Những di tích ở làng

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 02/10/2016 10:26

Nhân việc làng Ngũ Giáp ở Điện Bàn vừa đón bằng công nhận Di tỉnh lịch sử cấp tỉnh cho lăng Quản cơ Hà Đức Tân, tôi liên tưởng đến việc cần phải bảo vệ những di tích của mỗi làng quê - vốn rất đa dạng và phong phú. Mỗi di tích lại gắn liền với một thần tích, sự kiện hay nhân vật lịch sử, văn hóa của mỗi làng từ rất lâu và đóng vai trò hun đúc cách sống của mỗi cộng đồng, góp phần bồi đắp tình yêu quê hương của nhiều thế hệ…

Lăng Hiếu Chiêu Hoàng hậu.
Lăng Hiếu Chiêu Hoàng hậu.

Từ năm 1555, tiến sĩ Dương Văn An đã có mục “Môn Chùa quán” trong Ô châu cận lục để đề cập các danh lam, đền thờ. Đến nhà bác học Lê Quý Đôn, ông đã dày công hơn và có hệ thống hơn khi viết về những nội dung trên, lần lượt trong các tác phẩm như Kiến văn tiểu lục, Phủ biên tạp lục và phần Liệt truyện trong Đại Việt thông sử… Năm 1900, Cao Xuân Dục trong Đại Nam nhất thống chí (quyển 5) viết về tỉnh Quảng Nam cũng đề cập các tự quán, từ miếu, lăng mộ nổi tiếng. Đặc biệt, bác sĩ A. Sallet - một người Pháp, vào năm 1923 đã có một khảo sát khá tường tận về các di tích văn hóa dân gian Chăm ở Quảng Nam rất có giá trị. Nhiều di tích được Sallet mô tả bây giờ đã không còn nữa hoặc đã biến dạng từ di tích Chăm sang Việt, nhưng chúng cho người hậu thế biết thêm về quá trình cộng cư và tiếp biến văn hóa trong lịch sử hơn 400 năm qua, gắn liền với nhiều thần tích… Quảng Nam xã chí, một báo cáo thời phong kiến viết bằng chữ Nho, chữ Pháp và Quốc ngữ vào những năm 1940 - 1944 cũng đặc biệt mô tả kỹ lưỡng về những thần tích ở mỗi làng ở Quảng Nam, mà theo nhà sử học Tạ Chí Đại Trường: “Thần tích xuất hiện qua những giai đoạn khác nhau, phản ánh tâm tư của con người thời đại, níu kéo trên bước chân của mình những sự kiện xảy ra trong thời gian đó về một nhân vật… sẽ làm nổi lên lịch sử cấu thành nhân vật đó… (Phù Đổng Thiên Vương, 1986).

Trên thực tế chúng ta thấy rằng, hiện nay còn rất nhiều những di tích liên quan đến văn hóa, tôn giáo, lịch sử… trong mỗi làng, mỗi vùng ở Quảng Nam chưa được mô tả hết. Chúng ta chỉ mới biết những di tích lớn đã được xếp hạng hay gắn liền với các sự kiện văn hóa diễn ra hàng năm được báo chí mô tả. Do vậy, nhiều thế hệ trẻ ngày nay ở các địa phương chưa hẳn đã hiểu biết hết về lịch sử làng mình, về những sự tích gắn liền với quá trình quy dân lập ấp, xây dựng quê hương của tiền nhân đã diễn ra gay go như thế nào.

Cũng tại thị xã Điện Bàn, nơi vừa diễn ra hội thảo “Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ”, trong khi các nhà khoa học cứ tranh cãi về hai địa danh Cần Húc và Thanh Chiêm, thì từ năm 1958, giáo sư Nguyễn Đình Khiêm đã đến đây khảo sát thực địa và công bố tài liệu. Đây là bài viết thuộc loại sớm nhất của một nhà nghiên cứu người Việt. Giáo sư Nguyễn Đình Khiêm đã xác định hai vị trí nơi giam giữ và nơi hành quyết cha đạo Andre Phú Yên năm 1644 (nay được phong thánh) là nhà lao Thanh Chiêm và Gò Sứ, gần đền thờ bà Đoàn Quý Phi. Những di tích này liên quan đến công giáo thuở sơ khai ở Đàng Trong, nhưng cho thấy nó liên quan chặt chẽ đến vị trí của lỵ sở Quảng Nam kéo dài hơn 400 năm. Song các nhà nghiên cứu đương thời vẫn còn tranh luận, mà quên một nghiên cứu, điền dã công phu của một nhà khoa học tiền bối từ gần 60 năm trước!

Cũng trong giữa tháng 8 năm nay, tôi đã đến làng Chiêm Sơn, nơi có ba di tích là nơi yên nghỉ của Thế tử Nguyễn Phúc Kỳ, mẹ ông là hoàng hậu Mạc Thị Giai và di tích quốc gia Bà chúa Tàm tang - Hiếu Chiêu Hoàng hậu. Tại đây tôi mới lần đầu tiên biết rằng, Thế tử Nguyễn Phúc Kỳ có đến 4 người con trai, đến nay đã sinh ra 13 đời con cháu thuộc 4 chi và có một chi sinh sống, lập nhà thờ Nguyễn Phúc tại thôn Chiêm Sơn, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên. Lăng mộ Thế tử Nguyễn Phúc Kỳ được dời từ Thanh Quýt (Điện Bàn) về đây năm 2000. Tuy chưa được công nhận là di tích, nhưng sự nghiệp của ông đối với xứ Đàng Trong là không nhỏ, trong đó có những chiến tích về quân sự và nối tiếp sự nghiệp mở cửa của chúa cha Nguyễn Phúc Nguyên… Khi tôi dừng lại ở một quán nước bên đường, nhân tiện thử hỏi vài thanh niên về các di tích mà chúng tôi vừa đến thăm, họ lắc đầu không biết!

Trở lại với di tích lăng Quản cơ Hà Đức Tân ở làng cổ Châu Phong. Đây là một nhân vật đầy mưu trí và giỏi võ nghệ, gắn liền với Nghĩa hội Quảng Nam - dưới thời chủ tướng Nguyễn Duy Hiệu, ở làng Phong Ngũ phía bắc thị xã Điện Bàn ngày nay. Nhưng nhiều con cháu họ Hà ở làng Phong Ngũ ngày nay vẫn mơ hồ cho đến khi lăng này được công nhận di tích lịch sử và báo chí đưa tin, huống gì các bạn trẻ các thôn khác của xã Điện Thắng Nam hay thị xã Điện Bàn! Rất tiếc, trong các trường học phổ thông, phần lịch sử địa phương ít được cập nhật và coi trọng! Có lẽ vì không phải… thi chăng!

Ngay chính tại làng tôi và nhiều làng ở bắc thị xã Điện Bàn (và tôi tin rằng ở nhiều nơi khác) cũng vậy, còn rất nhiều di tích lịch sử, tín ngưỡng, văn hóa đang dần bị xóa mất dấu tích trong quá trình đô thị hóa, dân số phát triển và sự… quên lãng của chính con người. Tất cả hiện tượng này sẽ cắt đứt những thế hệ mai sau với quá khứ của quê hương mình. Đó là một báo động cấp thiết cho chúng ta giữa những lời hô hào “giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc” hiện nay!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những di tích ở làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO