(QNO) - Sự bùng nổ của khoa học công nghệ đang góp phần thay đổi mọi mặt đời sống - xã hội nhân loại, bao gồm lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Mắt sinh học
Bệnh viện Mắt Moorfields ở Luân Đôn thành công ca ghép mắt sinh học đầu tiên của Vương quốc Anh. Bệnh nhân là một phụ nữ 88 tuổi bị thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (AMD) - nguyên nhân hàng đầu gây mất thị lực ở người từ 60 tuổi trở lên.
Một vi mạch 2mm được cấy vào võng mạc của bệnh nhân. Sau đó, bà được đeo kính trang bị camera kết nối với một máy tính nhỏ. Máy ảnh sẽ quét môi trường xung quanh bệnh nhân và truyền thông tin đến con chip, rồi chip sẽ gửi thông tin đến não bệnh nhân.
Cánh tay robot thông minh
Công ty khởi nghiệp công nghệ Esper Bionics (Ukraine) phát triển cánh tay sinh học có khả năng kết nối cơ thể con người với các chi giả một cách liền mạch hơn.
Cánh tay giả chỉ nặng 380g, có 24 cảm biến thu nhận và xử lý hoạt động của cơ và xung não để kích hoạt hành động ở cánh tay. Một giao diện được sử dụng để trao đổi thông tin giữa não và thiết bị.
Sản phẩm được Tạp chí TIME đánh giá là một trong những phát minh tốt nhất của năm 2022.
Khung xương sinh học dành cho trẻ em
Công ty công nghệ Tây Ban Nha Marsi Bionics tạo thiết bị ATLAS 2030 để giúp trẻ em mắc các bệnh về thần kinh - cơ. ATLAS 2030 có thể nâng đỡ toàn bộ cơ thể của trẻ từ thân cho đến chân, thậm chí còn nâng đỡ phần đầu.
Thiết bị có gắn khớp hoạt động cùng với các cảm biến của hệ thống để nhận biết ý định chuyển động của người dùng nhằm biến chúng thành hành động.
Thiết bị đeo
Thiết bị đeo theo dõi sức khỏe của chúng ta trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Các loại cảm biến được sử dụng cho phép theo dõi nhiều chỉ số sức khỏe như nhịp tim, mức ô xy trong máu, nhiệt độ cơ thể, máy đo huyết áp, theo dõi giấc ngủ...
Công nghệ mRNA
Công nghệ mRNA trong chế tạo vắc xin COVID-19 gây nhiều chủ ý, mang lại hiệu quả cao, phát triển nhanh và giá thành rẻ. mRNA - hay còn được gọi là RNA thông tin - là vật chất di truyền giúp cơ thể tạo ra protein.
Công nghệ mRNA mang lại hy vọng trong việc phát triển các loại vắc xin từ ung thư đến phòng vi rút Zika, sốt rét... Giáo sư Katalin Kariko người Mỹ gốc Hungary là tác giả công nghệ mRNA đứng sau vắc xin COVID-19.
Chăm sóc sức khỏe tâm thần
Trên toàn cầu, trầm cảm được dự đoán sẽ trở thành nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng bệnh tật vào năm 2030, khiến nhu cầu về các phương pháp điều trị mới trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Ứng dụng chatbot có thể hỗ trợ bệnh nhân thực hành chiến lược trị liệu hành vi nhận thức bằng cách sử dụng các ứng dụng trên điện thoại thông minh, có thể phát hiện tâm trạng, cảm xúc dựa trên giọng nói và kiểu nói của bệnh nhân.
Thực tế ảo (VR)
Công nghệ này đang được sử dụng thường xuyên hơn để điều trị và quản lý một loạt vấn đề về sức khỏe tâm thần, bao gồm căng thẳng, lo âu, mất trí nhớ và tự kỷ...
Thực tế ảo cũng có khả năng thay đổi nhận thức và cảm nhận của bệnh nhân về cơn đau, bên cạnh chức năng điều trị các vấn đề sức khỏe tâm thần.
Trí tuệ nhân tạo (AI)
AI ngày càng trở nên hiệu quả hơn trong việc phát hiện bệnh, chẩn đoán chính xác và xác định bệnh sớm như bệnh tin mạch.
Bác sĩ lâm sàng sử dụng AI để tạo ra các chương trình điều trị toàn diện hơn, như cho phép bệnh nhân quản lý các vấn đề sức khỏe của mình một cách hiệu quả hơn.