Mùa giải Nobel 2021 vừa khép lại với các buổi lễ vinh danh những cá nhân đóng góp xuất sắc cho nhân loại trong nhiều lĩnh vực, bao gồm những giải pháp cho vấn đề toàn cầu.
Năm nay, giải Nobel Vật lý được trao cho 3 nhà khoa học Syukuro Manabe (Mỹ), Klaus Hasselmann (Đức) và Giorgio Parisi (Italia) với công trình mang tính đột phá giúp chúng ta hiểu biết về các hệ thống vật lý phức tạp, mô hình vật lý khí hậu trái đất và định lượng các dự báo chính xác về khí hậu ấm lên cũng như tác động của con người đến hành tinh. Nghiên cứu cũng lý giải mức độ tăng khí thải CO2 trong khí quyển dẫn đến nhiệt độ bề mặt trái đất tăng như thế nào.
Giải thưởng được công bố vào lúc cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra và các nhà lãnh đạo thế giới sắp quy tụ về thành phố Glasgow của Scotland để tham gia hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), với thông điệp cứu lấy trái đất trước khi quá muộn.
Giải Nobel Hóa học 2021 vinh danh hai nhà khoa học Benjamin List (Đức) và David MacMillan (Mỹ) với công trình về chất xúc tác hữu cơ. Đây là vật liệu thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp dược phẩm hay quang điện, giúp giảm mạnh giá thành sản xuất và thân thiện hơn với môi trường.
Trong khi đó, giải Nobel Y học được trao cho hai giáo sư người Mỹ là David Julius của Đại học California và Armenia Ardem Patapoutian của Viện Scripps Research với công trình làm sáng tỏ cách giảm đau mạn tính và cấp tính liên quan đến các bệnh, chấn thương và phương pháp điều trị chúng, chăm sóc sức khỏe. Trước đó vẫn còn câu hỏi cơ bản chưa lời giải: nhiệt độ và các kích thích cơ học được chuyển thành tín hiệu nhận diện trong hệ thần kinh như thế nào?
Tiểu thuyết gia người Tanzania - Abdulrazak Gurnah được gọi tên ở giải Nobel Văn học 2021 vì sự thấu hiểu, đồng cảm, thương xót những số phận di dân trong hố sâu ngăn cách giữa các nền văn hóa và lục địa và không khoan nhượng trước ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dân.
Abdulrazak Gurnah được xem là một trong những tiểu thuyết gia vĩ đại của thời hậu thuộc địa đương đại ở Anh, là nhà văn châu Phi da đen đầu tiên đoạt giải kể từ năm 1986 và cũng là nhà văn Tanzania đầu tiên đoạt giải Nobel lĩnh vực này.
Ngay đại dịch Covid-19 toàn cầu cũng cho thấy, người di cư và người tị nạn là những người dễ bị tổn thương, đối mặt kỳ thị, phân biệt đối xử và gặp khó khăn trong việc tiếp cận được các dịch vụ y tế công và trợ cấp thu nhập.
Chỉ một ngày sau khi được xướng tên ở giải Nobel Hòa bình 2021 cùng với nhà báo Dmitry Muratov (Nga), nữ nhà báo người Philippines Maria Ressa - đồng sáng lập trang tin Rappler đã chỉ trích các thuật toán của Facebook “ưu tiên lan truyền những lời nói dối, đi kèm với sự tức giận và hận thù, hơn là ưu tiên lan truyền sự thật”.
Tin giả, tin sai sự thật được ví như những vi rút độc hai lan truyền trên các trang mạng xã hội bao gồm Facebook là vấn nạn mà hầu như quốc gia nào cũng phải đối mặt và tìm cách ngăn chặn bởi chúng trực tiếp tác động đến nhận thức, suy nghĩ, tình cảm và hành vi của người dùng mạng xã hội.
Với giải Nobel Kinh tế 2021, ba nhà kinh tế Mỹ David Card, Joshua D. Angrist và Guido W. Imbens được vinh danh bởi công trình thực nghiệm đối với thị trường lao động, ảnh hưởng từ vấn đề này về mức lương cơ bản, nhập cư và giáo dục, phân tích các mối tương quan giữa nguyên nhân và hệ quả trong lĩnh vực kinh tế. Đặc biệt, các nghiên cứu trên không chỉ thu hẹp trong thị trường lao động, mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác và đã làm thay đổi công tác nghiên cứu căn cứ trên những quan sát.