Phong trào cựu chiến binh (CCB) giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo được xem là chất keo gắn kết nghĩa tình đồng chí, đồng đội trong hội viên. Hiệu quả thiết thực là ngày càng xuất hiện nhiều mô hình, điển hình CCB làm kinh tế giỏi, vươn lên trong cuộc sống.
Gia đình thương binh Võ Biên (xã Hương An, Quế Sơn) có thu nhập cao nhờ mô hình nuôi cá lóc trên cát. Ảnh: VINH ANH |
1. Rời quân ngũ trở về quê năm 1991, hành trang của cựu quân nhân Trần Văn Nam (dân tộc Ca Dong, thôn 2, xã Trà Giác, Bắc Trà My; nhập ngũ năm 1977, phục vụ tại Huyện đội địa phương) là chiếc ba lô và bản lĩnh của người lính được rèn luyện, trưởng thành trong môi trường quân đội. Làm gì để gia đình thoát đói nghèo, có tiền nuôi các con ăn học nên người lúc nào cũng thôi thúc, khiến ông Nam cứ day dứt, trăn trở. Được tiếp sức từ phong trào CCB giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, ông Nam cùng gia đình miệt mài lao động, khai hoang vỡ hóa cải tạo vùng đất quê sỏi đá, cằn cỗi thành vườn đồi, vườn rừng. Từ 30 triệu đồng vốn vay của Ngân hàng Chính sách huyện Bắc Trà My, ông Nam đầu tư mua 2 con trâu, 4 con bò về thả nuôi. Nhờ biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư phát triển kinh tế đúng hướng, đến nay đàn trâu của gia đình ông Nam đã phát triển lên 15 con, đàn bò 25 con, đàn heo 53 con; trồng được 35ha cây keo nguyên liệu, cây cao su và các loại cây lấy gỗ. CCB Trần Văn Nam cho biết: “Từ năm 2009 đến nay, mỗi năm gia đình tôi thu lãi ròng hơn 130 triệu đồng. Nhờ đó, có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ vật dụng gia đình, nuôi 3 con ăn học đàng hoàng. Những thiếu thốn, khó khăn ngày nào đã qua, nhưng bản thân tôi sẽ cố gắng nhiều hơn nữa trong phát triển kinh tế, để có điều kiện giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn cùng vươn lên thoát nghèo, xứng đáng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của anh em đồng đội ngày trước”.
2. Năm 1982, thương binh Võ Biên (xã Hương An, Quế Sơn; nhập ngũ năm 1977, Trung đoàn T43, Sư đoàn B15) trở về quê sau 5 năm làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia. Vùng quê Hương An vốn nghèo khó, diện tích đất trồng lúa ít, chỉ trồng được khoai môn, sắn. Gia đình ông Biên vì thế cũng không thoát khỏi khó khăn thiếu thốn. Bằng nghị lực và quyết tâm vượt khó, ông Biên luôn nung nấu tìm hướng phát triển kinh tế gia đình. Năm 2006, từ một người đồng đội, ông biết trong Quảng Ngãi có mô hình nuôi cá lóc trên cát đạt giá trị kinh tế cao nên lặn lội đến tận nơi tham quan, học kinh nghiệm. Trở về quê, ông Biên mạnh dạn vay 60 triệu đồng đào hai hồ nhỏ, thả nuôi 5.000 con cá lóc giống. “Vạn sự khởi đầu nan”, mấy lứa cá đầu tiên không đạt hiệu quả. Cá lóc nuôi trong hồ bị dịch bệnh chết, lượng cá thu hoạch cuối vụ không đủ bù đắp chi phí đầu vào.
Không nản chí, ông Võ Biên lên Internet tự tìm hiểu về những bệnh thường gặp ở cá lóc và cách phòng, điều trị. Từ đúc kết thực tế cộng với những kiến thức mày mò học hỏi được, năm thứ hai, ông Biên đã làm chủ kỹ thuật nuôi cá lóc. Với hai hồ cá ban đầu, ông Biên đã đầu tư xây dựng 12 hồ với tổng diện tích 800m2 và một ao thả cá trê lai để tận dụng nguồn thức ăn dư thừa từ các hồ cá lóc thải ra hàng ngày. Hiện mỗi năm gia đình ông Biên thu hoạch 4 lứa cá cho lãi ròng khoảng 200 triệu đồng. Có thu nhập ổn định, ông Biên đầu tư mua xe tải để chủ động vận chuyển thức ăn và cung cấp cá cho các đầu mối thu mua tại Đà Nẵng và TP.Tam Kỳ. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Biên còn nhiệt tình hướng dẫn kinh nghiệm nuôi cá lóc trên cát cho đồng đội và bà con trong vùng. Ông Phan Thanh Cận - Chủ tịch Hội CCB xã Hương An nhận xét: “Mô hình phát triển kinh tế nuôi cá lóc của thương binh Võ Biên là một điểm sáng trong hoạt động của hội, góp phần quan trọng vào phong trào CCB phát triển kinh tế tại địa phương”.
3. Thực hiện nghị quyết chuyên đề về xóa nghèo, xóa nhà tạm cho hội viên giai đoạn 2009 - 2014, Hội CCB xã Ba (Đông Giang) đã đề ra kế hoạch, giải pháp thực hiện cụ thể theo từng năm. Từ phong trào CCB giúp nhau thoát nghèo, toàn hội đã tập trung vận động hội viên thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi. Trong đó xác định rõ hướng đầu tư hiệu quả, loại bỏ những thói quen sản xuất truyền thống, tốn kém chi phí, công sức. Đồng thời xác định cây trồng, con vật nuôi theo thổ nhưỡng, đặc điểm để sản xuất ra sản phẩm đặc trưng, có giá trị kinh tế nhằm góp phần xóa đói, giảm nghèo. Ông Phan Văn Hải - Chủ tịch Hội CCB xã Ba cho hay, nhiều hội viên nhận thấy địa bàn xã trồng cây keo và cây chè kết hợp với chăn nuôi bò, trâu và một số loại gia cầm dưới tán cây có hiệu quả kinh tế cao nên đã mạnh dạn đầu tư vốn, công sức xây dựng mô hình gia trại, trang trại nhỏ, mô hình vườn đồi theo hướng lấy ngắn nuôi dài. Đến nay, các mô hình cho thu nhập bình quân khoảng 140 triệu đồng/năm. Toàn hội viên trong xã giờ không còn hộ CCB nghèo. “Điều xúc động là nhiều CCB mang trên người nhiều thương tích, bệnh tật do chiến tranh để lại nhưng các đồng chí không trông chờ, ỷ lại, không bi quan chán nản. Bằng ý chí và nghị lực của mình, họ đã vượt qua sự giày vò của thương tật, đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình, thoát đói nghèo và trở thành những tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi. Tiêu biểu như các thương binh Phan Văn Chiến, Phan Anh Trúc, Dương Phú Đức... làm kinh tế giỏi với thu nhập 100 - 150 triệu đồng/năm. Không chỉ làm kinh tế giỏi, các thương binh này còn giúp đỡ nhiều hội viên CCB nghèo phát triển kinh tế bằng cách bán vật tư, con giống không lấy lãi” - ông Phan Văn Hải, Chủ tịch Hội CCB xã Ba nói.
HÀN GIANG - VINH ANH