Giáo dục Quảng Nam tiếp tục tạo dấu ấn với nhiều thành quả nổi bật, nhất là trong việc đổi mới công tác quản lý, dạy và học, nâng cao chất lượng.
Điểm nhấn
Năm học 2018 - 2019, với nỗ lực của toàn ngành trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, giáo dục Quảng Nam đã gặt hái được nhiều kết quả nổi bật, tạo nên những điểm nhấn trong quá trình đổi mới và phát triển. Trước hết, có thể kể đến mạng lưới trường lớp tiếp tục được quy hoạch, sắp xếp hợp lý. Toàn tỉnh có 818 trường, gồm 279 mầm non, 266 tiểu học, 216 THCS, 57 THPT với hơn 344.000 học sinh (HS). Năm học qua, đã đưa vào sử dụng Trường THPT Võ Chí Công ở huyện Tây Giang, đáp ứng nhu cầu học tập của HS vùng cao của địa phương. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia cũng được tổ chức thực hiện có hiệu quả, trở thành địa phương dẫn đầu các tỉnh duyên hải miền Trung. Đến nay, cả tỉnh có 526 trường học đạt chuẩn (tỷ lệ 61.74%); trong đó 151 trường mầm non (54%), 212 trường tiểu học (gần 80%), 146 trường THCS (67%), 17 trường THPT (gần 30%).
Bên cạnh cơ sở vật chất, ngành cũng tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Không chỉ đạt chuẩn, tỷ lệ giáo viên (GV) trên chuẩn chiếm tỷ lệ khá cao, trong đó cấp học mầm non 59,6%, tiểu học 87%, THCS 58%. Đáng chú ý, lần đầu tiên UBND tỉnh tổ chức kỳ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp GV. Kỳ thi diễn ra khách quan, nghiêm túc, đúng quy chế, có 2.166 GV được thăng hạng trong tổng số 2.638 tham gia (tỷ lệ 82%).
Nhờ thực hiện tốt công tác đổi mới quản lý, dạy và học, chất lượng giáo dục năm qua có nhiều chuyển biến. Học trò Quảng Nam ngày càng khẳng định tài năng của mình ở các cuộc thi tầm quốc gia. Tại kỳ thi HS giỏi quốc gia năm 2019, đoàn Quảng Nam mang về 30 giải, gồm 1 giải Nhì, 7 giải Ba và 22 giải Khuyến khích, xếp vị thứ nhì các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên (chỉ sau Đắc Lắc). Tại một số cuộc thi tài năng khác, HS xứ Quảng cũng đã để lại ấn tượng như kỳ thi Olympic truyền thống 30.4, cuộc thi Toán học Hà Nội, Olympic Toán SV-HS toàn quốc, Olympic du học Nga. Với kết quả đạt được ở một số cuộc thi này, có thể thấy chất lượng giáo dục mũi nhọn của tỉnh đã tiệm cận với tốp đầu của cả nước.
Đổi mới, sáng tạo
Tại buổi làm việc với Sở GD-ĐT hồi tháng 3, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đánh giá khá cao những cách làm đổi mới, sáng tạo của giáo dục Quảng Nam thời gian qua. Theo Bộ trưởng, xây dựng trường chuẩn, đầu tư cho giáo dục dân tộc, công tác khảo thí, kiểm định chất lượng, tuyển dụng viên chức giáo dục hay công tác tập huấn chuyên môn cho đội ngũ GV của tỉnh là những điểm sáng đáng ghi nhận. Được biết, kết thúc năm học 2018 - 2019, Sở GD-ĐT Quảng Nam là một trong 23 tỉnh, thành phố được Bộ GD-ĐT tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”.
Năm học qua, toàn ngành đẩy mạnh đổi mới “căn bản, toàn diện” trong công tác quản lý, tuyển sinh, dạy và học, kiểm tra đánh giá. Tuyển sinh lớp 10, trường công lập xét tuyển với chỉ tiêu hạ xuống còn 85%, còn 2 trường THPT chuyên và trường Phổ thông DTNT tỉnh thi tuyển cạnh tranh. Điều này vừa thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân luồng, vừa góp phần nâng cao chất lượng đầu vào. Cùng với đó, ngành đã tạo ra “làn gió mới” trong phong trào thi đua dạy và học qua thay đổi cách kiểm tra, đánh giá. Đó là, Sở GD-ĐT ra đề kiểm tra học kỳ chung toàn tỉnh cho HS tất cả các khối lớp 10, 11, 12 ở 9 môn, khối lớp 9 là 8 môn và khối lớp 6 là 3 môn.
Cách thức tổ chức các cuộc thi, kỳ thi cũng được đổi mới, thay vì tổ chức nhiều kỳ thi diễn ra trong thời gian dài như trước đây, tất cả đã được gộp chung thành hội thi HS tài năng. Ông Nguyễn Hoàng Nam - Trưởng phòng Giáo dục THPT (Sở GD-ĐT) cho rằng, điều này giúp ngành có cơ sở để đánh giá công tác dạy và học theo hướng phát triển năng lực toàn diện của HS theo yêu cầu đổi mới; đồng thời, tạo sân chơi cho các em thể hiện năng lực ở các môn văn hóa cũng như năng khiếu. Qua đó, phát hiện những cá nhân xuất sắc để tiếp tục bồi dưỡng, phát triển tài năng.
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc, thời gian qua, rất nhiều hoạt động đổi mới được triển khai thực hiện, từ các kỳ thi cấp tỉnh của HS, thi GV dạy giỏi đến tổ chức kiểm tra học kỳ theo đề chung trên toàn tỉnh, kiểm tra, dự giờ GV không báo trước, tổ chức hội nghị ban đại diện cha mẹ HS các trường trực thuộc. Tất cả góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản trị, điều hành hoạt động của ngành, mang lại luồng sinh khí mới, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng.