Những dự án nhân văn

XUÂN HIỀN 26/11/2018 02:29

Cả ba dự án khởi nghiệp của những người rất trẻ tại Hội An, đều cùng chung một tư duy khi bắt đầu vận hành: kế thừa những giá trị truyền thống, chia sẻ và lo lắng cho người già, trẻ con...

Huỳnh Nga với các sản phẩm từ len sợi đang có kế hoạch mở rộng thị trường và không gian sản xuất. Ảnh: X.H
Huỳnh Nga với các sản phẩm từ len sợi đang có kế hoạch mở rộng thị trường và không gian sản xuất. Ảnh: X.H

Tour du lịch trẻ em

“Tour du lịch cho trẻ em” của Nguyễn Trần Cẩm Giang (SN 1981) khởi phát ý tưởng từ những buổi xây dựng hoạt động cho bảo tàng tại TP.Hội An. Cẩm Giang hiện làm việc cho Trung tâm Quản lý và bảo tàng di sản văn hóa Hội An. Chị cũng là người mang ý tưởng và đưa vào thực tế hoạt động “Chúng em cùng nhau khám phá bảo tàng” - trở thành một chương trình ý nghĩa cho thiếu nhi các trường mầm non và tiểu học tại Hội An. “Từ năm 2013, khi hoạt động này được ứng dụng đã nhận được sự phản hồi rất tốt từ các bậc phụ huynh cũng như sự hào hứng của trẻ em. Thay vì phụ huynh giao cho con em mình một thiết bị thông minh, thì để con em trải nghiệm hoạt động này sẽ giúp các em hiểu biết nhiều hơn về văn hóa, lịch sử của quê hương mình” - Nguyễn Trần Cẩm Giang nói. Từ khi vận hành đến nay, hoạt động này đã thu hút gần 1.000 lượt học sinh các độ tuổi tìm đến.

Đinh Thanh Sang với dự án “Thiết bị điều khiển thông minh” được kỳ vọng sẽ thành công trong tương lai. Ảnh: X.H
Đinh Thanh Sang với dự án “Thiết bị điều khiển thông minh” được kỳ vọng sẽ thành công trong tương lai. Ảnh: X.H

Phát triển từ ý tưởng này, hai năm trở lại đây, Cẩm Giang tiếp tục đưa chương trình cùng thiếu nhi trải nghiệm các làng nghề vùng ven của Hội An, như làng rau, làng gốm, làng mộc... Với mỗi tour khám phá 10 - 15 em ở độ tuổi 5 - 14 tuổi, các em sẽ được trải nghiệm các hoạt động khám phá tại bảo tàng cũng như tham gia quy trình sản xuất tại các làng nghề. Cẩm Giang chia sẻ, hiện tại dự án của chị đang được vận hành dưới hình thức hoạt động có thu của Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An, cơ quan này cũng cho phép chị mang ý tưởng của mình để “ra riêng”. Tương lai không xa, Công ty TNHH MTV tổ chức tour du lịch cho trẻ em của Giang sẽ ra đời và kết nối cùng các hoạt động hướng ngoại cho trẻ em nhằm tạo thêm nhiều sân chơi cho trẻ.

Từ nền tảng chương trình “Chúng em cùng nhau khám phá bảo tàng”, Cẩm Giang sẽ phát triển trở thành tour du lịch cho trẻ em. Ảnh: FBNV
Từ nền tảng chương trình “Chúng em cùng nhau khám phá bảo tàng”, Cẩm Giang sẽ phát triển trở thành tour du lịch cho trẻ em. Ảnh: FBNV

Kế thừa sản phẩm truyền thống

Ba dự án này đều đoạt giải tại cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp sáng tạo” vùng duyên hải Nam Trung Bộ, vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên năm 2018” do Bộ Khoa học và công nghệ tổ chức tại Bình Định. Cả ba đều được nhìn nhận là những dự án mang tính cộng đồng rất lớn, sẽ được xem xét hỗ trợ để mở rộng đầu tư và thị trường.

Nguyễn Thị Huỳnh Nga mang dự án “Kế thừa và phát triển làng nghề thủ công từ len sợi” của mình trình bày tại không gian khởi nghiệp tại Bình Định nhận được rất nhiều sự khen ngợi. Cô gái sinh năm 1994 này hiện đã mở một cửa hàng len sợi tại Cẩm Hà (Hội An) với những sản phẩm thiên về trang phục của trẻ em... “Sau một thời gian kinh doanh trên mạng, mình nhận thấy thị trường rất chuộng các sản phẩm thủ công, đặc biệt là các mẹ có con nhỏ. Đồng thời sau thời gian mình ký gửi hàng hóa tại các shop lưu niệm ở phố cổ, dòng khách Hàn rất thích các sản phẩm từ len sợi” - Huỳnh Nga nói.

Hiện tại, ngoài các sản phẩm dành cho trẻ em, Huỳnh Nga còn làm thêm các sản phẩm lưu niệm từ len sợi như búp bê hay các móc khóa nhiều hình dạng. Tự mày mò học kỹ thuật đan móc trên mạng, vốn dĩ có năng khiếu, các sản phẩm của Huỳnh Nga luôn được đón nhận. Ngoài việc tự mình làm, Huỳnh Nga còn có một mạng lưới “vệ tinh” - là các phụ nữ tại Cẩm Hà, Điện Phương, Nam Phước cùng với Nga tổ chức sản xuất, hình thành nên nhiều sản phẩm khác nhau từ len sợi. Cô gái này nói, mong muốn của mình là có một không gian để tập hợp những người làm nghề thủ công từ len sợi và nơi đó sẽ là điểm đến của nhiều du khách ưa chuộng mặt hàng này.

“An toàn cho mọi nhà”

“Thiết bị điều khiển thông minh Sana” của Đinh Thanh Sang (SN 1990, trú tại Hội An) bao gồm bộ điều khiển tích hợp các chức năng bật tắt theo thời gian, theo ánh sáng được cài đặt hoặc kết hợp với cảm biến chuyển động... từ rất nhiều loại thiết bị trong gia đình. Hiện thiết bị này đã được 30 gia đình tại Hội An sử dụng và hoàn toàn hài lòng về sản phẩm này. Đinh Thanh Sang chia sẻ, anh mày mò nghiên cứu bộ điều khiển này trong nhiều năm liền, vừa làm vừa kiếm tiền để mua thiết bị nghiên cứu và thử nghiệm. “Bà ngoại mình năm nay đã 100 tuổi. Khi nhìn bà mò mẫm bật tắt điện, mình đã nghĩ phải làm cách nào để tích hợp các công tắc vào một thiết bị. Trong suốt 5 năm nghiên cứu, sản phẩm hiện nay đã đáp ứng đủ các tiêu chí dành cho một ngôi nhà thông minh” - Đinh Thanh Sang nói.

Với slogan “An toàn cho mọi nhà”, chỉ với hơn 500 nghìn đồng/sản phẩm, thiết bị điều khiển này phù hợp với các gia đình có thu nhập trung bình. Đây cũng là điều mà Sang muốn sản phẩm mình hướng tới, khi bất cứ gia đình nào cũng sẽ có người già và trẻ em.

XUÂN HIỀN

TÁC PHẨM THAM DỰ CUỘC THI BÁO CHÍ “NHỮNG TẤM GƯƠNG KHỞI NGHIỆP – SÁNG TẠO”

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những dự án nhân văn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO