làm giấy phép lái xe giả bằng nhựa. Trong vụ này, các giám định viên phải thận trọng, tỉ mỉ nghiên cứu, so sánh, đánh giá từng đặc điểm của chữ ký và con dấu trên giấy phép lái xe và kết luận các giấy phép lái xe này là giả, các hình dấu, chữ ký được lắp ghép màu, được xử lý hết sức tinh vi, trông giống như thật, nhờ sử dụng công nghệ cao... Kết luận giám định này là cơ sở vững chắc để cơ quan cảnh sát điều tra giải quyết vụ án. Thiếu tá Lê Hoàng Vũ - Đội trưởng Đội giám định nói: “Hiện nay, tội phạm làm giả giấy tờ, con dấu, tài liệu ngày càng tinh vi nên đòi hỏi cán bộ chiến sĩ PC54 phải làm chủ các phương tiện, máy móc hiện đại để có thể giám định chính xác”.
THẢO DÂN