Những điểm sáng năng lực cạnh tranh

TRỊNH DŨNG 26/05/2022 09:52

PCI Quảng Nam năm 2021 rớt 6 bậc (từ 13 xuống 19) trên bảng xếp hạng, nhưng điểm số lại được cải thiện (tăng 0,52 điểm). Không ít chỉ số tăng điểm, thăng hạng, là những điểm sáng đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận nỗ lực của địa phương.

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, từ tiếp cận tín dụng đến đào tạo đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. (Ảnh minh họa)
Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, từ tiếp cận tín dụng đến đào tạo đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. (Ảnh minh họa)

Ghi nhận nỗ lực cải thiện

Theo thống kê, PCI của địa phương năm 2021 đạt 66,24 điểm (xếp vị thứ 19, thuộc nhóm khá), rớt 6 bậc (từ 13 xuống 19), nhưng tăng điểm số (tăng 0,52 điểm). Phân tích 10 chỉ số thành phần cho thấy: 4 chỉ số tăng điểm, tăng bậc (chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp cận đất đai, cạnh tranh bình đẳng, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự), 1 chỉ số tăng điểm, giảm bậc (chi phí không chính thức), 2 chỉ số giảm điểm, giảm bậc (tính minh bạch, tính năng động) và 3 chỉ số giảm điểm nhưng tăng bậc (gia nhập thị trường, đào tạo lao động và chi phí thời gian).

Theo dữ liệu thống kê, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) của địa phương được cộng đồng DN đánh giá khá cao. Kết quả phản hồi từ 192/8.000 DN địa phương cho rằng thủ tục cấp bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV); miễn, giảm chi phí tư vấn pháp luật khi sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật thuộc mạng lưới tư vấn viên của cơ quan nhà nước; miễn, giảm chi phí tham gia các khóa đào tạo có sử dụng ngân sách nhà nước về khởi sự kinh doanh và quản trị doanh nghiệp dễ thực hiện...

Tiếp cận đất đai vốn suy giảm triền miên đã có sự cải thiện khi số ngày chờ đợi để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã giảm từ 30 ngày (năm 2020) xuống chỉ còn 18,75 ngày (năm 2021); trên 70% DN tư nhân không gặp cản trở về tiếp cận đất đai hoặc mở rộng mặt bằng kinh doanh (năm 2020 là 48%); 87% DN cho rằng sự thay đổi bảng giá đất của tỉnh phù hợp với sự thay đổi giá thị trường (năm 2020 là 80%).

Ảnh T.D
Ảnh T.D

DN cũng đã tin tưởng vào cơ quan công quyền khi đa số DN ghi nhận tòa án các cấp của tỉnh xét xử các vụ kiện kinh tế đúng pháp luật, các phán quyết của tòa án được thi hành nhanh chóng và công bằng, các chi phí chính thức và không chính thức từ khi khởi kiện đến khi bản án được thi hành ở mức chấp nhận được...

Kết quả phân tích cũng cho thấy mức độ bình đẳng về môi trường kinh doanh đã cải thiện rõ rệt. Rất ít DN (chỉ từ 9 đến 19%) cho rằng địa phương ưu tiên thu hút đầu tư từ các DN lớn hơn là phát triển DNNVV nội địa; không còn cho rằng thuận lợi trong việc tiếp cận đất đai, thủ tục hành chính hay miễn, giảm thuế thu nhập DN là đặc quyền dành cho các DN lớn.

Gánh nặng về chi phí không chính thức đã dần được gỡ bỏ khi có đến 89% DN cho rằng các khoản chi phí không chính thức ở mức chấp nhận được hay việc chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra, kiểm tra chỉ còn 7% so với con số 30% năm 2020 và 50% DN cho rằng công việc đã đạt được kết quả mong đợi sau khi đã trả chi phí không chính thức.

 

Khoảng trống chưa thể lấp đầy

Các biến số mới nhất về năng lực cải thiện PCI đã được nhận diện. Tuy nhiên, ngay cả những chỉ số tăng điểm, thăng hạng vẫn còn quá nhiều khoảng trống, khó lấp đầy trên thực tế.

Theo phân tích, chỉ số tiếp cận đất đai vẫn còn nhiều “hạt sạn” khi trên 70% DN cho rằng thời hạn giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với thời hạn được niêm yết hay văn bản quy định; 87% gặp khó khăn về thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai trong vòng 2 năm qua; 67% DN phải trì hoãn/hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai.

Cho dù có đến 88% DN nhận định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh tốt, nhưng cơ quan công an xử lý vụ việc của DN hiệu quả chỉ được ghi nhận 1%. Sự bình đẳng trong kinh doanh đã được ghi nhận nhưng vẫn chưa thể gỡ bỏ được khúc mắc nhiều năm không thay đổi.

Tham nhũng vặt dần vơi đi, nhưng không thể chấm dứt hoàn toàn. Không ít DN cho rằng vẫn phải trả chi phí khi thực hiện các thủ tục về đăng ký/sửa đổi đăng ký DN (14%), thủ tục đề nghị cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện (69%), phòng cháy, chữa cháy (23%), thanh tra, kiểm tra thuế (15%), thanh tra, kiểm tra xây dựng (14%), kiểm tra môi trường (9%), quản lý thị trường (8%). Hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN phổ biến (tăng 3% so năm 2020), 41% DN vẫn còn phải trả chi phí không chính thức.

Theo ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng phòng Pháp chế VCCI, xu hướng cạnh tranh giữa các tỉnh, thành trong cải thiện môi trường đầu tư rất mạnh mẽ. Dư địa cải thiện còn nhiều.

Chưa bàn đến các chỉ số giảm điểm, giảm hạng, mà ngay cả những chỉ số được cho là điểm sáng vẫn còn những ách tắc cần nhận diện, thay đổi để có thêm công cụ thúc đẩy bộ máy các sở, ngành, địa phương có thể chuyển động để đo lường được kết quả tác động đến DN trên thực tế. Chi phí thời gian, các thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện là trọng tâm cải cách thời gian đến, khi gánh nặng chi phí với DN còn lớn.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những điểm sáng năng lực cạnh tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO