Hàng loạt sự kiện, hoạt động văn hóa trong năm 2017 đã đánh dấu bước chuyển mình thành công và chuyên nghiệp hơn của ngành văn hóa xứ Quảng để đưa lĩnh vực này trở thành một trong những động lực phát triển của tỉnh...
Văn hóa vùng cao luôn được “để tâm” trong câu chuyện phát triển chung của ngành VH-TT&DL tỉnh. Ảnh: Đ.NGUYÊN |
Năm của sự kiện
Ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL chia sẻ, năm 2017 là năm trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều sự kiện chính trị, văn hóa và thể thao, du lịch lớn, như kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh và 42 năm giải phóng Quảng Nam, Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI; 70 năm Ngày thương binh liệt sĩ, Ngày văn hóa Hàn Quốc tại Quảng Nam, hay các sự kiện mang tầm quốc tế như năm APEC Việt Nam 2017. “Trong năm qua, sở đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, chuyên môn nghiệp vụ, tổ chức làm việc với nhiều địa phương đơn vị. Qua đó, đã tham mưu để các địa phương ban hành đề án, chương trình, kế hoạch nhằm tăng cường công tác quản lý và triển khai hoạt động của ngành, như đề án về phát triển du lịch cộng đồng; khôi phục bảo tồn và phát huy một số loại hình văn hóa truyền thống; xây dựng tuyến phố văn minh; xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hội An...” - ông Hồ Tấn Cường chia sẻ.
Năm 2017 cũng chứng kiến thành công của ngành văn hóa trong phối hợp, kết hợp, đẩy mạnh xã hội hóa tổ chức các sự kiện, lễ hội. Nhà nước chỉ định hướng, còn doanh nghiệp tham gia khâu tổ chức, thông qua đó sẽ quảng bá hình ảnh của mình; về phía địa phương cũng sẽ làm được những điều đã định hướng để làm sao vừa phong phú về mặt hình thức, tốt về mặt chất lượng nhưng đồng thời không ảnh hướng đến ngân sách. Điều này được thể hiện rõ nhất trong một số hoạt động được tổ chức tại Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI 2017. |
Những sự kiện, hoạt động đã ghi dấu ấn mạnh mẽ về một ngành biết cách tận dụng những lợi thế của địa phương, nhất là trên lĩnh vực văn hóa, để khẳng định những giá trị phát triển bền vững từ di sản... Đã có hơn 100 chương trình nghệ thuật, văn nghệ quần chúng, thu hút nhiều người tham gia, tạo không khí vui tươi, phấn khởi từ vùng núi cao đến biển đảo. Đặc biệt, Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI là một sự kiện văn hóa được đánh giá mang tính quy mô và hoành tráng nhất từ khi bắt đầu hoạt động này đến nay, quy tụ sự tham gia của nhiều địa phương trong nước và các quốc gia, vùng lãnh thổ. Về sự kiện này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh từng chia sẻ rằng, với Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI, thông qua các nước tham gia, đã quảng bá mạnh mẽ hơn du lịch của Quảng Nam đến với bạn bè thế giới. Lâu nay khách quốc tế chỉ biết đến Quảng Nam với Mỹ Sơn và Hội An, festival di sản là cơ hội để tỉnh giới thiệu thêm nhiều điểm đến hấp dẫn khác như Tam Thanh, Tây Giang, Nam Trà My… thu hút du khách trong và ngoài nước tìm đến.
Dấu ấn du lịch
Nằm trong lòng đất Quảng là những giá trị văn hóa bền sâu, tác động khá lớn đến xã hội. Các chương trình hợp tác với một số tổ chức quốc tế về bảo tồn di sản, di tích được duy trì và mở rộng. Trong đó, Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam phối hợp với các địa phương đã lập dự án tu bổ 5 di tích cấp quốc gia và 14 di tích cấp tỉnh, hỗ trợ dựng bia 16 di tích… Hay, một Trung tâm Đào tạo nghề trùng tu di tích do các tổ chức phi chính phủ của Ý tài trợ vừa mở ra tại Quảng Nam, cũng là trung tâm duy nhất ở miền Trung đào tạo nghề này. Chọn Quảng Nam, theo lời các chuyên gia Ý là bởi họ nhận thấy tiềm năng về phát triển kinh tế từ văn hóa cũng như nỗ lực của địa phương trong câu chuyện bảo tồn, phục hồi di tích. Hoặc có thể kể đến loại hình văn hóa phi vật thể - nghệ thuật Bài Chòi vừa được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cũng là thành công lớn của ngành văn hóa trong hành trình phát triển của mình.
Là địa phương được chọn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa lớn, mang tính quốc tế, Hội An - Quảng Nam đã cho thấy sức mạnh về văn hóa của mình. Ảnh: LÊ QUÂN |
Tại Diễn đàn Du lịch miền Trung - Tây Nguyên, hầu hết đánh giá về du lịch của Quảng Nam vừa qua đều mang hướng tích cực, với sự thông thoáng chính sách, đảm bảo hạ tầng du lịch, cũng như khuyến khích các hãng lữ hành. Trong năm 2017, Trung tâm Hỗ trợ du khách Quảng Nam đã đón khoảng 13.000 lượt khách, chưa kể tổng lượt khách tham quan lưu trú năm 2017 ước đạt hơn 5,3 triệu. Ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL chia sẻ, hoạt động quảng bá, liên kết phát triển du lịch ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn, như các kế hoạch liên kết giữa 4 địa phương Hà Nội - Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế, hay việc tham gia các hội chợ thương mại du lịch quốc tế và đẩy mạnh dòng khách từ các thị trường như Hàn Quốc, Thái Lan… Doanh thu du lịch năm 2017 ước hơn 3.860 tỷ đồng, tăng 24,5% so với năm 2016; thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 9.200 tỷ đồng… là những con số khẳng định hiệu quả của một năm làm du lịch.
Thời gian tới, theo ông Hồ Tấn Cường, ngành VH-TT&DL tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các dự án lớn tại vùng tây Quảng Nam, với đề án về Bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số của tỉnh; tiến hành kiểm kê, đề nghị xếp hạng một số di tích, đẩy mạnh quảng bá các điểm du lịch tại những địa phương vùng núi. Tập trung nâng cao chất lượng, cải thiện môi trường du lịch phía nam cũng là những phần việc mà ngành sẽ làm trong năm 2018.
LÊ QUÂN