Những "đóa hoa" rừng

LĂNG A CÚI 09/05/2014 11:13

Vượt qua mọi “rào cản” về hoàn cảnh gia đình, hủ tục, những cô gái của bản làng trở thành tấm gương sáng trong việc xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao dân trí người dân…

Hoa rừng Pêtapooc

Y Khâu, cái tên rất lạ của cô bé người Giẻ Triêng, hiện theo học lớp Giáo dục mầm non tại Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật và du lịch Quảng Nam. Khâu là một trong 2 người con của làng Pêtapooc (xã Đắc Pring, huyện Nam Giang) bước chân ra khỏi làng, về học dưới xuôi. Y Khánh, chị gái Khâu hiện cũng đang theo học chế độ cử tuyển tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng.

Ở nhà, Y Khâu giúp chị trông cháu.
Ở nhà, Y Khâu giúp chị trông cháu.

Nỗi ám ảnh về cái đói nghèo, hủ tục luôn khiến cô trăn trở. Bước chân ra khỏi làng là sự nỗ lực rất lớn của Khâu chỉ với một ước muốn rất giản dị, trở thành cô giáo riêng của làng. Bạn bè, thầy cô xem Khâu như một tấm gương sáng về tinh thần vượt khó học tập, ngay từ khi còn học ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh. “Một năm chỉ về được 2 lần thôi. Nhà xa, mỗi lần về là tốn hơn cả tháng ăn học dưới đây rồi. Khó lắm!” - Khâu chia sẻ. Kể từ lúc xuống núi đi học, rất hiếm khi Khâu về nhà. Ngôi làng Pêtapooc trắc trở không còn lạ lẫm gì với nhiều người. Một “ốc đảo” dường như bị tách biệt với thế giới bên ngoài, nằm chênh vênh trên triền núi nơi giáp ranh của hai địa phận vùng biên Quảng Nam - Kon Tum. Ngày Khâu rời làng xuống phố đi học, rất đông người dân trong làng đến động viên. Những cái nắm tay bịn rịn, những lời dặn dò chu đáo và cả bữa tiệc liên hoan đầy món ẩm thực truyền thống… được dân làng tổ chức khiến Khâu cảm động. Sự động viên tế nhị mà dân dã, mộc mạc như chính cái bụng của dân làng Pêtapooc.

Gương mặt trẻ vùng biên

Chị Bh’nướch Thị Blắc, có lẽ là gương mặt nổi bật nhất ở huyện miền núi Tây Giang trong công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Bởi chẳng mấy ai được như chị, mỗi năm thu nhập bình quân gần 100 triệu đồng. Căn nhà mới khang trang của vợ chồng chị Blắc ở thôn R’cung (xã Bha Lêê), cạnh đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Bên góc nhỏ nhà kho gần con đường, chị Blắc vẫn cần mẫn xếp từng bó vỏ quế chuẩn bị nhập bán cho các tiểu thương.

Nữ “thủ lĩnh” vùng biên Tây Giang Bh’nướch Thị Blắc.
Nữ “thủ lĩnh” vùng biên Tây Giang Bh’nướch Thị Blắc.

Ngày trước, cũng như nhiều phụ nữ Cơ Tu khác, gia đình Blắc nghèo… rớt mùng tơi. Cái ăn được tính từng ngày. Nương rẫy quanh năm, cuộc sống cứ thế không thể khấm khá hơn. Không thể đói nghèo mãi được, Blắc quyết định vay vốn ngân hàng chính sách để quay vòng mô hình chăn nuôi, rồi tính chuyện trồng keo, buôn bán tạp hóa. Sau 5 năm, chị thành công như mong đợi, trở thành gương sáng về các mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Có của ăn, của để, Blắc quan tâm giúp đỡ cho người dân địa phương. Chị mở quầy thu mua các mặt hàng nông sản của người dân trong vùng, tham gia nhiệt tình các công tác xã hội tại địa phương, nhất là công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Năm 2011, Blắc vinh dự được chọn là một trong 4 gương mặt trẻ của Quảng Nam tham dự Liên hoan Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ 2, tại Hà Nội. “Sắp tới, mình tiếp tục mở rộng mô hình trồng rừng, chăn nuôi gia súc… Có đất, mà không biết tận dụng thì thật phí quá!”- Blắc chia sẻ.

LĂNG A CÚI

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những "đóa hoa" rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO