Cuộc hành trình đến với rừng, với những vùng đất mới luôn là trải nghiệm thú vị, đáng nhớ với người làm báo. Và, những đêm ngủ rừng, có khi lại trở thành kỷ niệm đẹp.
1.Làm báo, không ít lần tôi cùng đồng nghiệp dừng chân ngủ trong khu rừng già phía “cổng trời”. Ngả lưng nằm trên cánh võng, cuộn tròn theo từng hàng dài, chúng tôi ví mình như những con sâu cuốn lá. Cánh rừng già Zi’liêng thuộc vùng giáp ranh giữa hai xã A Xan và Tr’hy (huyện Tây Giang) càng trở nên lạnh buốt khi trời về khuya. Ở độ cao hơn 1.200m so với mực nước biển, núi Zi’liêng “nuôi” hơn hai nghìn cây pơmu lớn nhỏ tuổi đời hàng trăm năm, che khuất mặt trời. Với nhiệt độ quanh năm rất thấp, đỉnh núi Zi’liêng vì thế luôn được ví như “tủ lạnh khổng lồ” giữa đại ngàn Trường Sơn.
Những lán trại dựng tạm, chuẩn bị cho đêm ngủ giữa rừng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Ở trong rừng, đêm xuống rất nhanh. Những đám sương mù dày đặc phủ kín chân núi, chờn vờn không tìm được lối thoát giữa cánh rừng già. Mưa rừng đổ về càng khiến nhiệt độ xuống thấp hơn ngày thường. Chúng tôi chuyền tay nhau vài ly rượu được mang theo để giữ ấm, nhưng cũng không thấm tháp vào đâu. Đêm mỗi lúc lạnh hơn, kèm hơi nước dạt về từ phía thượng nguồn, cảm giác chúng tôi như sắp bị... đông cứng. Chỉ có những than củi hồng tí tách dưới bàn chân chen chúc để giữ ấm. Chưa bao giờ tôi mong đến trời sáng như lúc này. Chiếc áo gió mượn tạm của một đồng nghiệp trước khi lên đường, cũng không đủ ấm trước nhiệt độ hơn 10 độ C giữa rừng. Cả đêm, sột soạt bên cánh võng, tôi cảm nhận được từng cơn đau dưới bắp chân của mình do bị chuột rút. Trời vừa hửng sáng, chúng tôi đã thức dậy tiếp tục cuộc hành trình leo núi, “đếm” từng cây pơmu cao vút vươn mình đón nắng. Dọc đường đi, câu chuyện của Bí thư Huyện ủy Tây Giang - ông Bh’riu Liếc về rừng cây pơmu quý hiếm như giúp chúng tôi quên đi sự mệt mỏi và hoàn thành chuyến đi “có một không hai” đến vương quốc pơmu đầy trải nghiệm.
Tác giả bên gốc cây pơmu cổ thụ trong đợt tác nghiệp tại “vương quốc pơmu” và “thủ phủ sâm” Ngọc Linh. |
2. Dù đã từng đặt chân đến nhiều vùng đất khó khăn, hiểm trở của các huyện miền núi, nhưng chuyến đi chinh phục đỉnh sâm Ngọc Linh ở thôn 2 (xã Trà Linh, huyện Nam Trà My) lại khiến tôi có cảm giác hồi hộp. Không phải vì đường xa, dốc hiểm, sự hồi hộp hình như không có lý do nào chính đáng. Một ngày trước khi chuyến đi, tôi quyết định từ chối mọi cuộc gọi “làm tí” của bạn bè, đồng nghiệp để giữ sức theo chuyến đường dài vượt núi. Cũng đã từng đặt chân đến nóc Măng Lùng, nơi được xem hiểm trở nhất của huyện Nam Trà My, vào đợt mưa năm ngoái. Đường đến Măng Lùng, dốc nối dốc, trên khoảng đoạn đường chừng gần 4 giờ leo núi. Đầu gối chạm mặt, mồ hôi ướt lưng áo,... những trải nghiệm thú vị cho hành trình chinh phục đỉnh sâm cứ thế trôi theo thời gian cùng những đôi chân của gió. Cảnh vật ở vùng cao luôn là thứ dễ khiến con người ta say đắm mỗi khi đặt chân đến, rồi lại luyến tiếc khi phải rời xa. Thế đấy, những cái tên Kon Bin, Măng Lùng trở nên điển hình của sự quyến rũ và luyến tiếc với những vị khách “dễ dãi” lòng mình. Và thật lạ lùng, Kon Bin đẹp như tranh vẽ...
Chúng tôi đặt chân đến vườn sâm Ngọc Linh khi mặt trời đã ngả bóng về chiều. Bỏ lại Măng Lùng ở phía sau lưng, với đoạn đường dài thêm gần hai giờ đồng hồ leo núi. Âm thanh lạ từ những chiếc máy chống trộm hú vang rừng núi khi “soi” được gương mặt lạ của những người trong đoàn. Mệt, chợp mắt một lúc, tỉnh dậy đã thấy trời tối mù. Sương xuống rất nhanh và kèm hơi lạnh đặc trưng của vùng đất được mệnh danh là “thủ phủ sâm Ngọc Linh” với độ cao hơn 1.500m. Bữa cơm tối nhanh chóng được dọn lên. Một người đàn ông bản địa Xê Đăng khuyến khích tôi uống vài ly rượu để giữ ấm với sương đêm lạnh tím môi. Giữa rừng, nhưng gió vẫn mạnh liên hồi. Chúng tôi nép vào nhau và nằm ngoan như những đứa trẻ say dòng sữa mẹ, không dám động đậy.
3.Một đồng nghiệp ở Đài Truyền thanh huyện Nam Trà My nói với tôi rằng, những đêm ngủ rừng của anh còn nhiều hơn... xuống phố. Cũng không quá, nỗi niềm của những phóng viên đài huyện dân trong nghề ai cũng hiểu. Với tôi, lại càng... hiểu sâu hơn, bởi địa bàn phụ trách luôn được xác định rõ “vùng dân tộc và miền núi”. Với tôi như thế là niềm hạnh phúc, hạnh phúc đúng nghĩa của những đêm ngủ rừng, để gợi nhớ bao điều xưa cũ...
ALĂNG NGƯỚC