Những "Điều dưỡng viên" đặc biệt

NGỌC DIỆP 07/11/2013 13:45

Ở Kho K55 (Cục Kỹ thuật Quân khu 5) có 21 nữ thủ kho, bảo quản viên vũ khí đạn. người “non” nhất đã ngót nghét 30, “cứng” nhất đã sang tuổi 47, quanh năm suốt tháng vẫn thầm lặng bảo quản, bảo dưỡng, “khám, chữa bệnh” cho các loại vũ khí, đạn, đáp ứng yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang Quân khu 5.

Công việc nặng nhọc, môi trường làm việc độc hại, nguy hiểm, để trụ được ở đây, mỗi chị em ít nhất phải có trình độ sơ cấp về đạn và luôn tuân thủ nghiêm ngặt kỷ luật lao động. Gắn bó với Kho K55 từ năm 1994, đã gần 20 năm tuổi nghề nhưng mỗi khi vào ca Thiếu tá chuyên nghiệp Đặng Thị Thảo sẵn sàng “vào vị trí chiến đấu” như lần đầu. Chị cho biết: “Thuở mới “nhập môn”, nhìn “núi” đạn ngồn ngộn trong kho, cứ lo đến mất ăn mất ngủ. Đây là mặt hàng đặc biệt, nên thiếu không được mà thừa lại càng không xong. Mà chúng cũng “đỏng đảnh” lắm, đòi hỏi chế độ chăm sóc rất chi li, kỹ lưỡng. Do vậy, chị em chúng tôi luôn tích cực học tập để nắm vững nghiệp vụ chuyên môn, thành thạo quy trình công nghệ, “chẩn đoán và điều trị” chính xác, kịp thời nhằm ngăn chặn mọi nguy cơ mất an toàn có thể xảy ra”.

Nữ bảo quản viên vũ khí đạn Kho K55 trong giờ làm việc.                 Ảnh: N.DIỆP
Nữ bảo quản viên vũ khí đạn Kho K55 trong giờ làm việc. Ảnh: N.DIỆP

Hằng năm, các chị được đơn vị huấn luyện về quy tắc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, luyện tập các phương án phòng chống cháy nổ, triển khai khám sức khỏe định kỳ, bảo đảm các chế độ bảo hộ lao động, bồi dưỡng độc hại... Đồng thời Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ Kho thường xuyên phối hợp đẩy mạnh các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, thăm hỏi giúp đỡ đoàn viên, hội viên đau ốm, gặp hoạn nạn…

Thiếu tá chuyên nghiệp Trần Thị Giang chia sẻ: “Hằng ngày khuân vác những thùng đạn nặng nên điểm chung của đội chúng tôi là bàn tay phụ nữ đầy vết chai. Thời trang 4 mùa là bảo hộ lao động. Lâu dần có chị “quên” cả nhu cầu làm đẹp. Thế nhưng đã trót “bén duyên” và xác định bền lòng thủy chung gắn bó với nghề, chúng tôi luôn tận tình chăm đạn như chăm con”.

Đại úy chuyên nghiệp Võ Thị Hồng, bảo quản viên vũ khí, Chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở Kho K55 dí dỏm: “Trông coi, chăm sóc “đàn con” trị giá hàng tỷ đồng, chúng tôi là những “triệu phú” mặc áo lính đấy!”. Rồi giọng chị chùng xuống: “Cái nghề này cẩn thận bao nhiêu cũng chưa đủ, sơ sẩy một li cũng quá thừa nên chị em yêu thương, gắn bó với nhau còn hơn ruột thịt. Vừa qua, thực hiện nhiệm vụ di dời kho lên vị trí mới cách xa 80km, trong khi hầu hết cánh mày râu túc trực ở “điểm đến” để tiếp nhận sắp xếp hàng hóa, thì ở “điểm đi” này, chị em tự giác người khỏe giúp người yếu, khuân vác, vận chuyển hàng chục tấn vũ khí đạn bảo đảm tiến độ, an toàn”.

Có tận mắt chứng kiến công việc một ngày như mọi ngày của những lao động trực tiếp ở Kho K55, tận tay chạm vào những quả đạn lạnh lẽo mới thấu hiểu vì sao những nữ quân nhân nơi đây được ví như người “giữ lửa”. Họ giữ “lửa” yên bình bằng trái tim, khối óc, tấm lòng và tinh thần trách nhiệm của những thủ kho, bảo quản quản viên, quân khí viên.

Thiếu tá chuyên nghiệp thủ kho Nguyễn Thị Hiền bày tỏ: “Thú thật, giữ kho vũ khí đạn, lo suốt cả 4 mùa. Nắng lo cháy nổ, mưa lo dột tạt, trời mát lo mối mọt, ẩm mốc... So với cánh mày râu, chị em sức vóc không bằng song bù lại tỉ mỉ, cẩn trọng có phần hơn. Ngày đi làm vã mồ hôi, đêm về lại vắt tay lên trán, điểm lại những việc đã làm, xem khâu nào làm chưa tốt, chưa tròn cần rút kinh nghiệm. Nhờ thế chúng tôi thường sớm phát hiện, xử lý kịp thời những nguy cơ có thể xảy ra, bảo đảm tốt an toàn lao động và phòng chống cháy nổ”.

Thượng tá Chính trị viên Phạm Quốc Khánh nhận xét: “Những nữ thủ kho, bảo quản viên của đơn vị tôi là những “hạt gạo trên sàng”. Trải qua bao thử thách, với sự nỗ lực phấn đấu bền bỉ, chị em đã và đang khẳng định được vị trí vai trò trong bảo đảm kho tốt, giữ kho an toàn, đóng góp tích cực xây dựng Kho K55 vững mạnh”.

 NGỌC DIỆP

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những "Điều dưỡng viên" đặc biệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO