LTS: Báo Quảng Nam Cuối tuần số ra ngày 9.2.2018 có đăng bài “Đỗ Thúc Tịnh - một trí thức Quảng Nam tiêu biểu” của nhà nghiên cứu Lưu Anh Rô. Mới đây, Tòa soạn nhận được bài viết của tác giả - nhà nghiên cứu Hán Nôm Trần Văn Quyến với nhiều chi tiết về cuộc đời và sự nghiệp của nhà yêu nước này. Xin giới thiệu đến bạn đọc.
Khu mộ Đỗ Thúc Tịnh tại xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. ảnh: Võ Hà |
Tiến sĩ khai khoa của huyện Hòa Vang
Đỗ Thúc Tịnh tự là Cấn Trai, quê xã La Châu tổng Phước Tường, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam (nay là thôn La Châu, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng). Thân phụ Đỗ Thúc Tịnh là Đỗ Như Tùng đã theo chân cha chuyển đến sống ở huyện Hòa Vang xây dựng lên chi họ Đỗ ở đây. Ông sớm mồ côi cha lúc nhỏ tuổi, tự mình phải vươn lên trong cảnh nhà nghèo mà học hành đỗ đạt, tôn kính mẹ, vâng lời anh rất có hiếu đễ. Ông đậu cử nhân trong khoa thi Bính Ngọ, niên hiệu Thiệu Trị thứ 6 (1846) và đỗ Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, Đệ tứ danh khoa Mậu Thân, năm đầu niên hiệu Tự Đức (1848). Nếu như cha ông là người khai khoa tú tài của huyện Hòa Vang (đỗ sinh đồ (tú tài) hai khoa: khoa Kỷ Mão năm Gia Long thứ 18 (1819) và khoa Tân Tỵ năm Minh Mạng thứ 2 (1821) sau đó làm Tri huyện huyện An Định) thì Đỗ Thúc Tịnh lại trở thành vị tiến sĩ khai khoa của huyện Hòa Vang. Đây chính là một trong những nền tảng vững chắc về nền nếp gia phong truyền đời để ông lại tiếp tục phát huy truyền thống đó cho thế hệ sau ở quê nhà cũng như những nơi ông đến trị nhậm.
Làm quan - “đi dân nhớ ở dân thương”
Trong lời châu phê của vua Tự Đức: “Ông ấy đang ở đương chức, lại có khả năng giữ mình ở mức “thanh bần”, hết lòng vì dân. Cứ theo lời đề đạt nhiều lần của quan tỉnh, chỉ có đề xuất một lời: Ông ấy là người “liêm cán” hết mình. Điều đó rất có thể làm gương cho các phủ huyện. Nay ta ghi tặng ông Đỗ Thúc Tịnh được đứng vào hàm: ”Thực thụ Hàn lâm viện thị độc”, nhưng vẫn giữ chức Tri phủ phủ ấy, để khuyên những quan lại khác làm theo. Hãy kính cẩn vâng mệnh” (Hòa Vang huyện chí, bản dịch của Hanh phủ Nguyễn Đình Thảng). |
Trong thời gian ngắn 8 năm làm quan triều Nguyễn ở Khánh Hòa từ 1853 - 1861, trải qua các chức từ Tuần phủ Diên Khánh đến Án sát sứ rồi Bố chính sứ, Đỗ Thúc Tịnh đã thể hiện bản lĩnh và nhân cách của một người làm quan chính trực, yêu dân. Tại phủ Diên Khánh ông đã bắt tay tổ chức hoạt động phòng thủ, xây dựng đời sống của cư dân, chấn hưng học phong, mộ dân khai khẩn đất hoang... trở thành biểu tượng của nhiều vị quan đương thời về tinh thần vì dân phục vụ. Phủ Diên Khánh từ xưa dân chịu nhiều nỗi khổ cực của miền núi rừng, đường sá ngăn cách đi lại không thuận lợi, thường bị cọp dữ bắt, nên cư dân phải lưu tán nhiều nơi. Khi ông đến nhận nhiệm sở, đích thân đốc suất dân làng săn bắt cọp dữ, sửa sang đường sá. Sau thời gian ngắn cọp rừng đã lánh xa, dân cư được chiêu mộ từ các nơi về có đến vài trăm hộ, dần xây dựng xóm làng quy tụ thành từng vùng. Đỗ Thúc Tịnh giúp họ mua sắm nông cụ, trâu bò, khai khẩn đất hoang. Người già được nuôi nấng, người ốm đau được cho thuốc chữa, những nhà nghèo khổ được chẩn cấp. Bọn cường hào gian ác bị trừng trị, loại du thủ du thực được răn đe để trở về với nghề nông tang làm gốc.
Hai lần vào tháng 10.1854 và tháng 12.1855, ông được triều đình Huế triệu về làm Giám sát Ngự sử và Thự Viên ngoại lang Bộ Binh nhưng cả 2 lần dân ở phủ Diên Khánh và các vị quan đầu tỉnh đều viết đơn xin giữ ông lại vì những việc ông đã làm cũng như những việc còn dang dở. Vua Tự Đức khen ông là: “người thanh liêm cần cán vào hạng nhất trong hàng phủ huyện” (Đại Nam liệt truyện).
Chống Pháp đến hơi thở cuối cùng
Sau 5 tháng (tháng 8.1858 - 2.1859) tấn công vào Đà Nẵng không thành, liên quân Pháp và Tây Ban Nha đã phải chuyển quân vào nam mở mặt trận mới ở Gia Định. Trên đường chuyển quân vào nam, quân Pháp đã cho 14 chiến thuyền tấn công vào đảo Tử thuộc cửa biển Nha Trang. Lúc này Đỗ Thúc Tịnh cùng với Tôn Thất Dương là hai vị quan đầu tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp cùng với 500 lính Tiền phong cùng nhau đóng giữ và ngăn chặn cuộc tấn công của quân Pháp tại đây (Đại Nam thực lục). Tờ Châu bản ngày mùng 10 tháng Giêng niên hiệu Tự Đức thứ 12 (1859) cho biết rõ về việc này: “tập tâu của bọn Tôn Thất Dương, Đỗ Thúc Tịnh ở tỉnh Khánh Hòa cho biết: Có nhiều thuyền của bọn Dương đi đến neo đỗ tại đảo Tử của hạt đó. Tỉnh đó đã phái binh lính cùng triệu tập binh lính của ban chặn giữ các nơi trọng yếu trên đường bộ đủ để giúp cho việc phòng ngự rồi. Duy có điều hiện có nhiều thuyền của bọn Dương di, chưa biết chúng định làm gì nên cần phải điều phái thêm binh lính để trấn giữ”.
Sau một thời gian làm quan ở Khánh Hòa, mùa hạ tháng 4 năm Tự Đức thứ 14 (1861), Đỗ Thúc Tịnh được sung chức Khâm phái quân vụ vào Nam kỳ để tổ chức kháng Pháp. Tại đây ông đưa ra ấn kiếm được vua ban để mọi người tin và treo bảng chiêu mộ quân binh. Chỉ trong vòng vài tháng số người quy tụ lên đến hàng ngàn. Từ đó chia thành đội ngũ, mua sắm chiến liệu, chia tập kích quân giặc, liên tiếp thu nhiều trận thắng. Thời gian sau đó ông tiếp tục dâng sớ xin triệu tập binh sĩ, tích trữ lương, chọn chỗ hiểm lập đồn luyện quân để phòng, lúc đánh, lúc giữ. Ngày 26 tháng Giêng năm Nhâm Tuất, niên hiệu Tự Đức thứ 15 (1862), khi đang trong quân thứ, thì ông bị chứng thổ tả và qua đời khi vừa tròn 45 tuổi. Được tin các biên thần tâu về, vua Tự Đức rất đỗi đau buồn và than rằng: “Người tôi trung và mẫn cán chẳng may bị đoản mệnh, chẳng biết sự cơ rồi sẽ như thế nào? Vả lại, khi con người mà bị mất cả “chân tay” thì đâu có khả năng làm được lớn!”.
Cuộc đời làm quan của Tuần phủ Đỗ Thúc Tịnh chỉ vỏn vẹn hơn 10 năm nhưng những việc mà ông đã làm đã trở thành tấm gương về tinh thần làm việc của người làm quan trong xã hội xưa cũng như nay. Với trách nhiệm của làm quan ông chăm lo cho đời sống của dân bằng tình cảm chân thành, chia ngọt sẻ bùi. Với trách nhiệm làm dân của một nước bị kẻ thù xâm phạm lãnh thổ, ông đã anh dũng xung phong ra trận tiền, khơi dậy trong quân sĩ khí, sẵn sàng ở tiền tiêu, hy sinh vì việc nước. Đỗ Thúc Tịnh xứng đáng là tấm gương sáng “vì nước quên thân vì dân phục vụ” để lịch sử lại tiếp tục viết lên những cái tên: Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Trung Trực... nối dài của tinh thần quật khởi kháng Pháp sau này.
TRẦN VĂN QUYẾN